Chuyện kể dòng sông...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 24/03/2016 11:15

(QNO) - Tam Kỳ được bao bọc bởi các dòng sông và những vùng “đất lửa” trong chiến tranh. Bao câu chuyện từ kháng chiến đến hòa bình mang trong mình ngọn lửa tình yêu và sự hy sinh vô bờ cho dòng sống đời người...  

Vùng hạ lưu Tam Kỳ, Bàn Thạch bao bọc cho thành phố xanh tương lai.Ảnh: Mai Thành Chương
Vùng hạ lưu Tam Kỳ, Bàn Thạch bao bọc cho thành phố xanh tương lai. Ảnh: Mai Thành Chương

Từ vùng bán sơn địa, dòng sông Tam Kỳ (mà dân gian vẫn thường gọi Ba Kỳ), trước khi về xuôi đã dập dềnh trôi trong ánh lửa Cà Chớ của làng nghề khai quặng, nấu sắt, rèn nông cụ và vũ khí. Bên bờ Ba Kỳ, những người thợ đan lát mây tre làm nên nhiều làng nghề truyền thống. Chùng chình chưa chịu đi, Ba Kỳ tạo ra vùng sa bồi lẫn lộn cho cây thuốc lá Trường Xuân sinh sôi. Rồi đến khi vượt một chặng dài về Hòa Hương, sông Ba Kỳ tạo ra dòng Bàn Thạch bọc hậu phía đông thị xã, nối Hòa Hương với đầm An Hà. Bình lặng, Bàn Thạch ôm ấp xóm Hàng (Hòa Hương) xưa kia có nghề ươm tơ dệt lụa, rồi nghề trồng bông dệt vải bãi Dương, Cây Duối (Tam Phú), trồng lát, dệt chiếu Thạch Tân…

Nhưng những ánh lửa làm nên sự bình yên ấy đã lùi vào xa xưa, nhường chỗ cho rất nhiều ánh lửa giết giặc cứu nước bùng lên từ lúc ngoại bang xâm lược đặt chân đến Ba Kỳ. Dưới chân Núi Thị đã kịp ghi một sự tích của những ngày lửa hội nghĩa binh Trần Đạt dựng cờ chống Pháp cách đây hơn 100 năm. Và xuôi về Trường Xuân, dòng sông còn kể những câu chuyện về đô đốc Lê Văn Long trong đội quân Tây Sơn, người con của quê hương này nổi dậy phò chính nghĩa. Gần cuối dòng Bàn Thạch, đứng trên đồi Quảng Phú, người ta còn nghe lửa cháy râm ran trong cái đêm mít tinh lớn nhất của huyện Đảng bộ Tam Kỳ thời bí mật, nhân kỷ niệm Ngày Cách mạng  Pháp 14.7.1939.

Mùa thu Tháng Tám năm 1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khắp Tam Kỳ, người dân 7 tổng đã hội tụ về đây, và những nỏ ghe trên dòng Bàn Thạch còn là chứng nhân niềm vui thắng lợi từ ngày ấy. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì lửa cháy lại bùng lên. Một sáng mùa thu năm 1954 ở Chiên Đàn, khi mặt trời vừa rạng, lửa hận lại bùng lên từ phiên chợ chưa vãn đã kéo 3 nghìn dân của 7 xã Bắc Tam Kỳ chống giặc phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Rồi tiếp theo là Kỳ Sơn, Kỳ Hòa, Kỳ Thịnh… bùng phát cuộc đấu tranh đẫm máu và nước mắt.

