Báo chí đang bàn luận sôi nổi về chuyện họp hành. Chủ đề này lập tức thu hút dư luận bởi đây là thời điểm cuối năm, những cuộc họp được tổ chức với mật độ dày hơn, chủ yếu để tổng kết, hoặc tháo gỡ một vấn đề gì đó vướng mắc kéo dài trong khi thời hạn chót đã cận kề... Cũng có nhiều “cuộc họp cho vui”, nhưng nếu bỏ thì người được mời tham dự dễ rơi vào tâm lý bứt rứt vì đó là biểu hiện của hành vi thiếu tôn trọng, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, hoặc nhẹ hơn là thiếu sự nhiệt tình. Nên họp, dù đôi khi là một phần trách nhiệm trong công việc, ngồi nghe vẫn có lương/chế độ, nhưng không mấy người cảm thấy hào hứng. Trong nhiều tác phẩm đăng trên báo chí gần đây về chủ đề này, có một điểm chung là người viết đã từng tham dự nhiều cuộc họp. Và điểm chung nữa của họ là “ngán đến tận cổ”, nên những trải nghiệm đều chan chứa cảm xúc của người trong cuộc.
Theo một trích dẫn trên báo Thanh niên, ước tính cứ mỗi ngày làm việc, cả nước có gần 3.000 cuộc họp. Riêng ở TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở KH-ĐT than phiền về việc lãnh đạo sở bình quân mỗi ngày có 3 - 4 cuộc họp, chưa kể họp đột xuất. Vì chuyện họp hành không mấy hứng thú hoặc phải chồng lấn thời gian nên tình trạng vắng họp “có sức lan tỏa” đều khắp ở các địa phương. Trong đó có nhiều cuộc họp được cho là quan trọng, cũng ở tình cảnh không đủ sĩ số, thành phần. Không ít địa phương kỷ luật, phê bình cán bộ vì bỏ họp. Như ở Hà Tĩnh vừa qua, UBND tỉnh này có công văn phê bình hai chủ tịch huyện vì vắng họp. Ở một khía cạnh khác, cũng vì bận họp mà nhiều người có trách nhiệm không có mặt để giải quyết bức xúc của nhân dân như đã hẹn. Tại trụ sở tiếp dân thường thấy thông báo ủy quyền, thậm chí người được ủy quyền tiếp công dân cũng bận họp quan trọng nên công việc vẫn cứ ùn ứ. Vì vậy, họp hành, cứ tưởng cái đích của nó là để xử lý công việc hiệu quả, trôi chảy hơn, thì đôi khi lại là cản lực.
Chủ trương giảm họp đã được thực hiện trong thời gian qua trên tinh thần Chính phủ kiến tạo. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành quyết định (số 45/2018/QĐ-TTg) quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước. Điểm nổi bật của quyết định này là quy định các trường hợp không được tổ chức họp như: họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết... Quyết định này được kỳ vọng sẽ làm “lộ diện” các cuộc họp phi lý diễn ra lâu nay, nhưng vẫn được biện giải là “cấp bách, quan trọng”.
Thực tế, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa tìm ra phương án hữu hiệu để giảm họp. Trong khi đó, ở một số nơi, vì cuộc họp cấn phải sự kiện gì đó mà rút ngắn thời gian, nội dung, nhưng báo cáo rằng “vẫn đảm bảo chất lượng”. Tại sao không theo hướng này mà bớt chuyện họp hành?
C.B.L