Mê lụa, chàng trai trẻ Trần Hữu Như Anh quan niệm rằng không gì là không thể nếu có đủ đam mê và quyết tâm.
Trần Hữu Như Anh (bên phải) và cái bắt tay đánh dấu sự phục dựng làng nghề lụa tơ tằm Mã Châu gắn với thương hiệu Nhasilk. |
Chàng trai quê lụa
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Gò Nổi (xã Điện Quang, Điện Bàn), Trần Hữu Như Anh (SN 1987) từ nhỏ đã theo chân cha mẹ đi hái dâu nuôi tằm. Những ngày ngồi canh tằm, không cho tắc kè vào ăn tổ kén; những giờ ngồi lặng im nhìn người quê ươm tơ, dệt lụa... đã nuôi dưỡng trong Như Anh niềm yêu thích đặc biệt với tơ. Học ngành công nghệ thông tin, nhưng ra trường Như Anh lại thử sức với nghề sản xuất bao bì. Thành công lẫn thất bại đã dạy cho Như Anh những bài học thương trường ý nghĩa.
Yêu lụa, Như Anh luôn ấp ủ gầy dựng sản phẩm của quê xứ. Ý tưởng về một dự án hình thành, anh đem tâm sự với người đi trước và nhận được sự ủng hộ. “Đây là một bước đi mạo hiểm nhưng tôi quyết chí thực hiện. Tại sao những đất nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý lại có sản phẩm tơ lụa tốt, cao cấp mà xứ mình vốn mệnh danh là đất tằm tang thì lại chưa?” - Như Anh kể.
Nghĩ là làm, dốc hết vốn liếng dành dụm được từ nghề sản xuất bao bì, tháng 5.2018 Như Anh về quê, khảo sát các làng còn giữ nghề ươm tơ dệt lụa như Phú Bông (Điện Phong), Duy Trinh, Mã Châu (Duy Phước). Anh nhận thấy ở Mã Châu là còn sản phẩm lụa dệt từ tơ tằm 100%. Tuy nhiên sản phẩm thô nên chưa đẹp và bắt mắt, chưa có vị trí vững vàng trên thị trường vì chưa có định hướng phát triển sản phẩm rõ ràng. Như Anh đặt vấn đề với dân làng nghề Mã Châu, đầu tư ứng trước một khoản tiền để bà con tu bổ dụng cụ sản xuất, ứng trước tiền mua lụa để bà con yên tâm sản xuất. Có được nguồn sản phẩm lụa tơ tằm thô, Như Anh mang vào TP.Hồ Chí Minh để in ấn trên loại máy nhập khẩu từ Ý. Các sản phẩm cần phải thêu họa tiết thì thợ sẽ thêu tay. Non kinh nghiệm, nên hàng nghìn mét lụa hư hỏng. Không nản, Như Anh tiếp tục vừa làm vừa nghiên cứu, hoàn thiện. Thương hiệu Nhasilk (thuộc sở hữu Công ty TNHH Tơ lụa Nhã Lam) ra đời 1 tháng sau đó.
Không bao giờ nói khó
“Không bao giờ nói khó” là châm ngôn của Như Anh. Định hướng của Nhasilk: xác định năng lực lõi đã có là lụa 100% từ tơ tằm được sản xuất theo phương pháp truyền thống, từ đó tập trung phát triển sản phẩm cao cấp mang tính thương mại. Làng nghề Mã Châu sẽ tập trung sản xuất lụa thô, Nhasilk thiết kế chủ đề cho sản phẩm và mẫu họa tiết mang đặc trưng bản sắc văn hóa Việt. Như Anh nói: “Những câu chuyện về con người, văn hóa, lịch sử của đất nước được tôi nghiên cứu rất kỹ và chọn lựa đặc trưng để đưa vào sản phẩm. Bởi, tôi muốn gửi đến thế giới sản phẩm lụa mang trong mình câu chuyện về đất nước Việt Nam. Họ mua sản phẩm lụa tơ tằm Việt Nam, họ cũng sẽ hiểu thêm về đất nước và con người Việt. Lụa kể chuyện, lụa gửi đi thông điệp về một nền văn hóa đặc trưng, dù cho sản phẩm các nước đã có thương hiệu trên thương trường thì sản phẩm của Nhasilk cũng sẽ không lẫn vào đâu”. Và, hình ảnh Chùa Một Cột, cầu Tràng Tiền, trống đồng... đã xuất hiện trên sản phẩm của Nhasilk.
Ngay sau khi có mặt trên thị trường, kết quả thử nghiệm số 37107-1/TNV ngày 26.7.2018 tại Phân viện dệt may tại TP.HCM trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đã củng cố niềm tin về thương hiệu lụa Việt. Đặc biệt, nghệ nhân làng lụa Mã Châu đã đặt chân đến TP.Hồ Chí Minh, mang theo con tằm, cây dâu, khung cửi trình diễn “Chuyện kể xứ tằm tang” để chứng thực xuất xứ của lụa Nhasilk. Sản phẩm khăn choàng lụa, cà vạt lụa của Nhasilk ngay lập tức được chọn làm quà tặng cao cấp của những Việt kiều khi về thăm quê hương hay những du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Các đơn vị ngoại giao của Việt Nam đã chọn khăn lụa Nhasilk làm quà tặng đặc biệt cho nguyên thủ các nước Canada, Pháp.
Như Anh hé lộ dự định khá táo bạo: “Khi “sống sót” qua giai đoạn đầu tiên, tôi đang chuẩn bị những bước đi quan trọng cho một festival lụa Việt ngay tại thủ phủ lụa của Trung Quốc là TP.Hàng Châu. Kế hoạch này tôi sẽ thực hiện trong vòng 2 - 3 năm tới, khi đã hội đủ các điều kiện”.
Những bước đi thận trọng đang được Như Anh cân nhắc. Từ làng nghề Mã Châu, Nhasilk sẽ mở rộng quy mô sản xuất, thuê lại đất của người dân để trồng dâu nuôi tằm, tạo công ăn việc làm cho bà con, biến bến đò Tơ thành nơi du lịch làng nghề. Câu chuyện về sản phẩm lụa “Made in Viet Nam” của Như Anh đang dần hiện thực hóa.
DIỄM LỆ