Chuyện lạ ở bìa rừng

MỘC MIÊN 07/12/2016 08:35

Mô hình số nhà trong hóc núi, bảng chỉ đường bằng tiếng Kinh và Cơ Tu hay mô hình “thôn trong thôn” là cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả của Tây Giang trong việc quản lý hành chính, gắn kết đồng bào vùng cao.

Nhiều năm qua, ở trung tâm huyện Tây Giang đã sáng tạo chuyện có tên đường được đánh bằng số, rồi bảng hướng dẫn đi xe máy không trái chiều, không phóng nhanh vượt ẩu bằng hai thứ tiếng Kinh và Cơ Tu; ở các xã các thôn đều có bảng chỉ đường bằng hai, ba thứ tiếng, thuận lợi cho việc tìm đường về các địa danh vốn không dễ dàng ở miền núi. Nhưng chuyện ở những thôn bản xa, có số nhà, là quá lạ.

Phó Chủ tịch huyện A Rất Blui, cho biết: Cách đây ba năm, ông nghĩ ra ý tưởng đánh số nhà cho người dân và được lãnh đạo huyện đồng ý. Mục đích của việc này xuất phát từ tập quán đồng bào và cơ sở để quản lý hành chính. Người Cơ Tu kỵ gọi tên chủ nhà nếu là người già; không gọi tên người đã chết. Nếu chủ nhà vướng vô hai trường hợp trên, rất khó xử khi bàn đến việc gì đó. Rồi việc phát sinh hộ, tách hộ, dễ gây ra phiền toái, nhầm lẫn, nhất là khi đụng đến quyền lợi bà con. Việc đánh số sẽ giúp theo dõi được chủ hộ thay đổi ra sao; không cần phải gọi tên, mà biết số nhà là biết ngay là nhà ai. Vì thế Tây Giang đã triển khai cho đánh số nhà.

Nhà có số ở Tà Vàng, xã A Tiêng, Tây Giang. Ảnh: M.M
Nhà có số ở Tà Vàng, xã A Tiêng, Tây Giang. Ảnh: M.M

Hiện đã có 3 xã vùng 1 là A Tiêng, Lăng, Dang, nhà dân đã được đánh số thứ tự. Ông A Lăng Nheen, Trưởng thôn Tà Vàng, xã A Tiêng cho biết: “Quá thuận lợi từ khi nhà được đánh số. Bà con chỉ cần nói nhà số nào, chính quyền sẽ biết ngay,  tránh được tình trạng lẫn lộn hộ này nhà kia. Ví dụ anh ở xa tới thăm chơi, nếu biết được số nhà, thì đi thoải mái không cần hỏi thăm chi cho mệt”. Theo ông Briu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng, cả xã có 756 hộ, thì 3/6 thôn có số nhà; còn lại năm 2017 sẽ làm hết. Còn theo ông A Rất Blui, từ việc thí điểm 3 xã trên, sẽ xem xét đánh số tiếp các xã còn lại, căn cứ vào việc ổn định địa bàn, không phải di dời  do sạt lở hoặc  giải tỏa để xây dựng. Huyện đang giao Công an huyện nghiên cứu, sẽ hợp nhất số nhà và số trên sổ hộ khẩu, bởi thực tế cho thấy việc quản lý hành chính từ việc nhà có số diễn ra thuận lợi. Đây có thể xem là một kiểu “mã số công dân” lần đầu tiên tại miền núi của tỉnh.

Tây Giang có 70 thôn, nhưng thực tế hiện số thôn đã vượt xa con số này, lý do là từ tháng 8.2016, huyện đã cho phép ra đời thôn tự quản, tách ra từ những thôn chính, nhưng về mặt hành chính, giấy tờ vẫn thuộc thôn cũ. Tại xã A Tiêng có thôn A Ching 2 nhưng có thêm thôn A Liếu, có trưởng thôn, hai phó thôn phụ trách công an và xã đội. Ông Briu Quân cho biết thêm, việc này xuất phát từ đặc điểm dân cư, địa hình quá lớn, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt, lãnh đạo. Anh Pơ Noong Hương, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn A Liếu nói: “A Ching 2 rất rộng, huyện cho tách thôn là chủ trương đúng. Từ ngày tách đến giờ, bà con sống tập trung tại đây, mặt bằng đẹp, rộng rãi, thuận lợi cho quản lý, hội họp, tuyên truyền chủ trương chính sách, dễ dàng vận động bà con, dễ quản lý nhân khẩu hộ khẩu. Chưa kể mỗi khi có việc chung tập trung bà con rất nhanh, cán bộ thôn đỡ phải chạy đi kêu, tìm và hễ có gia đình nào có việc  gì bà con hỗ trợ nhau nhanh hơn”.

A Tiêng có 6 thôn chính thì có 8 thôn tự quản và thực tế mô hình “thôn trong thôn” này khá hiệu quả trong điều hành bộ máy hành chính ở miền núi, vốn rất đặc thù. Các chức danh ở thôn tự quản, được huyện trả phụ cấp như ở thôn chính. Đây là cách làm mới, hay, càng không thể bị coi là đi ngược chủ trương về phân cấp hành chính, địa bàn do nhà nước quy định. Bởi cơ sở không nơi nào giống nhau, miền núi lại càng khác, ở đó cần có cách làm sáng tạo, linh động mà không phá vỡ quy định chung.

MỘC MIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện lạ ở bìa rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO