Chuyển giao sản phẩm công nghệ nuôi cấy mô cho dân: Còn nhiều trở ngại

BÍCH LIÊN 24/06/2013 08:38

Gần đây, một số dự án/đề tài nghiên cứu về công nghệ nuôi cấy mô đã được thực hiện tại Quảng Nam cho thấy triển vọng trong việc ứng dụng công nghệ này tạo nguồn giống mới có năng suất, chất lượng, độ đồng đều cao, phù hợp với địa phương. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm công nghệ này đến với người dân vẫn còn nhiều trở ngại.

Tạo giống hoa mới

Đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống hoa cúc đại đóa, đồng tiền và lan Dendrobium” do cử nhân Huỳnh Hữu Thắng (Trung tâm Phân tích - kiểm định & tư vấn KH-CN, thuộc Sở KH-CN) thực hiện được xem là hướng tạo giống hoa mới sạch bệnh, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người trồng hoa. Chủ nhiệm đề tài Huỳnh Hữu Thắng chia sẻ, diện tích và thị trường hoa tươi của Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng tăng mạnh gần đây, nhu cầu về cúc đại đóa, đồng tiền, lan Dendrobium rất lớn. Nếu tạo ra các giống hoa trên bằng biện pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, hiệu quả kinh tế đem lại sẽ rất cao. Hơn nữa, có thể giải quyết bài toán về giống mới, vấn đề cấp thiết của nông dân trên địa bàn tỉnh. “Lâu nay, bà con phải lặn lội vào tận Đà Lạt, Sài Gòn để mua giống hoa nuôi cấy mô khiến chi phí, giá thành sản xuất đội lên rất cao và người tiêu dùng phải gánh chịu. Hy vọng nếu được đầu tư trang thiết bị phục vụ nhân giống nuôi cấy mô trên diện rộng, việc đưa sản phẩm nghiên cứu tới bà con không khó” - cử nhân Huỳnh Hữu Thắng nói.

Cây hoa đồng tiền nuôi cấy mô.
Cây hoa đồng tiền nuôi cấy mô.

Để tạo các giống hoa trên, đề tài nghiên cứu phải tiến hành các bước: chọn giống cây, tách lấy mẫu để nuôi cấy; xử lý mẫu và nuôi cấy vô trùng (môi trường vô mẫu); nhân nhanh chồi; tái sinh cây hoàn chỉnh. Cây con - sản phẩm từ phòng thí nghiệm phải được huấn luyện trước khi đưa ra vườn ươm 15 - 20 ngày. Vườn ươm phải đảm bảo các yếu tố: không ngập nước, có mái che, có nhà lưới, hệ thống phun sương, giá thể trồng cây là đất pha cát tỷ lệ 70% đất, 25% cát và 5% phân chuồng. Đối với cúc đại đóa, đồng tiền, cây con khi được trồng ngoài luống đất tại vườn ươm 30 - 40 ngày cao khoảng 14 - 18cm, khỏe mạnh sẽ được trồng vào bầu đất có tỷ lệ đất pha trộn như trên để tạo điều kiện cho cây ra hoa. Ông Thắng cho biết thêm: “1.000 cây con cúc đại đóa và đồng tiền tạo ra, đề tài đã chuyển giao một ít cho một số hội viên Hội Nông dân huyện Điện Bàn, giao miễn phí cho đồng nghiệp tại nhiều đơn vị trồng thử và nhận được phản hồi tích cực; 200 chậu lan Dendrobium đang chờ cho hoa tại vườn ươm”.
Làm chủ công nghệ

Cúc đại đóa trong môi trường nhân nhanh sau 30 ngày nuôi cấy.         Ảnh: H.H.T
Cúc đại đóa trong môi trường nhân nhanh sau 30 ngày nuôi cấy. Ảnh: H.H.T

Thực tế, công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật đã được sử dụng từ năm 2000 trên địa bàn tỉnh (tại Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam), tiến hành trên các loại cây keo lai, dó bầu, dứa, bạch đàn. Cụ thể là một số đề tài đã được tiến hành như: Đề tài nuôi cấy mô cây keo lai và dó bầu, nghiệm thu năm 2003; Đề tài nuôi cấy mô cây dứa Cayen, nghiệm thu năm 2002; Đề tài nuôi cấy mô cây bạch đàn, nghiệm thu năm 2004. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tạo giống mới là nhiệm vụ cấp thiết, đây là phương pháp tạo số lượng con giống lớn trong thời gian ngắn, độ đồng đều cao và ổn định về mặt di truyền. Hiện, TP.Hội An có nhu cầu ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật để bảo tồn nguồn gen gốc cây quật cảnh; huyện Nông Sơn muốn tạo ra cây đầu dòng đối với thanh trà, bưởi trụ bằng kỹ thuật nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng. Để giúp bà con thoát nghèo bền vững, Đông Giang có nhu cầu tạo cây chuối nuôi cấy mô với số lượng lớn… Nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh, quế Trà My giúp bảo tồn gen gốc bản địa trước nguy cơ bị thoái hóa, lai tạp với giống kém chất lượng. Sản phẩm, quy trình công nghệ đã có, song để sản phẩm khoa học trên đến với nhà nông, giải quyết bài toán thiếu hụt giống mới là một vấn đề. Sự thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu triển khai công nghệ nuôi cấy mô trên diện rộng, cho tới việc thiếu cơ chế chuyển giao công nghệ… là trở ngại khiến bà con chưa thể tiếp cận với sản phẩm công nghệ sinh học.

Gần đây, Sở KH-CN chủ trì đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam”. Việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, hóa chất, dụng cụ phòng thí nghiệm, chuẩn bị môi trường cho nuôi cấy mô… được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hơn 400 triệu đồng. Phòng nuôi cấy mô được đầu tư 1 tỷ đồng đang trong quá trình xây dựng. Việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống sâm Ngọc Linh là tín hiệu vui khi ngành khoa học đã có thể tiếp cận và làm chủ công nghệ này.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển giao sản phẩm công nghệ nuôi cấy mô cho dân: Còn nhiều trở ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO