Ở tuổi 92, bà Nguyễn Thị Hồng trú tại thôn Phú Hưng, xã Tam Xuân 1 có lẽ là nữ đảng viên cao niên nhất của huyện Núi Thành. Ít ai biết rằng, nữ thương binh 69 tuổi Đảng này là mẹ của bà Phạm Thị Anh Đào cũng là thương binh nặng loại 2/4.
Bà Nguyễn Thị Hồng trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1996). (Ảnh: Gia đình cung cấp) |
Thời trẻ của mẹ...
Những trận đòn thù năm xưa cùng với tuổi già đã làm bà Hồng nằm liệt giường mấy năm nay. Thi thoảng, bà bảo con trai cho ra xe lăn ngắm đất trời một lát rồi vào lại nhà. Trong ký ức không liền mạch, bà cố gắng nói về những ngày xa xưa của gia đình mình. Quê gốc xã Tam Hòa, bà Hồng tham gia cách mạng năm 1943. Cha bà bị bom Mỹ giết hại, anh trai bị tù đày ở Côn Đảo, sau đó đã hy sinh. Em trai cũng bị địch bắt giam ở nhà lao Tam Kỳ rồi bị địch đưa đi chôn sống. Đó là nghe đằng mình kể lại chứ gia đình không biết hài cốt liệt sĩ ở đâu. Bất hạnh như chưa buông rời người đàn bà nhỏ bé này khi chồng là ông Phạm Văn Khoa, đảng ủy viên xã Tam Hải, năm 1951 chết vì bệnh trong hầm bí mật (chưa được công nhận là liệt sĩ). Ôm đứa con gái nhỏ chưa thấy mặt cha vào lòng, bà quyết sẽ trả thù cho những người thân yêu.
Năm 1954, được đi tập kết nhưng bà xin ở lại tham gia xây dựng cơ sở cách mạng ở Tam Hòa. Nhà bà có 3 căn hầm bí mật trong vườn là nơi anh em cán bộ cách mạng đi về. Có lần địch ập vào khi các dấu dép trên miệng hầm chưa kịp xóa, bà nhanh trí đem nong lúa ra phơi ngay trên hầm và chà lên cho hết dấu. Nhờ vậy mà cán bộ thoát nạn. Năm 1960, bị lộ, địch bắt giam bà ở nhà lao Tam Kỳ, sau đó đưa đi Hội An. Suốt 3 năm trong tù, bà nhiều lần vận động mọi người tuyệt thực, bị địch ghi vào sổ đen. Biết vậy, bà dùng hai ống quần buộc lại, thắt cổ tự vẫn chứ không để chết trong tay địch. Địch phát hiện và tra tấn bà dã man hơn trước. Chúng xẻo nguyên một bên mông của bà vứt đi ngay trước mặt. Đau đớn quằn quại vậy mà người nữ tù vẫn không lung lay ý chí. Thấy bà tắt thở, chúng quẳng vào nhà xác. Đêm, có người ở gần nghe tiếng rên và kêu cứu. Địch buộc phải chữa trị vết thương cho bà trước sự phản kháng dữ dội của các tù nhân. Được ra tù năm 1964, bà Hồng tiếp tục hoạt động cách mạng và sinh hoạt ở Chi bộ Binh vận Nam Tam Kỳ.
Ba năm sau, một tình yêu mới đến với bà. Ông là Lê Ngọc Hà, tập kết ra Bắc, sau đó về Nam hoạt động, làm ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam. Người đàn ông này nguyện gắn bó với bà dù biết bạn đời của mình khiếm khuyết một phần cơ thể. Câu chuyện tình đặc biệt của họ bắt đầu từ lần cùng nhau vượt dốc ở chiến khu và cái dốc ấy được mọi người đặt yêu là “dốc ông Hà”. Hạnh phúc vỡ òa khi năm 1968 bà sinh con trai Lê Ngọc Sơn. Có con nhỏ không đi hoạt động được, bà làm nuôi quân cho Bệnh xá V2 và trại điều dưỡng của tỉnh. Cuối năm 1968, địch càn vào cơ quan, bà bồng đưa con nhỏ đi ẩn nấp. Đi ra suối lấy nước, thấy lính Mỹ lố nhố, bà bịt miệng con lại rồi nhanh chân chạy thoát. Trên núi không tìm đâu ra nước, người mẹ dùng nước tiểu của mình nấu cơm bằng hăng-gô để nuôi sống con. Hai lần như vậy, suốt 3 ngày, bà chờ địch rút mới trở về căn cứ. Cậu con trai may mắn sống sót ngày ấy nay là Phó Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh Quảng Nam. Người cha mất sớm, anh Sơn cùng vợ lúc nào cũng cận kề, đỡ đần mẹ nhất là những năm gần đây bà không thể tự chăm sóc mình. Chỉ tấm ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trên tường, bà Hồng nói rành rọt: “Năm 1996, tôi theo đoàn lão thành của tỉnh ra thăm Hà Nội và được gặp Đại tướng. Ông hỏi tôi nhiều lắm, giờ không nhớ nữa. Lúc đó tôi cứ nghĩ đến những người thân của mình đã nằm xuống không có vinh dự này”.
... và thời trẻ của con
Cô con gái Phạm Thị Anh Đào của bà Hồng sinh ra trong mất mát ngày nào cũng là thương binh 2/4 và là mẹ của hai người con trai trưởng thành. Trong ngôi nhà ấm áp số 40 Nguyễn Thái Học (TP.Tam Kỳ), chị Đào trầm giọng kể về cuộc đời mình. Chị nhớ như in cảnh tượng vào tù thăm mẹ, thấy mẹ bất tỉnh trên vũng máu với vết thương khủng khiếp bên hông. Chị sững sờ đến mức vứt luôn cả trã cá ngon đi tiếp tế mà ôm mẹ khóc thảm thiết. Mới hơn 10 tuổi, vừa làm giao liên hợp pháp, Đào vừa buôn bán kiếm tiền mua thức ăn bồi bổ cho mẹ. Lang bạt lúc ở bên nội, khi lại về ngoại để dễ bề hoạt động, mãi đến khi mẹ ra tù, cô mới có trọn vẹn mái ấm. Nhớ lại những ngày đó, chị Đào ngấn lệ: “Tôi ở với mẹ không được bao lâu thì mẹ thoát ly. Đi bí mật lắm, không cho ai biết. Tôi cứ áp mặt vào dấu chân mẹ mà khóc”.
Chị Đào vừa nhớ vừa thương mẹ, với vết thương nặng như thế mẹ làm sao mà hoạt động cách mạng được. Không ngờ, những gì mẹ chịu đựng đau đớn lại đến lượt tôi. Khi nghe tôi bị cắt chân, mẹ từ trên núi vượt ào qua bãi mìn đến ôm tôi mà khóc. Đó là cuối năm 1972, chị Đào làm y tá cứu chữa thương binh của trạm xá Nam Tam Kỳ, trong chuyến công tác ở Kỳ Thạnh, chị dính pháo địch bắn vu vơ, bị thương đứt động mạch chân phải. Bị hoại tử, bác sĩ phải phẫu thuật cắt toàn bộ chân lên đến bẹn. Tập tễnh đôi nạng lên trại thương binh của tỉnh, chị gặp anh trại trưởng Nguyễn Đức Nhạn (nay đã mất), nguyên pháo thủ 12 ly 7 của Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 hết lòng chăm sóc. Thương cô gái Tam Kỳ còn trẻ đã tật nguyền, dù là thương binh với nhiều vết đạn trên người, anh vẫn xin làm đôi chân của chị. Đám cưới đơn giản được tổ chức trên chiến khu rồi anh đồng hành đưa chị ra Bắc làm chân giả. Cực chẳng đã mới để chị đi nạng, còn gần như suốt chặng đường vượt Trường Sơn ra trạm đón tiếp, anh cõng chị trên lưng, ai thấy cũng khâm phục. Sau giải phóng, hai vợ chồng về lại Tam Kỳ, chị cố gắng đi học và sau đó làm ở trường bổ túc công nông 3 của tỉnh cho đến khi về hưu.
Hai nữ thương binh 2/4, hai mẹ con “thép đã tôi” qua bao dữ dằn của chiến tranh vẫn cảm ơn số phận không để mình cô đơn. Sống thanh thản bên con cái hiếu thảo, họ biết rằng mình xứng đáng được cuộc đời bù đắp như thế.
HỒNG VÂN