Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội: Mặt trận tích cực vào cuộc

LÊ NHƯ THỦY 08/05/2020 12:20

Các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự do Mặt trận cơ sở chủ trì thực hiện đã góp phần tích cực trong công tác chuyển hóa các địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt hơn công tác phòng ngừa, hạn chế tội phạm.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Ảnh: NHƯ THỦY
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Ảnh: NHƯ THỦY

Thống nhất hành động

Thời gian qua, với vai trò cơ quan chủ trì phối hợp thực hiện đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020”, lực lượng công an đã phối hợp khá chặt chẽ với Mặt trận để triển khai thực hiện các tiêu chí về chuyển hóa địa bàn.

Tại những địa phương được chọn, hằng năm Mặt trận cấp xã tổ chức các diễn đàn nhân dân góp ý lực lượng công an; xây dựng mô hình xã điểm về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm gắn với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, luật hình sự, phát phiếu thăm dò ý kiến người dân về tiêu chí an ninh nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Ở nhiều nơi như Núi Thành, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Điện Bàn,... Mặt trận các cấp đã vận động, hỗ trợ phương tiện sản xuất cho một số trường hợp đã và đang hòa nhập cộng đồng. Phong trào cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư đã phát huy truyền thống đoàn kết; bằng tình làng, nghĩa xóm, bà con nhân dân ở các khu dân cư đã giúp đỡ, cảm hóa nhiều trường hợp từng vi phạm pháp luật trở thành người có ích, có việc làm ổn định, góp phần giảm bớt tình trạng tái phạm tội.

Năm 2019 cả tỉnh có 21/24 xã được chuyển hóa thành công. Tại các xã này, tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, không hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tỷ lệ điều tra khám phá án được nâng cao; tin báo tố giác và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận và giải quyết kịp thời. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được tăng cường. 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ, trong năm 2019 Công an tỉnh phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội tại các địa phương được tỉnh lựa chọn để chuyển hóa từ năm 2017 nhưng đến cuối năm 2018 vẫn chưa chuyển hóa thành công.

Tại các địa phương được kiểm tra (gồm: phường An Sơn, TP.Tam Kỳ; phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn; thị trấn Hà Lam, Thăng Bình; thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã vào cuộc đồng bộ, tập trung kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong từng mặt công tác chuyển hóa và nêu cao quyết tâm phải chuyển hóa thành công.

Trong số địa phương được chọn kiểm tra, có 3/4 địa phương đã chuyển hóa thành công; chỉ còn phường Điện Nam Đông xảy ra 17 vụ phạm pháp hình sự (chưa đạt tiêu chí giảm 10% tội phạm và tệ nạn xã hội), điều tra khám phá 5/7 vụ (chưa đạt tiêu chí điều tra khám phá án từ 80% trở lên). Năm 2020, Điện Nam Đông tiếp tục được tỉnh chọn đưa vào danh sách chuyển hóa.

Cơ sở hưởng ứng

Một trong những vấn đề mấu chốt quyết định sự thành công của công tác chuyển hóa địa bàn là việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào thông qua các mô hình an ninh trật tự được xây dựng ở cơ sở.

Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, hằng năm Mặt trận các cấp chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự” ở cơ sở. Qua theo dõi phong trào, cả tỉnh có 55 loại hình tự quản thì lĩnh vực an ninh - trật tự đã có 27 loại hình với nhiều tên gọi khác nhau như: Đội dân phòng tự quản; Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự và an toàn giao thông; Dòng tộc tự quản về an ninh trật tự; Khu dân cư không có tệ nạn xã hội; Tuyến đường tự quản; Khu nhà trọ tự quản; Tổ đoàn kết tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới; Tiếng loa an ninh; Thắp sáng đường quê; Tiếng mõ thôn bản...

Hầu hết mô hình tự quản này có sự chung tay của người dân trong việc tham gia duy trì hoạt động, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các đoàn thể, nhiều hội viên, đoàn viên đã tích cực tham gia mô hình an ninh trật tự, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nhân Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19.8) tạo khí khế thi đua sôi nổi của mọi người, mọi nhà trong việc nâng cao ý thức gìn giữ an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần hạn chế tội phạm.

Sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an, Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng quyết tâm của toàn dân khi hưởng ứng việc triển khai thực hiện đề án đã tạo nên những tín hiệu vui trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm về trật tự an toàn xã hội.

Năm 2020, ban chỉ đạo cấp huyện chọn chuyển hóa 7 địa bàn, gồm: xã Tam Đàn (Phú Ninh), Bình Quý (Thăng Bình), Trà Vân (Nam Trà My), Phước Đức (Phước Sơn), Quế Xuân 1 (Quế Sơn), Sông Kôn (Đông Giang) và thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức); ban chỉ đạo cấp tỉnh chọn xã Tam Phú (Tam Kỳ), phường Cẩm Châu (Hội An), phường Điện Nam Đông (Điện Bàn), thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) và xã Duy Hải (Duy Xuyên). Hy vọng đến cuối năm các địa phương sẽ đạt tiêu chí chuyển hóa để được công nhận xã, phường, thị trấn đảm bảo về trật tự an toàn xã hội.

Theo kế hoạch thực hiện đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020” ban hành năm 2017, UBND tỉnh đặt chỉ tiêu hằng năm tổ chức chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn lựa chọn chuyển hóa, tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp để duy trì bền vững kết quả đã đạt được; có ít nhất hơn 85% số địa bàn đã chuyển hóa  thành công không tái phức tạp; mỗi địa bàn được lựa chọn chuyển hóa tiến hành xây dựng và củng cố ít nhất 1 mô hình vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, hoạt động hiệu quả...

Địa bàn được công nhận chuyển hóa thành công khi: không có dấu hiệu hoạt động của tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt từ 80% trở lên, riêng các vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trong tổng số án khởi tố; tiếp nhận, giải quyết 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Kế hoạch được triển khai thực hiện hằng năm, trong đó ngoài địa bàn do ban chỉ đạo cấp huyện chọn, ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng sẽ lựa chọn một số xã, phường, thị trấn để tập trung thực hiện chuyển hóa. T.S

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội: Mặt trận tích cực vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO