Chuyện học ở Phước Lộc

QUẾ CHÂU - HOÀNG YÊN 27/08/2015 09:04

Những cách làm mới trong chuyện dạy và học ở vùng cao xã Phước Lộc (Phước Sơn) trong năm học 2015 - 2016 này mang đến tín hiệu vui. Song, ưu tư thì vẫn còn đó…

Bữa cơm trưa tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc. Ảnh: VĂN HÀO
Bữa cơm trưa tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc. Ảnh: VĂN HÀO

Bước chân đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc (đứng chân tại thôn 5B) của trẻ em Bhnoong đã được gần hơn, vì đường sá hoàn thiện hơn và sự chăm lo hỗ trợ của Nhà nước tốt hơn. Năm học 2015 - 2016 này, thầy và trò ở vùng cao còn được thỏa “cơn khát” mang tên: ánh điện.

Trăn trở

Đã vài ba lần đến các thôn 8A, 8B của xã Phước Lộc, lần nào ánh nhìn ngây dại của những đứa trẻ vùng này luôn ám ảnh chúng tôi. Thầy Trần Đình Ngộ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc cho hay, năm học này trẻ em ở các thôn 8A và 8B trong độ tuổi từ mầm non đến lớp 9 sẽ không học tại điểm trường ở thôn 8A như trước đây, mà được vận động ra học bán trú ngoài trường xã. “Như vậy nhằm hạn chế tình trạng trẻ theo cha mẹ lên rẫy, bỏ học. Từ tháng 6 đến nay, giáo viên của trường và chính quyền xã Phước Lộc thay nhau đi vận động” - thầy Ngộ nói. “Bỏ học” là câu chuyện dài mà những lần lên công tác, chúng tôi được nghe cán bộ xã Phước Lộc kể nhiều. Không phải hoàn toàn bất lực, nhưng việc gieo chữ rồi vận động trẻ đi học ít nhiều khiến cán bộ, giáo viên nơi đây mỏi mệt.

Chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc khi bậc trung học đã bước vào chương trình, còn cấp tiểu học đến 31.8 này mới bắt đầu. Hỏi các thầy có lo không nếu đến ngày nhập học mà con trẻ các thôn 8A, 8B không chịu ra xã học? Thầy cô cười, đầy tự tin: “Đi chứ, vì thuyết phục phụ huynh ai cũng gật đầu”. Chủ trương đưa học sinh 8A, 8B ra trường xã học là sự nỗ lực của UBND huyện Phước Sơn và Phòng GD-ĐT trong năm học này. Hiện công tác chuẩn bị chỗ ăn, chỗ ở để đón tiếp hơn 40 trẻ của hai thôn trên gần như hoàn thiện.

Trong căn nhà tạm chưa đầy 20m2, Hồ Văn Vôn (SN 1983, thôn 8B) nằm lắc lư trên võng, ngồi dưới là vợ và 5 đứa con nheo nhóc. Chúng tôi hỏi chuyện đưa các con ra xã học nội trú, Vôn cứ cười mà không định hình được câu trả lời. Phó Trưởng thôn 8B - Hồ Văn Tái cho hay, hiện còn 6 hộ có trẻ trong tuổi ra lớp đang ở trên các chòi rẫy. Ngay cả những hộ đang ở nhà, việc vận động cho con em đi học đã khó, huống gì những hộ ở trên rẫy.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc đi vận động học sinh đến lớp. Ảnh: VĂN HÀO
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc đi vận động học sinh đến lớp. Ảnh: VĂN HÀO

Khu nội trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Có điều, ở đây học sinh chỉ chơi với nhau theo thôn, ngay cả việc ở chung phòng, ngồi ăn chung mâm cũng đều như thế. Thế nên mới có trường hợp như học sinh của thôn 5A, phòng chỉ 8 giường nhưng có đến 32 em cùng ở. Thầy Trần Đình Ngộ chia sẻ, để giải quyết tình trạng trên, chúng tôi đang khéo léo mềm dẻo uốn nắn, vì chỉ cần một học sinh trong nhóm bỏ học là tất cả cùng bỏ trường kéo nhau về nhà. “Vừa rồi Phòng GD-ĐT có chuyển về trường 30 bộ bàn ghế học tập; chúng tôi cũng làm thêm 2 phòng mới để đáp ứng nhu cầu dạy học. Khó khăn lớn nhất của trường lâu nay vẫn là chuyện thiếu nước sạch sinh hoạt vì địa hình cao” - thầy Ngộ trăn trở.

Điện và tri thức

Theo kế hoạch, ngày 2.9 tới, khu vực trung tâm của xã Phước Lộc sẽ chính thức được đóng điện lưới quốc gia. Những hàng quán đã “đón đầu” trang bị đồ dùng điện máy, sẵn sàng để “thức tỉnh” vùng đất này. Còn bên trong ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc, không khó để nhận ra vẻ hồi hộp của thầy và trò. Điện về, Phó Hiệu trưởng Trần Đình Ngộ ưu tư nhắc đến 10 dàn máy vi tính mà trường được cấp nhưng “đắp chiếu” suốt 6 năm qua. “Có điện rồi, đem ra khởi động không biết máy còn chạy được không? Chắc đã hỏng hết!” - thầy Ngộ nói. Sáu năm trước, ở Phước Lộc đường đi còn chưa có huống gì đến điện lưới, nhưng vì là “của cho” nên dù không có điều kiện sử dụng trường vẫn nhận về 10 dàn máy vi tính.

Thầy giáo Nguyễn Văn Công - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc cho biết, nhà trường còn có 2 máy vi tính xách tay. Những nét mới sẽ được áp dụng để phục vụ công tác giảng dạy, từ năm học này. Ngoài ra điện về, con trẻ sẽ được xem ti vi trong trường, cũng là một cách để giữ chân học trò, hạn chế tình trạng bỏ học.

Nhiều người bảo lạ, cả 2 thôn 8A và 8B (45 hộ với hơn 300 nhân khẩu) đến nay mới chỉ có một trường hợp học tới bậc phổ thông. Còn với các thầy cô có thâm niên hàng chục năm gieo chữ vùng cao này thì không lạ, có chăng điều “lạ” chính là ý chí của cậu học trò cũ này. Đó là Hồ Văn Hậu (thôn 8A) đang học lớp 11 ngoài trường huyện. Hôm chúng tôi vào, Hậu cũng vừa về thăm nhà. Em nói, sau này muốn làm cán bộ xã để đổi thay vùng đất. Mà trước hết, là thay đổi nhận thức trong việc học hành của đồng bào mình.

QUẾ CHÂU - HOÀNG YÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện học ở Phước Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO