Chuyện hầm bí mật ở gò Đá

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 07/11/2016 08:52

Băng qua cánh đồng rộng hàng chục héc ta, bà Lương Thị Lan, thôn Quý Thượng, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) đưa chúng tôi ra khu vực gò Đá thăm căn hầm bí mật cách đây 45 năm bị địch phát hiện, giết chết nhiều người. Trên đường đi bà Lan không ngớt kể về một thời bi tráng của người dân làng Quý Thượng.

Sau ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ, ngoài số cán bộ được tổ chức đưa đi tập kết ra miền Bắc, những người ở lại không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng của quê hương, đồng thời tập trung xây dựng lực lượng để bảo vệ thành quả cách mạng. Tuy địch kiểm soát gắt gao nhưng nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng giúp Đội công tác vũ trang về làng trấn áp bọn tay sai, xây dựng cơ sở và huy động lương thực, thuốc men đưa về căn cứ được an toàn, tuyệt mật. Song, để bám cơ sở hoạt động lâu dài, cán bộ, chiến sĩ đội công tác cần phải có hầm bí mật để trú ẩn. Trước yêu cầu bức thiết đó, đầu năm 1969, nhân dân Quý Thượng quyết định đào hầm bí mật, nhưng đào trong làng thì không an toàn cho nên lúc đầu tập trung đào hầm ở trên rừng, song đường sá đi lại khó khăn, bất tiện cho việc liên lạc cũng như tiếp tế cơm nước, sau đó chuyển sang khu vực gò Đá. Ông Nguyễn Liễn và Trần Quyết là những người được tổ chức trực tiếp giao nhiệm vụ quan trọng này. Công việc đào hầm được thực hiện vào ban đêm, đất đào lên vận chuyển thủ công ra ngoài sông đổ để địch không phát hiện…

Cơ sở cách mạng trong làng lúc đó có gia đình các bà Lương Thị Phương Lan, Huỳnh Thị Hường, Phạm Thị Hiệt, Đỗ Thị Lưu, Lương Thị Lan... Các gia đình cơ sở đã vận động khá nhiều hộ tham gia đóng góp nhiều tấn lương thực, thuốc men, vải vóc, quần áo. Tất cả vật dụng, nhu yếu phẩm huy động được đều đem cất giấu tại nhà ông Lương Thống (ngôi nhà bỏ hoang vì gia đình bị địch dồn vào ấp chiến lược) để đội công tác về lấy mang ra căn cứ. Cũng từ ngôi nhà này, ông Nguyễn Liễn được tổ chức giao nhiệm vụ tiếp nhận tin tức, lo cơm nước mang ra tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ ở ngoài hầm bí mật, đồng thời tiếp nhận sự chỉ đạo của cấp trên để truyền đạt cho cơ sở triển khai thực hiện.

Việc sử dụng căn hầm bí mật đã phát huy hiệu quả, kịp thời chỉ đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trên các mặt công tác. Tuy nhiên, do bị chỉ điểm nên chiều một ngày tháng 10.1971, địch kéo ra khu vực gò Đá bắn xối xả vào một nơi được cho là có hầm bí mật. Lúc bấy giờ có 3 cán bộ đang ẩn nấp dưới hầm. Trong đó, ông Nguyễn Huy - Bí thư Đảng ủy xã về chỉ đạo công tác tại thôn Quý Thượng bị bọn chúng bắt sống; ông Nguyễn Minh Khuê bị bắn gãy quai hàm, sau đó hy sinh. Riêng ông Phạm Cang thoát được khỏi hầm nhưng bị địch phát hiện. Ông núp dưới ruộng lúa, địch không tìm thấy nhưng bọn chúng bắn khắp nơi để uy hiếp và dùng loa kêu gọi đầu hàng. Khi trời chập choạng tối, nghe tình hình có phần im ắng, ông Cang trườn lên khỏi bờ để tìm cách thoát, không ngờ địch phát hiện, chúng tập trung bao vây và kêu gọi đầu hàng. Ông Cang chạy ra hướng sông để tìm cách thoát, bọn địch đuổi theo và xả súng, trước khi ngã xuống ông hô to “Đả đảo Mỹ ngụy”. Máu của ông đỏ thắm dòng sông.

Bà Lương Thị Lan cho biết. Sau khi căn hầm bí mật bị phát hiện, bọn địch bắt bà cùng các bà Lương Thị Phương Lan, Huỳnh Thị Hường và ông Nguyễn Liễn đánh đập “thừa sống thiếu chết”. Riêng bà Lương Thị Lan bị bọn chúng dùng đủ cực hình để tra tấn như bắt bà nằm ngửa đổ nước xà phòng vào miệng cho đầy bụng rồi dùng chân mang giày đinh đạp lên bụng cho nước xà phòng trào ra. Mặc dù bị tra tấn dã man, chết đi sống lại nhiều lần nhưng bà Lan nhất định không khai. Không tìm ra manh mối và chứng cứ để buộc tội nên bọn chúng cho mọi người về. Nhưng bọn địch rất tức giận, bèn tìm cớ bắn ông Nguyễn Liễn bị thương nặng rồi đưa vào ấp chiến lược. Ông Liễn đã hy sinh. Thâm độc hơn, vào một đêm tối trời, trong khi bà Phạm Thị Hiệt ôm đứa con gái mới 4 tuổi đang say giấc thì bọn chúng xả súng bắn vào người làm cho hai mẹ con chết tại chỗ.

Làng Quý Thượng là địa phương có truyền thống đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở đây đã đào hầm công sự hình chữ U men theo bìa rừng từ xóm trên xuống xóm dưới, hai bên thành hầm và phía bên trên hầm đều được lót bằng phên tre che chắn kỹ càng, lấp đất khá dày, đảm bảo an toàn. Cứ khoảng 50m chừa một cửa ra vào và được bố trí liên hoàn từ vườn nhà này sang vườn nhà khác. Ở phía trước được đào hầm dọc theo đường làng được gọi là “hầm tiến” chạy suốt từ đầu đến cuối làng, cũng có đoạn đào hình chữ Z giúp cho việc cơ động đánh giặc. Ngoài ra, hầm trú ẩn cũng được đào khắp ngõ xóm để ẩn núp, tránh máy bay oanh tạc. Phát huy truyền thống đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Quý Thượng đã tham gia đào hầm chống phi pháo, hầm tránh bom đạn. Và để bảo vệ cán bộ, du kích trong những trường hợp cấp thiết, nhiều gia đình làm hầm thành hai ngăn, ngăn núp bom đạn và ngăn hầm bí mật. Trong đó, ngăn hầm núp bom đạn được xây bên trên, bên dưới là ngăn hầm bí mật có ống thông hơi. Với cách làm này, người dân làng Quý Thượng đã nuôi giấu an toàn tuyệt mật cán bộ, chiến sĩ cách mạng để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

Ông Phạm Văn Phòng - Bí thư Chi bộ thôn Quý Thượng cho biết, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc, toàn thôn có 40 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 192 người con ưu tú được công nhận liệt sĩ, trong đó có những người đã anh dũng hy sinh vì sự an toàn của cán bộ, chiến sĩ tại căn hầm bí mật ở gò Đá. Đây là những tấm gương trung liệt cần được xây dựng bia tưởng niệm để ghi công, đồng thời đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện hầm bí mật ở gò Đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO