Nhận thấy số phận của chính quyền Sài Gòn chỉ còn tính từng ngày và sau khi đã thỏa hiệp xong với Mỹ, lợi dụng dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, Trung Quốc quyết định thực hiện một cuộc “tiểu chiến tranh” để thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
|
Trung Quốc xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng tại đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
Về vụ Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, một hồ sơ mật lúc đó cho biết: “Như thường lệ, vào ngày 18.1.1974, gần tới Tết Âm lịch (Nhâm Dần), Tuần dương hạm HQ 16 Lý Thường Kiệt khởi hành từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa để thực hiện hoán đổi định kỳ. Chính tuần dương hạm này đã phát hiện sự tập trung dày đặc của các chiến hạm Trung Quốc quanh đảo Hoàng Sa, ngay lập tức họ báo động và đề nghị chi viện”.
Cuộc đối đầu giữa “cáo và thỏ”
Trong 2 ngày 17 và 18.1.1974, Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào hải phận phía tây quần đảo Hoàng Sa. Trận hải chiến lớn nhất và dữ dội nhất giữa hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và hải quân Trung Quốc nổ ra vào sáng 19.1.1974. Ngày hôm sau 20.1, bốn phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, và Hoàng Sa... Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của VNCH trên các đảo này, chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Có 58 binh sĩ VNCH đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa. Sau khi chiếm được toàn bộ quần đảo, Trung Quốc lập tức cho đập phá các bia chủ quyền, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của Việt Nam… Chúng tôi cũng có được một số hình ảnh lúc bấy giờ cho thấy, để khuếch trương cái gọi là đã “thu hồi” được Hoàng Sa, Trung Quốc cho quay phim, chụp ảnh giới thiệu bộ sậu chính quyền của đảo và các hoạt động thu nhặt hải sản, xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây; nhất là đặt “bia chủ quyền” có niên đại thời nhà Thanh tại Hoàng Sa?!…
“Mặc dầu Trung Cộng không có một chút lý do nhỏ nào để đòi hỏi chủ quyền về nhóm đảo Hoàng Sa, nhưng về hình thức hành động của Trung Cộng trong biến cố này giống như biến cố Trân Bảo/Damansky trên sông Ussuri giữa Trung Cộng và Liên Xô hồi tháng 2.1969 mà sáng kiến hoàn toàn do Trung Cộng. Đưa quân mai phục, cho lính giả làm thường dân dựng cờ khiêu khích, gây nổ súng, rồi ào tới đánh chiếm. Nam Việt không phải là Liên Xô để có đủ sức trả đũa”. (Trích thư của Như Phong gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 22.1.1974) |
Ông Nguyễn Văn Cúc - hiện ở tại Đà Nẵng, là người được đưa ra sửa chữa bể nước và khảo sát làm sân bay cho đảo Hoàng Sa vào năm 1973, có mặt tại thời điểm đó, cho biết thời khắc chúng ta mất Hoàng Sa như sau: “Còn vài ngày nữa là chúng tôi đón tết tại Hoàng Sa như thường lệ thì sáng 19.1.1974, quân Trung Quốc nổ súng tấn công các chiến hạm của VNCH và tràn lên đánh chiếm đảo. Chúng bắt giữ chúng tôi đưa đến tỉnh Quảng Đông giam giữ. Đúng Mùng một Tết, chúng ép buộc chúng tôi phải viết giấy nói Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhưng anh em cương quyết không viết. Sau đó, Trung Quốc thả 5 người đầu tiên, trong đó có tôi”.
Còn ông Lê Lan, hiện ở tổ 13, khối phố 3, phường Sơn Phong, TP.Hội An cho biết: “Ngày 19.1.1974, tàu chiến, tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc có hành động khiêu khích, tiến đến gần quần đảo Hoàng Sa và đổ quân đánh chiếm trái phép. Lúc này, tôi cùng với Trung đội bảo vệ Hoàng Sa đã có trận chiến đối đầu với lực lượng hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, do điều kiện quân ít, thế cô, vũ khí thô sơ nên tôi và một số anh em bảo vệ đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt, đưa về giam ở đảo Hải Nam trong 3 tháng. Sau đó chính quyền Trung Quốc đưa chúng tôi qua Hồng Kông và trao trả về Việt Nam”.
Ngẫm từ hồ sơ tư liệu
Trận hải chiến Hoàng Sa được hãng AP tại Đà Nẵng, ngày 28.1.1974 đưa tin, trong một bài báo được đưa vào hồ sơ Hải chiến Hoàng Sa tại Văn phòng phủ Tổng thống VNCH, cho biết về những người lính sống sót như sau: “Trung úy Ngô Hòa cho biết không bị đau đớn gì trong những ngày lênh đênh trên mặt biển và đến ngày thứ tư thì anh trông thấy một chiếc tàu và tàu này đã cứu anh. Trung úy Hòa hôm thứ Sáu trong một cuộc phỏng vấn đã thuật lại hoàn cảnh của anh và 22 người khác khi trôi trên biển 75 giờ sau khi chiếc tàu của anh chìm trong cuộc giao tranh với tàu Trung Cộng trong vùng đảo Hoàng Sa cách đây một tuần. Có hai người trong số 23 quân nhân trôi nổi trên biển đã chết, sau khi được tàu Hòa Lan vớt. Chánh phủ Nam Việt nói có 11 người chết trong trận giao tranh ở đảo Hoàng Sa nay nằm trong tay Trung Cộng. Giao tranh bắt đầu vào 10 giờ 25 phút sáng và kéo dài độ một giờ. Trung Hoa cho biết như vậy. Trong những phút đầu giao tranh, tàu anh Hòa trúng đạn tại phòng chỉ huy. Thuyền trưởng bị thiệt mạng ngay, thuyền phó lên chỉ huy cũng bị thương rớt từ phòng chỉ huy xuống “boong” tàu và người thứ ba lên chỉ huy ra lệnh bỏ tàu. Trung úy Hòa nói: “Chúng tôi tình nguyện ở lại tàu nhưng được lệnh phải rời tàu”. Một báo cáo khẩn của Bộ Quốc phòng ngay sau khi trận hải chiến diễn ra cho biết: “Vào 10 giờ sáng ngày 20.1.1974, Trung Cộng sử dụng 16 tàu chiến, nã trọng pháo, rồi đổ quân lên Hoàng Sa. Địa phương quân tại đây chống trả mãnh liệt và sau khi cố gắng chống giữ cho đến hết đạn, tất cả số anh em còn sống sót đều bị bắt làm tù binh”.
Sau khi Hoàng Sa bị mất, Chính phủ VNCH cực lực lên án hành động xâm lược của Trung Quốc và lập tức xây dựng một kế hoạch “tuyệt mật” để đánh chiếm lại Hoàng Sa. Tài liệu này dự định rằng, VNCH sẽ huy động các tàu chiến với lực lượng mạnh, trở lại bao vây quần đảo Hoàng Sa, có sự hậu thuẫn của quân đồng minh Hoa Kỳ với Hạm đội 7 cùng sự hỗ trợ của Không quân tại phi trường Đà Nẵng. Lực lượng không quân sẽ đánh bom. Sẽ sử dụng phi cơ Phantom F4 để đương đầu với MIG-21; một số đơn vị hải quân của Quân đoàn 3 và 4 sẽ được gọi đến để tăng cường cho Quân khu 1. Nếu nỗ lực ngoại giao bất thành, kế hoạch này sẽ thi hành ngay. Tuy nhiên, mọi việc không xảy ra khi một phần kế hoạch trên đã bị “tiết lộ” cho báo chí lúc bấy giờ. |
Lý giải hành động xâm chiếm của Trung Quốc, chúng tôi đặc biệt chú ý bức thư của tác giả Như Phong đề ngày 22.1.1974, gửi lên Tổng thống Thiệu có đoạn: “Mặc dầu Trung Cộng không có một chút lý do nhỏ nào để đòi hỏi chủ quyền về nhóm đảo Hoàng Sa, nhưng về hình thức hành động của Trung Cộng trong biến cố này giống như biến cố Trân Bảo/Damansky trên sông Ussuri giữa Trung Cộng và Liên Xô hồi tháng 2.1969 mà sáng kiến hoàn toàn do Trung Cộng. Đưa quân mai phục, cho lính giả làm thường dân dựng cờ khiêu khích, gây nổ súng, rồi ào tới đánh chiếm. Nam Việt không phải là Liên Xô để có đủ sức trả đũa”.
Trong bức thư, tác giả Như Phong nhận định: “Về mặt chiến lược, hành động của Trung Cộng có tầm quan trọng gấp bội, nếu so sánh với biến cố Trân Bảo. Chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng áp đặt thế lực của họ trên biển Nam Hải, đặt căn cứ mở đường tiến xuống vùng Nam Thái Bình Dương. Đứng về mặt phòng thủ, Trung Cộng có thể nói rằng họ bắt buộc phải làm như vậy để chọc thủng một phía, cái vòng đai thép của liên minh các đế quốc xã hội và tư bản, trong khi chính Trung Cộng tiếp tục chủ nghĩa bành trướng. Đối với Liên Xô, biến cố Hoàng Sa cần được coi như một hành động đối phó với mọi cố gắng lập hệ thống an ninh Á Châu của Mạc Tư khoa. Nó cũng là một cảnh cáo cho bất cứ một nước Á Châu nào nuôi ý định dựa vào Liên Xô để bắt bí Trung Cộng. Đối với các cường quốc có ảnh hưởng mạnh trên Thái Bình Dương, chủ yếu là Hoa Kỳ, nó mở đầu cho một loạt những thách đố quyết định có thể lật nhào cái nền tảng của một thế quân bình ở Á Châu và Thái Bình Dương mà Mỹ và Tây phương tưởng đã xây dựng được...”.
------------------
Kỳ cuối: Không từ bỏ chủ quyền
LƯU ANH RÔ