Bao nhiêu thì gọi là giàu?
Hình như từ xưa đến nay, các nền kinh tế vẫn chưa có một tiêu chuẩn định lượng cụ thể và thống nhất để xếp một người nào đó vào hàng giàu có. Khái niệm “giàu” vẫn luôn ở trạng thái đối sánh cảm tính theo từng cộng đồng. Một già làng ở vùng dân tộc thiểu số chỉ có bốn năm con trâu và vài bộ cồng chiêng, chum ché trong nhà đã gọi là giàu. Ở nông thôn, trong một cụm dân cư nếu có một căn hộ nào xây vượt trội lên vài “mê” cùng một chiếc “tay ga” đời mới vào ra thì nhất định sẽ được/bị chòm xóm cho là nhà giàu... Có trang báo điện tử đi phỏng vấn một số người với câu hỏi: “Như thế nào thì gọi là giàu?” thì nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Có người bảo “ở biệt thự sang, đi ô tô xịn”; có chị nói “chồng đại gia, con đi du học là giàu”; lại có anh chàng đáp gọn trơn, chắc nụi: “Giàu là có nhiều tiền”.
Nhà “siêu nghèo”. Nguồn: Internet |
Nhưng “nhiều” là bao nhiêu?
Theo báo cáo của TS. Đỗ Thiên Kính thuộc Viện hàn lâm KHXH thì nhóm hộ giàu ở nước ta chiếm 20% dân số nhưng có thu nhập hơn 54% tổng thu nhập quốc dân. Từ đó có thể suy ra rằng, người được coi là giàu ở Việt Nam có mức thu nhập hàng năm từ 6.000USD trở lên. Trong khi đó, theo Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS), thì một người được xếp vào nhóm 1% dân số giàu nhất thế giới khi có thu nhập tối thiểu hàng năm là 429.000USD, tương đương khoảng 10 tỷ VNĐ.
Thực ra, nếu chỉ căn cứ vào tài sản hoặc thu nhập định kỳ để xác định giàu hay chưa thì sai số sẽ rất lớn. Một người bị cách chức mất quyền nhưng có thể đang cất giữ một… rương vàng, đô la trong nhà chờ ngày… tẩu tán; một nhà chỉ có vài héc ta đất gò bãi khô cằn đến cỏ hoang cũng không mọc nổi, nay bỗng dưng được đền bù năm bảy tỷ đồng nhờ một dự án nào đó… Ai bảo họ không giàu? Hoặc có ông chủ một ngân hàng vốn liếng cả trăm ngàn tỷ đồng nhưng ôm một đống nợ xấu còn lớn hơn nhiều… Vậy hỏi ông có giàu chăng?
Chuẩn nghèo
So với “giàu” thì “nghèo” đã có “tiêu chuẩn” tương đối cụ thể hơn. Năm 2015, Ngân hàng thế giới đã đưa ra chuẩn nghèo dựa trên thu nhập bình quân đầu người trong một ngày là dưới 1,9 đô la. Tuy nhiên, hiện nay thế giới đang áp dụng một bộ tiêu chí toàn diện hơn gọi là “chuẩn nghèo đa chiều”, trong đó không chỉ căn cứ vào thu nhập mà còn xét đến các mặt thiết yếu khác của đời sống như y tế, giáo dục, nhà ở, phương tiện đi lại, thông tin… Còn ở Việt Nam, qua nhiều lần nâng chuẩn, đến nay cũng đã có quy định mới tiếp cận “chuẩn nghèo đa chiều” áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, trong đó tiêu chí thu nhập hằng tháng là dưới 700.000 đồng/người ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người ở đô thị. So với giai đoạn trước, chuẩn này xem ra đã có một bước nhảy vọt, tiến gần với chuẩn thế giới hơn. Mặc dù như thế, tỷ lệ hộ nghèo lại nhiều gấp đôi so với chuẩn cũ (10% so với 5%), nhưng đó là điều cần thiết để các nhà quản lý đất nước có cái nhìn thực tế hơn về đời sống của nhân dân, nhất là những người chưa tìm thấy cơ hội để thoát nghèo. Hơn nữa, đó cũng là cái nhìn cấp tiến hơn về quyền được thụ hưởng của con người trong sự phát triển chung của xã hội.
Hoa Kỳ tuy là nước giàu số một thế giới nhưng đã tự “vạch áo cho người xem lưng” khi công bố còn 48 triệu người nghèo, chiếm 15% dân số, cao hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng đó là “nghèo… kiểu Mỹ”. Theo Cục điều tra dân số Liên bang Hoa Kỳ thì trong nhóm người nghèo kể trên, bình quân mỗi gia đình có 43m2 không gian nhà ở trên 1 người; 75% có ô tô; 97% có ti vi màu; 91,3% có điện thoại cố định; 31% có cellphone; 33% có máy tính; 79,7% có máy lạnh; 99,2% có tủ lạnh; 64,3% có máy giặt; 89% có lò vi sóng; hơn 1/3 có máy rửa bát… Còn về thu nhập, một người Mỹ nếu muốn thoát ra khỏi nhóm nghèo khổ phải có thu nhập hàng năm trên 6.000USD, nghĩa là ngang với ngưỡng giàu ở xứ ta.
Chuyện “bao đồng”
Gần đây, có một thông tin làm ai nấy giật mình: Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank ở Anh, trong một báo cáo mới nhất đã cho rằng trong 10 năm tới, tỷ lệ gia tăng số người siêu giàu ở Việt Nam sẽ là 170% và dẫn đầu thế giới. Con số cụ thể sẽ là 540 người, còn hiện nay là 200. Khái niệm “người siêu giàu” theo ước định chung của thế giới là những ai có tổng tài sản từ 30 triệu USD, tương đương 675 tỷ VNĐ, trở lên. Bên cạnh đó, nước ta vẫn còn khoảng 10 triệu người nghèo (theo chuẩn mới), có thu nhập bình quân chưa tới 400USD/năm, nghĩa là bằng 1/75.000 thu nhập của người ở nhóm siêu giàu. Việt Nam hiện có 2 đại gia giàu nhất trên sàn chứng khoán, nắm giữ số cổ phiếu có giá trị khoảng 2,2 tỷ USD mỗi người. Thang bậc giàu nghèo ví như một chiếc thang dây, nếu người nghèo đang đứng ở bậc sát đất thì người giàu nhất đã leo lên tới… thượng tầng khí quyển. Ngay như ở làng tôi, trong khi một ông chủ lò gạch tuynel có doanh thu mỗi ngày hơn 60 triệu đồng thì một bà cụ đơn thân ở gần đó quanh năm chỉ đủ cơm ăn với rau mắm. Nhìn quanh vườn nhà bà chẳng thấy thứ gì có thể bán được để mua vài lạng thịt, bởi suốt ngày bà chỉ quanh quẩn với… cỏ khô và củi vụn. Quả như câu ca dao: “Ông trời ổng ở không cân/Kẻ ăn không hết người mần không ra”.
Đôi lúc ngồi nghĩ những chuyện “bao đồng”: Rằng không hiểu nhiều người làm gì mà giàu kinh vậy? Và sao nhiều người suốt đời vẫn mãi lẩn quẩn phận nghèo? Rằng chưa nói đến những nghĩa cử “siêu hào phóng” như tỷ phú Bill Gates của Mỹ, người đã cam kết dành ra 70 tỷ USD để làm từ thiện (trong đó có 88 triệu USD đầu tư vào VN), hay như chuyện bỏ ra 40 tỷ tiền túi để xây ký túc xá cho sinh viên nghèo của ông chủ doanh nghiệp Cỏ May Phạm Văn Bên, chỉ giả dụ cái nhóm 20% dân số giàu của nước ta chịu đầu tư 1% hầu bao của họ thì cũng đủ “phủ sóng” kế sinh nhai cho toàn bộ các hộ nghèo.
PHAN VĂN MINH