Còn nhớ, trong những năm từ 1947 - 1954, Ao Lầy (Kỳ Thịnh - Tam Vinh, giờ thuộc huyện Phú Ninh) với gần 600 dân đã tạo ra địa đạo dài hơn cây số, chìm dưới lòng đất sâu 2m, làm thành một địa đạo vững chắc của thiên tạo và lòng người. Để rồi từ đây, hơn 10 năm sau, vào tháng 10.1965, dân quân du kích Kỳ Thịnh lại cùng phối hợp với bộ đội chủ lực nổ súng tiến công diệt 1 tiểu đoàn Mỹ vừa đổ quân vào Cẩm Khê, bắc Ao Lầy. Cùng thời điểm ấy, cuối dòng Bàn Thạch có sông Đầm, bãi Sậy, hình thành thế dựa cho địa đạo Kỳ Anh kéo vệt 15km qua vùng cát Tam Thăng. Năm 1962, trên bầu trời Ao Lầy, Tam Vinh đã xuất hiện ngọn cờ Dương Bút thổi bùng ngọn lửa cách mạng. Năm 1963, chính quyền Sài Gòn xây tỉnh đường Quảng Tín. Thế lực kẻ địch càng mạnh nhưng nhiều trận vây ráp tiến đến Ao Lầy đã thất bại. Mùa mưa năm 1972, tỉnh trưởng Đào Mộng Xuân đích thân ra lệnh áp sát Ao Lầy với cả 1 nghìn quân nhưng không xóa được trận địa của chiến tranh du kích này. Còn ở Kỳ Anh, suốt 3 năm 1966 - 1968, không kẻ địch nào dám đánh lẻ đến đây ban đêm. Địa đạo âm ỉ một ngọn lửa kháng chiến có thể bùng lên thiêu đốt bất kỳ một đội hình xe tăng, 1 tiểu đoàn địch nào.

Ba Kỳ, từ nguồn và nơi đi đến đã chứng kiến bao kỳ tích của lửa. Tổng công kích mùa xuân năm Mậu Thân, khi Liên đoàn bộ đội đặc công Quảng Nam đánh sập 14 lô cốt phía tây đường sắt thì Tiểu đoàn 74 đánh từ phía đông, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 70 tỉnh đội Quảng Nam đánh thẳng vào tỉnh đường, làm chủ tình thế 4 tiếng đồng hồ. Mùa xuân năm 1975, từ phía tây, ngày 10.3, Tiên Phước giải phóng, đã xuất hiện thế thượng phong để tiến đánh vùng tây Thăng Bình, tạo đà mở chiến dịch tiến công vùng đông Thăng Bình và Tam Kỳ. Đó là những ngày sôi sục của tháng 3.1975 đầy khí thế thừa thắng xông lên…

Và thời khắc lịch sử đã đến. Vào 10 giờ 30 phút ngày 24.3.1975, khi chiến sĩ Trần Phú Ninh treo lá cờ giải phóng lên cột cờ tỉnh đường, Tam Kỳ rợp đỏ màu cờ. Mừng vui khôn xiết. Bởi đã trên dưới 100 năm, ngày mà cụ Trương Uyên muốn thay lá cờ Pháp bằng lá cờ “Việt Nam Quang Phục Hội” trên đất Tam Kỳ đã bị bắn ngã, Nghĩa hội Quảng Nam Trần Văn Dư, rồi đến Phan Châu Trinh lần lượt giương cờ yêu nước, nhưng giờ đây mới có cờ của tự do độc lập tung bay, có ngọn lửa cách mạng chiến thắng. Ngọn lửa ấy đã cháy lên trong tim hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng, từ sự anh dũng của hàng chục nghìn liệt sĩ, thương binh và cả 80 nghìn dân Tam Kỳ thời chiến tranh. Làm sao quên được những người mẹ như mẹ Đoàn Thị Huy (An Sơn), Đỗ Thị Miễn (Phước Hòa),… đã lặng lẽ tiễn 4 con vượt sông Ba Kỳ góp lửa cùng cách mạng…

Hòa bình đã 41 năm, Ba Kỳ, Bàn Thạch đã trở về nhịp sống bình yên. Qua bao bận nhập, chia, đổi, tách, bây giờ Tam Kỳ đã phát triển thành đô thị loại II, rộng lối đi mới của thành phố xanh. An Hà, Cây Trai, nhà ga, khách sạn, phố xá… dường như tất cả bắt đầu dựng lên một hình hài phố xá khang trang hơn.

Giữa những mênh mang của ngày mới, Ba Kỳ, Bàn Thạch vẫn cháy mãi một ngọn lửa nhiệt tình bồi đắp, nuôi dưỡng trái tim của Hà Đông xưa…

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện kể dòng sông...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO