Một cụm dân cư ở làng Pà Roong nằm ngã ba Bến Giằng (xã Cà Dy, Nam Giang) hơn vài chục nóc nhà nằm rải rác, được lập nên sau ngày mở đường Hồ Chí Minh. Khan hiếm đất nương rẫy sản xuất, người dân trầy trật tìm kế sinh nhai khiến xứ này trở thành một trong những nơi nghèo khó nhất vùng cao. Pà Roong ngày cuối đông thật buồn bởi làng gần như vắng bóng đàn ông.Bấp bênh mưu sinh“Dân góp” ở làng Pà Roong gần như không có ruộng đất sản xuất. Người dân sống chật vật với nghề đánh bắt cá trên sông, buôn bán nhỏ. Pà Roong thuộc xã Cà Dy, người dân được hưởng chính sách của xã đặc biệt khó khăn. Nghe tin trung tâm hành chính huyện sắp dời về lại Thạnh Mỹ, người buôn bán, kinh doanh nhỏ không khỏi âu lo. Cô chủ quán cà phê ở ngã ba Bến Giằng thở dài: “Trụ sở cơ quan, cán bộ về hết thị trấn làm việc, thì nơi đây chắc chắn thưa bóng người ngược xuôi. Khách vãng lai dừng chân, ghé quán thì đếm được chẳng là bao. Hầu hết dân góp đều không có nghề ổn định”. Hơn 10 năm, cái “thị trấn xẻ làm đôi” (nửa ở Thạnh Mỹ, nửa ở Bến Giằng) tạo ra khoảng cách chênh lệch về mật độ dân cư. Cán bộ xây nhà, ở lại định cư lâu dài ở Bến Giằng đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chủ yếu vì khan hiếm đất ở, thứ yếu là thế đất hình sông khó có điều kiện phát triển kinh tế. Chính vì vậy, chỉ có những người từ dưới đồng bằng lên dựng lều quán kinh doanh tạm, hoặc mua miếng đất cắm dùi dọc đường Hồ Chí Minh. Các chị ngồi tụm ba tán chuyện trong quán cà phê ven đường cho biết, đất rẫy thì chỉ đồng bào dân tộc thiểu số mới có. Người nào có chút của thì mua lại canh tác; chị em ở đây có chi buôn nấy, chủ yếu là các nông – lâm sản từ rừng do người dân địa phương khai thác. Không hoặc thiếu tư liệu sản xuất, ngoài làm thuê cuốc mướn khắp nơi, thanh niên làng còn tự bươn chải mưu sinh với nghề soi cá, cua từ các khe suối, sông.Đường Hồ Chí Minh chạy qua làng Pà Roong, sát cầu sông Bến Giằng.Trời chập choạng tối, nhóm săn cá dưới sông Thạnh Mỹ của anh Nguyễn Quang Hưng (sống ở cụm Bến Giằng hơn 7 năm nay) đã lên đường. “Đồ nghề” đơn giản chỉ là chiếc đèn pin và ... đôi bàn tay. Hưng thổ lộ: “Mỗi đêm đi bộ, lội suối, săn lùng các ngóc ngách hang đá chừng vài tiếng đồng hồ. Nếu “trúng mánh” thì kiếm 400-500 nghìn đồng, còn đen đủi thì tay không ra về. Hết bắt cá dưới sông, rồi đến bẫy ếch, rắn trong rừng. Cái nghề tự do này cũng chỉ lo cái ăn qua ngày”. Theo chính quyền địa phương, cái khó nhất là lực lượng lao động chưa qua đào tạo tay nghề. Các tổ chức, dự án trong và ngoài nước giúp người dân bản địa phát triển sinh kế bền vững, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, chứ chưa nhân rộng mô hình. Điều quan trọng, nguồn lực tại chỗ rất hạn chế, cả đồng bào dân tộc thiểu số lẫn người Kinh lên đây cắm rễ cũng đều chật vật làm kinh tế. Theo ông Tơ Ngôl Với – Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Giang, Cà Dy là xã đặc biệt khó khăn được hưởng lợi các chính sách của Nhà nước. Làng Pà Roong nằm trên đường Hồ Chí Minh nhiều năm vẫn loay hoay với cái nghèo.Cuộc sống người dân ở làng Pà Roong khó khăn do nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động không có nghề nghiệp ổn định. Ảnh: H.P“Bến không chồng”“Bến không chồng” bước ra từ tiểu thuyết của nhà văn Dương Hướng, cụm từ ám chỉ cho những ngôi làng vắng bóng đàn ông. Còn tên gọi này xuất hiện ở bản Pà Roong mấy năm gần đây. Cô chủ quán cà phê ven đường Hồ Chí Minh liệt kê vanh vách hơn 12 chị em, phụ nữ không chồng dù làng co cụm gần 40 nóc nhà, hú nhau là nghe rõ tiếng mồn một. Cuộc sống quạnh quẽ trên miền sơn cước đã khiến cho nhiều cô gái mười tám đôi mươi trao thân gửi phận không đúng chỗ cho những gã đàn ông trăng hoa; có chị lỡ thì khát khao làm mẹ đành nhắm mắt xuôi tay. Các chị như H. đã ngoài 40 tuổi chọn đường tự túc, kiếm mặt con nuôi. Chị H. tâm tình: “Tất cả là do mình tự nguyện thôi. Phận đàn bà ai cũng mơ ước có một tấm chồng tử tế, nhưng duyên số mình bạc như vôi”. Lấy tay quẹt giọt nước mắt, chị H. nói xen vào: “Đàn bà mà em. Nhẹ dạ cả tin, nghe lời người ta rót mật vào tai nên phải gánh chịu cảnh con sinh ra, lớn lên không nhìn mặt cha”. Mỗi người ở “bến không chồng” này với hoàn cảnh không ai giống ai. Trái ngược với sự an phận như H., các chị T., B., L.,... như vẫn còn đau với vết thương lòng nên luôn than thân trách phận. Ly dị chồng cũ, L. tưởng rằng hạnh phúc khi chọn một người đàn ông để có trách nhiệm chia sẻ tài chính nuôi 2 con ăn học. Không ngờ, người “chồng hờ” ấy cũng bội bạc, L. đành gửi con cho người mẹ già ở quê nuôi nấng. Đau đớn hơn cả là chị V. đã sinh ra được cậu con trai kháu khỉnh nhưng gã đàn ông thi công cầu đường miền núi... đã “quất ngựa truy phong”, bắt chị mỏi mòn chờ đợi.Bến Giằng – nơi được mệnh danh là đất lửa vì thời chiến tranh, địch rải hàng trăm tấn bom, chất độc hóa học xuống hủy diệt biết bao sinh mạng và tài sản người dân. Còn hôm nay, Bến Giăng mang góc khuất, nỗi buồn như một khúc sông dài. Bản Pà Roong với những ngôi nhà tềnh toàng, những người đàn bà mà khuôn mặt lúc nào cũng hướng về gió. Những hòn đá chỏng chơ trên núi như thiếu phụ chờ chồng. Bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên rồi sẽ ra sao khi không bao giờ nhìn thấy mặt cha. Chồng chết, chồng đi tù, chồng ở tù có khi còn ít khổ đau hơn những phận đàn bà chờ chồng trong vô vọng. Chiều đứng trên ngã ba đường, tôi đã nghe tiếng khóc của trẻ em trong những ngôi nhà lẩn khuất trong núi.HỮU PHÚC