Đi xa lâu mới về, tới con đường men bờ ruộng xưa để đến bụi tre đầu làng tôi ngỡ ngàng với con đường bê tông phẳng phiu và cổng làng đồ sộ có tấm bảng tô đậm hàng chữ đỏ: Làng văn hóa... Chao, tha phương cầu thực mới 5 năm mà làng xóm đã thay đổi thế này ư?
Cơm tối vừa xong, vợ đã biện sẵn gói trà và cân mực khô, giục: Anh lên thăm cụ Phụng!
Thực cảm động, vợ vốn không phải người làng này, vậy mà từ ngày về làm dâu đến rày chưa lâu, nàng đã thuần thục văn hóa ứng xử của làng. Lễ thường, con cháu trong làng đi xa về sau thăm ba mẹ, là đến thăm cụ Phụng, già nhất làng, kính lão đắc thọ. Thơm lên má vợ một miếng, chia sẻ cơn khát vợ chồng trẻ, tôi bươn bả tắt ra sau núi, hướng nhà cụ Phụng.
Cụ đang ngồi trên chiếc chõng tre bắt trước hiên nhà, cạnh gốc bưởi, thong thả nhấp từng ngụm chè xanh. Như có ai mách trước, cụ cất tiếng:
- Thằng Khánh đó à? Rồi cụ rầy: Mới vừa về, lo chuyện vợ con đã, mai mốt hẵng hay, tau có chết gấp đâu mà vội.
Ý là cụ rầy tôi bày vẽ lễ nghĩa. Tôi ứng tiếng:
- Dạ, con mới vừa về, mà nhớ làng nhớ cụ nên vội lên thăm. Mừng cụ vẫn khỏe!
- Bà nó đâu rồi, lấy cho tôi cái ly. Cụ gọi với vào trong nhà, rồi chỉ cái ghế nhựa đã bày sẵn: Cháu ngồi đây chơi đã.
Ba hôm sau, tôi lại đến thăm cụ Phụng. Ấy là cụ nhắn người nói thằng Khánh lên cụ uống nước chè xanh. Biết cụ lại trông, ấy, người già hay chuyện, và thích lan man, các cụ bảo là bao đồng cho vui. Câu chuyện lại xoay quanh cái tên của làng. Cụ Phụng bảo:
- Con có thấy trên mấy tấm bia trước mộ ở nghĩa địa bìa rừng thường có chữ gì không? Hiển khảo Trần Lưu quận con ạ. Là cha ông ta xưa vốn xuất thân từ quận Trần Lưu mà đi. Chỉ biết là thuộc vùng Thanh Nghệ xưa. Từ đó lần dò đường vào trong, một đi là không trở về. Xưa đi bộ đi thuyền, vai mang nách cõng, mỗi ngày đi ước chừng hai mươi cây số đường sỏi đá. Dễ chừng cha ông đã ngày đi đêm nghỉ cả tháng trời mới đến được nơi đây. Đường sá xa xôi, rồi chiến tranh liên miên, thành ra mất dấu tổ tông. Chỉ biết gốc tích đâu bên bờ sông Lam mờ mịt. Tau mấy lần tổ chức con cháu tìm về quê xưa xứ cũ nhưng chẳng biết đâu mà lần. Họ ta xưa là Nguyễn Chiếm tộc, về sau vì Nam tiến mà đổi thành Nguyễn Tấn.
- Thế có phải ta cùng họ cùng hàng với cái ông Nguyễn Tấn có thời làm đến thủ tướng quốc gia không ông?
- Hà, bá xàm. Họ Nguyễn nào cũng từ Bắc vào Nam, cũng Nam tiến mà thành Nguyễn Tấn cả. Trần Tấn, Trịnh Tấn, Huỳnh Tấn đều từ tích ấy mà ra, đâu riêng gì họ Nguyễn. Mà tau thấy cũng không vinh dự gì lắm khi phải dựa hơi mà sống. Theo tau thì họ nhà mình không bà con họ hàng gì với cái ông quan to tước lớn kia đâu.
Tôi như hụt hẫng, ấy là tâm lý thường tình của cánh trẻ chúng tôi, chỉ chầm hâm mong sao mình có họ hàng xa gần với các ông quan, cơ hội kiếm chát chút đỉnh. Được các ngài chiếu cố ban cho cái mác hoàng tộc là cơ hội lên tiên. Cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ mà. Thấy tôi trầm tư, cụ tiếp:
- Tau xem ra lớp trẻ bây giờ hư hỏng cả rồi. Không chí thú lập thân, chỉ dựa hơi dựa lưng quan chức. Cha ông mà như thế thì làm gì có cái xứ Việt An, cái làng Đồng Nghệ này.
- Thế tại sao tên quê lại là xứ Việt An, làng Đồng Nghệ hả cụ?
- À, nghe các cụ xưa kể lại, ngày ba cụ tổ đến đất này, người Việt ít lắm, xung quanh toàn Chiêm với Thượng. Người Chiêm giỏi phù chú, người Thượng giỏi bùa ngải, cha ông trồng quanh làng toàn nghệ là để trừ bùa chú, nên có cái tên Đồng Nghệ.
- Thế không phải nghệ là tài, xưa làng ta lắm người tài mới được phong danh làng Đồng Nghệ hả cụ?
- Lại tự huyễn hoặc nữa rồi. Mà tau cũng muốn như thế lắm, ngặt nỗi cái tên lại gắn liền với tích kia. Mà con ạ, ngay cái tích làng trồng nghệ tau nghĩ cũng huy hoàng đó chứ. Nó là bằng chứng làng ta là làng có gốc tích tự xa xưa, là làng Việt đầu tiên trong quá trình cộng cư của người xứ Bắc với dân bản xứ nơi đây, không đáng tự hào sao con?
Theo lời cụ kể, trong tôi dấy lên sự thăm thẳm tự hào. Vậy mà có lúc chúng tôi, đám trẻ hãnh tiến, vô tình muốn xóa đi cái gốc tích huy hoàng của mình.
- Thế tại sao lại là Việt An hả cụ?
- Việt An là tên chữ, cũng là tên chung cho xứ này. Là ưu tú, an lành đó con ạ. Con có thấy quanh đây toàn tên đẹp không? Từ làng Việt An mà mở ra làng Ngọc Sơn - núi ngọc. Không biết cha ông tinh tường thế nào mà gọi tên là núi ngọc, về sau chính người Pháp đã thăm dò khai thác mỏ vàng nơi đó, thế là cha ông đã khoa học trước cả nền văn minh công nghiệp của nước Pháp mà xác định là Ngọc Sơn. Lại còn làng Hương Phố. Phố là vườn, Hương Phố là vườn thơm hương. Xưa trong đó trồng nhiều chè, tiêu, trầu, quế. Đến mùa trổ hoa hay mùa thu hoạch, hương thơm ngào ngạt, gọi Hương Phố. Xưa cụ giáo Cừ có câu thơ “quê tôi có một dòng sông/ phát nguyên Hương Phố bắt sang Thu Bồn” là nói con sông Trầu đó con ạ. Rồi Nhứt Tây, Nhì Tây, Nhứt Đông, Nhì Đông có nghĩa là các làng này được xây dựng sau làng Việt An. Ngược dốc về hướng tây cả chục cây số con gặp làng Phú Cốc là giàu lúa gạo. Làng Tân An nghĩa là Việt An mới. Thế có phải Việt An xưa là tên xứ chứ có bé nhỏ như tên làng đâu con. Cha ông xưa mỗi cái tên làng tên xã là cả một ý tứ, một hoài bão khát vọng, như cha mẹ đặt tên chữ cho con. Chỉ có những nhà bần cố quanh năm thèm cái ăn mới dùng mấy cái tên con Mít, con Xoài, thằng Sung, thằng Ổi. Vậy mà có lúc tên làng tên xã lại đổi thành thôn Một, thôn Hai, thôn Ba, đội Bốn, đội Năm, đội Sáu... nghe nó toàn hành chính, không một chút sắc màu văn hóa nào. Thời đó tau đau cả năm trời không gượng nổi, tưởng đi về với ông bà vì thương cái tên xưa tích cũ đó con ạ. Bây giờ tên cũ được phục hồi, cũng coi là nỗ lực phục hưng văn hóa của các cấp chánh quyền, lòng tau cũng nguôi ngoai.
Sau mỗi chữ “con ạ”, đôi khi tôi thấy mắt cụ Phụng sáng lên lấp lánh, lại có lúc nước mắt rưng rưng.
- Thưa cụ, làng ta hay thế, nhiều chữ thế, sao xưa nay người giỏi chữ thì nhiều mà làm quan to lại chẳng mấy ai hả cụ?
- Ừ, cái này thì tau biết đôi chút. Như cụ tổ nhà mình vốn rành địa lý. Cụ thấy cuộc đất an, tổ sơn là núi Lạc Sơn trảng thấp hiền hòa, lại ít khe sâu suối động nên chọn đất lập làng. Làng có cái thế thanh bình mà tránh mùi quan chức. Con cháu về sau khỏi vướng điều quần ngư tranh thực. Vả lại, thế cuộc chiến tranh liên miên, làm người dân an phận lành là phúc đức muôn đời. Làng ta không phát quan nhờ thế. Vậy mới đặt tên cho tổ sơn là núi Lạc. Đó là triết lý an bần lạc đạo con ạ.
- Còn chuyện này ông kể nốt con nghe, văn hóa làng ta có tự ngàn xưa, không phải chỉ có từ khi cổng làng khắc lên mấy chữ làng văn hóa đâu. Cái chữ chỉ là sự ghi nhận, không là điểm xuất phát. Hăm hở với một cái danh là các con chỉ chăm chút phần xác mà bỏ quên phần hồn rồi đó. Huống hồ... Lặng yên một lát, cụ tiếp, huống hồ riêng xây cái cổng làng, cái đường bê tông đã lắm chuyện ì xèo. Thôn xã cắt xén tiền công, vật liệu nên cấp trên phải về giải quyết, đến phải đền bù. Chuyện tí tẹo cỏn con, không đáng nói, nhưng tau hỏi vì sao nên cớ sự đó? Có phải văn hóa làng mai một rồi không? Mà cái anh thôn trưởng cũng thuộc hàng có chữ đó con ạ.
- Thưa cụ, nói thế thì làm sao mà giữ được để văn hóa làng không mai một?
- Thì chính các con phải giữ, phải nhớ, phải kể lại cho con cháu mình nghe.
Đã sâm sẩm tối, chào cụ ra về, lòng đinh ninh, tôi sẽ kể chuyện làng cho con tôi nghe. Xưa làng ta có cụ cử Quỳ, làm thừa biện ở dinh, cụ Thượng Hiền là Thượng Thư bộ Lễ, người phủ Thăng Hoa, bây giờ là huyện Thăng Bình đó con. Ở làng mà chức trách như cụ cử Quỳ đã là lớn lắm. Vậy mà ngày giỗ tộc, cụ cử ngồi trên chiếu, cùng mâm với đám trẻ con. Ấy là vì chức trách của cụ cử tuy lớn, nhưng vai vế trong tộc cụ lại là hàng con cháu. Gọi dạ, bẩm thưa lễ phép lắm. Làng quý cụ không chỉ vì chữ mà vì cụ biết giữ bối phận của mình...