Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ 1: Ngư phủ và cờ lạ trên Hoàng Sa

LƯU ANH RÔ 17/01/2014 08:26

Tìm hiểu về việc thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa, tôi nhận thấy rằng: nếu dưới thời Nguyễn, đa số các chàng trai đất Việt trong “Đội Hoàng Sa” là người Quảng Ngãi thì thời Pháp thuộc và nhất là từ năm 1954 đến 1975, lực lượng khai thác, bảo vệ Hoàng Sa đa số là người Quảng Nam và Đà Nẵng.

  • Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ 2: Âm mưu từ một cuộc "tiểu chiến tranh"
  • Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ cuối: Không từ bỏ chủ quyền

Xâm nhập bất hợp pháp

Mãi đến thời Pháp thuộc, hầu như chính quyền Trung Hoa không hề biết và không dám “hó hé” gì đến Hoàng Sa. Và ngư dân của họ, muôn đời nay đều biết rằng “Hoàng Sa là của Việt Nam”. Ông Lữ Điều, người làng Nam Ô (hiện trú phường Tam Thuận, Thanh Khê, Đà Nẵng), người có mặt tại Hoàng Sa thời Bảo Đại cho biết: “Tôi nhớ có lần (năm 1952) tàu cá của ngư dân Trung Quốc vào đảo để xin nước ngọt, dù lúc ấy chúng tôi phải dùng tiết kiệm nhưng vẫn cung cấp cho họ đầy đủ. Trước khi họ đi, Đảo trưởng chúng tôi nói với họ rằng, đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không được xâm phạm, họ gật đầu, cảm ơn rồi quay trở lại thuyền”.

Một vụ chặn bắt “ngư phủ” Trung Quốc của lực lượng bảo vệ Hoàng Sa Việt Nam Cộng hòa năm 1961. (Ảnh tư liệu)
Một vụ chặn bắt “ngư phủ” Trung Quốc của lực lượng bảo vệ Hoàng Sa Việt Nam Cộng hòa năm 1961. (Ảnh tư liệu)

Thế rồi, lợi dụng lúc quân Pháp rút khỏi Đông Dương, năm 1956, Trung Quốc đã dùng quân đội, giả dạng “ngư phủ”, lén lút đổ bộ chiếm lấy đảo Phú Lâm trong nhóm Hoàng Sa. Chưa dừng lại ở đó, họ tiếp tục từng bước sử dụng “quái chiêu” ngư phủ và cờ lạ hòng chiếm nốt những đảo còn lại. Chúng tôi có dịp tiếp cận nhiều tài liệu mật của chính quyền Sài Gòn đề cập vấn đề này. Một tài liệu cho biết, lực lượng canh giữ Hoàng Sa của Việt Nam đã ngăn chặn và bắt giữ “80 ngư phủ” Trung Hoa, xâm nhập bất hợp pháp hải phận Việt Nam, tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng. Những người này được đưa về Đà Nẵng vào ngày 24.2.1959 để khai thác. Sau đó họ được đưa ra Hoàng Sa, trả về các ghe thuyền của họ vào ngày 6.3.1959. Tiếp đó, một công văn mật của Bộ Quốc phòng gửi Tổng thống cho biết: “Ngày 1.3.1961, hồi 17 giờ, Bộ Tổng Tham mưu Phòng Nhì chúng tôi đã báo cáo bằng điện thoại cho biết việc 9 người Trung Hoa tị nạn cập bến tại đảo Hoàng Sa. Nay chúng tôi nhận được một công điện của Quân khu 2 cho biết thêm như sau: “Ngày 1.3.1961 lúc 16 giờ, có một ghe buồm lạ, chở 9 người Trung Hoa đã cập bến tại đảo Hoàng Sa. Theo lời khai của các đương sự, thì họ từ đảo Hải Nam chạy trốn chế độ cộng sản. Trên ghe gồm có: 1 cựu giáo sư, 1 cựu thiếu úy Trung Hoa Quốc gia, 1 ngư phủ và 6 nông dân”. Cũng trong tháng 3.1961, chiến hạm HQ 329 lại bắt một ghe buồm gắn máy ở gần đảo Money Hoàng Sa chở 20 “ngư phủ” Trung Hoa, quê quán ở Hải Nam và đưa về Đà Nẵng…

Âm mưu

Sau khi chiếm được đảo Phú Lâm, Trung Quốc lén lút cho các tàu cá, chở xi măng, sắt, cát… xây dựng các cơ sở hạ tầng tại đây. Một báo cáo của lực lượng tình báo VNCH cho hay: “Căn cứ theo các không ảnh do Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ chụp ngày 29.7.1960 và sau khi so sánh với nhiều thí liệu không ảnh của ta chụp ngày 5.3.1959, thiểm Bộ được biết, Trung Cộng đã thiết lập thêm một con đường xe hơi có thể chạy được, xuyên từ Tây Nam tới Đông Bắc đảo và đã làm thêm một khu công thự gồm có 5 dãy nhà 3 căn (mỗi căn rộng khoảng 4 thước) - 4 dãy nhà 6 căn, 4 dãy nhà 2 căn và 2 cột ăng ten cao khoảng 12 thước”. Đến đầu những năm 1970, do cục diện chính trị trên thế giới có nhiều thay đổi, Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc hòng chống Liên Xô và mong thoát khỏi cuộc chiến tranh sa lầy tại Việt Nam, nên Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh kế hoạch đánh chiếm tiếp các đảo còn lại của Hoàng Sa.

Ủy ban Tình báo quốc gia VNCH đã trình lên Tổng thống một văn bản mật, có đoạn: “Tin tức không thám do Đệ I Hạm đội Hoa Kỳ thông báo cho biết các hoạt động của Trung Cộng tại 2 đảo Woody và Lincoln trong dãy Hoàng Sa được ghi nhận như sau: Tại đảo Woody, về hướng Bắc Đông Bắc đã có 50 cơ sở gồm nhà cửa đang xây cất; một cầu tàu dài khoảng 100m được thiết lập từ đảo ra biển hướng Bắc Đông Bắc; kế cận cầu tàu ghi nhận có 3 tàu hàng của Trung Cộng đang cập bến, 2 tàu kéo và 2 sà lan chở đầy vật liệu kiến trúc. Tại đảo Lincoln có nhiều người của Hải quân Trung Cộng hiện diện, hình như đang thiết lập cơ sở. Việc Trung Cộng tăng cường hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy Bắc Kinh có thể đang bành trướng việc xây dựng các hòn đảo trên để trở thành các căn cứ hải quân nhằm yểm trợ Hạm đội Trung Cộng hiện đang phát triển mạnh ở vùng biển Đông Nam Á”. Chúng tôi có trong tay nhiều ảnh tư liệu cho thấy các “ngư phủ” Trung Quốc chở vật liệu xây dựng các cơ sở quân sự tại Hoàng Sa.

Bảo vệ chủ quyền

“Đối với tàu và ghe lạ hiện có tại các đảo, Hải quân sử dụng tối đa luật lệ quốc tế đến sommations và dẫn độ với mục đích đuổi đi. Nếu họ sử dụng vũ lực thì trả lời bằng vũ lực. Cho lính Hải quân đổ bộ lên Robert và Duncan, nhổ cờ lạ, cắm cờ Việt Nam, đuổi người lạ đi. Hải quân có nhiệm vụ ngăn ngừa mọi hành động cắm cờ và đổ bộ người lên các đảo còn lại, ví dụ như Drummond và Money. Hải quân, nếu cần, phải được tăng cường phương tiện để bảo vệ tối đa chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Crescent và bằng mọi hành động thích ứng khi cần”.
(Trích Chỉ thị của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa)

Đến năm 1972, Thông cáo chung Thượng Hải giữa Mỹ và Trung Quốc được ban bố, đã tạo ra sự rạn nứt không thể hàn gắn giữa Liên Xô và Trung Quốc. Thêm vào đó, cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn gần kết thúc, cục diện chính trị thế giới biến đổi mạnh đã tạo điều kiện cho ý đồ thôn tính Hoàng Sa của Trung Quốc thêm chín mùi. Chỉ hai năm sau đó (1974), Trung Quốc đã quyết định dùng vũ lực chiếm đóng một cách bất hợp pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một ngày trước khi cuộc hải chiến diễn ra, ngày 16.1.1974, Hội đồng nội các Chính phủ VNCH đã tổ chức một phiên họp, đi đến kết luận “tình hình Hoàng Sa đã trở nên báo động”, đồng thời thông báo chỉ thị của Tổng thống VNCH, nêu rõ: “Bộ Ngoại giao làm tất cả mọi hành động còn làm được có tính cách quốc tế và pháp lý quốc tế, để xác nhận thêm lần chót chủ quyền của ta trên quần đảo Hoàng Sa, từ khía cạnh lịch sử đến công pháp quốc tế qua các hội nghị quốc tế… Thông báo ngay bằng mọi cách cho các quốc gia vi phạm; phổ biến một cách long trọng và rộng rãi những hành động và tuyên cáo hoặc tuyên bố… của chính phủ ngay trong ngày hôm nay 16.1.1974. Đối với tàu và ghe lạ hiện có tại các đảo, Hải quân sử dụng tối đa luật lệ quốc tế đến sommations và dẫn độ với mục đích đuổi đi. Nếu họ sử dụng vũ lực thì trả lời bằng vũ lực. Cho lính Hải quân đổ bộ lên Robert và Duncan, nhổ cờ lạ, cắm cờ Việt Nam, đuổi người lạ đi. Hải quân có nhiệm vụ ngăn ngừa mọi hành động cắm cờ và đổ bộ người lên các đảo còn lại, ví dụ như Drummond và Money. Hải quân, nếu cần, phải được tăng cường phương tiện để bảo vệ tối đa chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Crescent và bằng mọi hành động thích ứng khi cần”.

Ngay trong ngày, Bộ Ngoại giao VNCH đã ra một bản Tuyên bố nêu rõ: “Ngày 11.1.1974, Bộ Ngoại giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH. Ngay ngày hôm sau, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao VNCH đã bác bỏ sự đòi hỏi vô căn cứ đó. Mặc dù vậy, trong những ngày gần đây nhà cầm quyền Trung Cộng không những không rút lại sự đòi hỏi vô lý của mình lại còn ngang nhiên xâm phạm vào lãnh thổ của VNCH bằng cách cho người và tàu bè xâm nhập vào vùng lãnh hải chung quanh các đảo Cam Tuyền (Robert), Quang Hào (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàmg Sa (Paracels Islands) của VNCH. Thậm chí bọn người này còn dám đặt chân lên các hòn đảo này, dựng chòi và kéo cờ của Trung Cộng, trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH. Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và nhân dân VNCH rất công phẫn và quyết không dung thứ”. Và như thế, chiến tranh đang rất gần kề…

LƯU ANH RÔ
Kỳ 2: Âm mưu từ một cuộc “tiểu chiến tranh”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ 1: Ngư phủ và cờ lạ trên Hoàng Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO