(VHQN) - Ông bà tôi thích uống nước chè. Mỗi sáng sớm bà lọ mọ thức dậy, đốt củi nấu ấm nước chè xanh. Trong ký ức của tôi hiện hữu những chuyện kể bên ấm nước chè của bà.
1. Chè xanh bà tôi hái lá sẵn từ chiều tối hôm trước được đem ra rửa sạch. Bà cẩn thận lật qua lật lại từng lá chè xem nhỡ có lá nào còn bẩn hay úa thì bỏ đi rồi cho vào ấm tích.
Nước nấu chè là nước giếng trước nhà được bà lọc kỹ, nấu thật sôi rồi rót vào ấm chè, tráng qua một lượt cho bớt đi mùi hanh nồng rồi mới đổ đầy nước, ủ kín chừng 15 phút cho lá chè lan vị ra hòa quyện với nước sóng sánh màu vàng óng ả. Xung quanh bàn gỗ, ông tôi bày biện mấy cái ghế, sắp sẵn các chén rồi í ới các ông, bà hàng xóm sang rót nước chè cùng uống.
Bên ấm chè buổi sớm mai có thêm vài củ sắn hay dăm củ khoai, cuộc trò chuyện từ tốn, khoan thai. Những câu chuyện dân dã của làng quê là chuyện thường nhật như làng có các gia đình học hành đỗ đạt; mùa màng năm nay dự báo được mùa hay thất thu; dự kiến mùng mấy sắp tới người dân trong xóm sẽ cùng nhau tụ tập đi khơi thông thủy lợi dẫn nước về đồng…
Cũng ấm nước chè xanh đó theo ông bà tôi đi ra đồng mỗi bận sáng, chiều. Bà tôi kể, những lúc nhễ nhại mồ hôi hay rét lạnh kéo dài, nước chè xanh vốn dân dã trở thành quý giá, xoa dịu nhọc nhằn.
Chè xanh có mặt trong những buổi hội họp hay sự kiện của xóm làng, dòng họ. Trong câu chuyện bà kể, quê hương có bề dày lịch sử lâu đời, được nhiều lớp thế hệ gầy dựng, vun đắp bằng mồ hôi và cả xương máu.
Trong làng có hàng chục dòng họ, mỗi họ gắn với mỗi nghề truyền thống. Dòng họ nào cũng xây nhà thờ tổ uy nghiêm trang trọng, là nơi con cháu quy tụ trở về cúng kính, nhắc nhớ thuở khai đất lập làng. Mỗi sự kiện của dòng họ hay xóm làng hiện lên các phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng… và đó là diện mạo của làng quê bản xứ.
2. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An). Tiềm thức của tôi luôn gắn với ngôi nhà gỗ 3 gian và bếp lửa của bà. Bếp lửa đó luôn có sẵn than ủ nóng dù qua một đêm lạnh lẽo nhưng không tàn lụi, chỉ cần nhóm lên là có lửa dễ dàng. Thuở nhỏ tôi hay dậy sớm ngồi bên bà nghe bao câu chuyện kể mộc mạc và thấm đẫm nghĩa tình.
Bà kể chuyện về những năm 1960, chiến tranh tàn phá khiến ông bà tôi cũng như bao gia đình khác đi tản cư sang Ngọc Thành (nay thuộc phường Cẩm Phô, TP.Hội An).
Toàn bộ đồ thờ, tài sản, đồ gia dụng thường ngày được gom vào quang gánh để đưa đi. Ba má tôi dắt díu bồng con cái theo sau. Thời buổi đó ai cũng nghĩ chỉ đi tản cư dăm bữa rồi trở về quê làm ăn nhưng kéo dài thời gian ở đất lạ vì chiến sự leo thang. Những năm tháng sinh sống ở vùng đất lạ, gia đình tôi phải bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống.
Bà tôi kể, khi trở về lại quê, cả một vùng đất trù phú tốt tươi ruộng vườn cây trái bỗng hoang vu lạ lẫm. May nhất là ngôi nhà vẫn còn nhưng phải sửa chữa lại nhiều chỗ. Sợ nhất là bom mìn sót lại xung quanh ruộng vườn lỡ không may va vấp. Mọi việc lại bắt đầu, từ cải tạo lại vườn tược, xây chuồng cho gia súc đến sắm sửa lại các vật dụng thiết yếu…
Từ những bộn bề lo toan, nhờ vun đắp dựng xây, theo thời gian làng quê dần chuyển mình. Khu vườn hoang tàn đã tươi tốt trở lại, hai hàng cây xoan đào trước ngõ rợp bóng mát, ríu rít chim chuyền mỗi ban mai.
Thời gian cũng hồi sinh hàng chè ông bà tôi trồng, chăm sóc kỹ lưỡng bên hông nhà. Bà tôi luôn bảo, cuộc sống luôn có phép mầu nhiệm. Chỉ cần có ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan, bền bỉ lao động thì khát vọng dẫu cho có lúc tưởng chừng tắt đi nhưng vẫn có sức sống để vượt lên nghịch cảnh.