Chuyện khỉ ở miền núi

NGUYỄN TRI HÙNG 06/02/2016 15:59

1. Chuyện cổ tích ở vùng dân tộc Cơ Tu các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang lưu lại rằng: từ thời xa xưa, sống ở núi rừng có con vật rất giống con người, gần gũi với các thói quen của con người trong đi lại, leo trèo, hái lượm tìm kiếm thức ăn ở rừng, sinh con đẻ cái, sống thành cộng đồng. Đó là loài vượn, khỉ. Người Cơ Tu cho rằng đó là người anh em chung một tổ tiên của mình. Từ suy nghĩ đó, đồng bào lấy tên con vượn, con khỉ (theo tiếng nói của người Cơ Tu là A Vô, Sa Va) làm tên gọi dòng họ (Ca Bbu, Tô) của mình. Bởi theo quan niệm cổ truyền của người Cơ Tu, tên dòng họ được bắt nguồn từ một sự tích, một lý do đặc biệt, sự kiện, việc làm gì đó để xem đó là vật tổ, căn nguyên hình thành nên dòng họ của mình.

Những người có họ là A Vô, Sa Va tự hào vì mình mang dòng họ này. Và ai đã mang tên có họ A Vô, Sa Va thì không được săn bắn, giết chết và ăn thịt loài vượn, loài khỉ vì nó là tổ tiên của dòng họ mình; những ai vi phạm sẽ bị dòng họ xử lý theo luật tục.

Gia đình khỉ.         Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Gia đình khỉ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Đặt tên, có tên cho một dòng họ ở người Cơ Tu theo các nhà dân tộc học gọi là Tô tem giáo - tín ngưỡng vật tổ. Cũng từ câu chuyện cổ tích có tín ngưỡng ấy mà ở người Cơ Tu đã hình thành nên một đặc trưng văn hóa trong nghệ thuật tạo hình liên quan đến tín ngưỡng đó là các bức phù điêu, tượng gỗ với hình tượng con khỉ, con vượn ở những vị trí chính trong kết cấu gươl (nhà sinh hoạt chung của cộng đồng làng, thôn) và ở nhà mồ. Có thể nói rằng con khỉ đã trở thành một con vật linh trong đời sống tinh thần của người Cơ Tu.

2. Chuyện thả khỉ về rừng: Già Y Công ở xã Ba huyện Đông Giang, sau nhiều năm công tác ở huyện, xã, về lại quê nhà làm rẫy, làm ruộng và đi rừng tìm con thú, cây trái làm thức ăn và đã bắt được một con khỉ con nhưng không bán đi, không xẻ thịt, mà để nuôi cho… vui cửa, vui nhà.

Nhiều năm liền già Y Công chăm sóc cho con khỉ khôn lớn, tạo cho nó môi trường sống như môi trường tự nhiên của núi rừng. Con khỉ như một thành viên trong gia đình, như một đứa con, đứa cháu của già Y Công. Nó thân thiết, gần gũi với mọi thành viên trong nhà. Con khỉ trưởng thành trong sự đùm bọc, nuôi nấng của già Y Công; dân làng và khách qua lại, ghé thăm đều thích thú vì sự có mặt của khỉ ở nhà Y Công.

Chuyện nuôi khỉ của già làng Y Công kết thúc khi cán bộ kiểm lâm đến tâm sự và nói chuyện cần thả con khỉ vào rừng, trả nó về với thế giới tự nhiên của nó. Trả khỉ về rừng là bảo vệ loài động vật hoang dã và theo đúng luật pháp. “Nghe cán bộ kiểm lâm nói nhiều chuyện lắm, làm nhức cả đầu. Và sau nhiều đêm mất ngủ bởi câu chuyên thả khỉ trở lại rừng, cuối cùng già quyết định thả nó về rừng” - già Y Công nhớ lại. Già nói rằng thả nó về rừng mình buồn lắm như mất một người thân, vì đã gắn bó với mình nhiều năm. Nhưng ngẫm lại thấy vui vì đã trả lại nó cái nó cần nhất đó là rừng, là bầy đàn đồng loại của nó. Và nó vẫn gần gũi với mình như rừng với mình vậy.

NGUYỄN TRI HÙNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện khỉ ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO