Chuyện lì xì ngày tết

PHƯƠNG NAM 08/02/2019 10:46

(QNO) - Lì xì là nét văn hóa đẹp không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền của người Việt. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện lì xì còn rất nhiều điều cần suy ngẫm.

Hãy dạy trẻ tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa biểu trưng. Ảnh: P.NAM
Hãy dạy trẻ tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa biểu trưng. Ảnh: P.NAM

Lì xì là phong tục có từ rất lâu và là nét văn hóa độc đáo của người Việt. Theo tục lệ xưa, sau giờ giao thừa, con cháu trong gia đình lần lượt nói lời chúc tết và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là "lấy hên". Con cháu nhận được lì xì là nhận tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho mình với lời chúc may mắn và hạnh phúc trong cả năm.

Tương tự, khi khách đến thăm nhà vào những ngày tết cũng lì xì cho con cháu của gia chủ kèm theo lời chúc phúc đầu năm. Đồng thời khách cũng nhận được những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt từ gia chủ cùng với những bao lì xì cho trẻ là con của khách.

Ý nghĩa của việc lì xì không nằm ở số tiền nhiều hay ít mà ở lời chúc đầu xuân. Thế nhưng thực tế hiện nay nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của việc lì xì nên xảy ra nhiều chuyện khá đau đầu. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Đại Lộc) tâm sự, lì xì cũng là một trong những nỗi lo của chị mỗi dịp tết đến. "Lương công nhân cộng thêm cả tiền thưởng, tôi được khoảng 6 triệu đồng. Thế mà cũng phải trích ra 1 triệu đồng để lì xì".

Rồi lì xì bao nhiêu tiền cũng là vấn đề khiến nhiều người suy nghĩ. "Người ta lì xì con mình 50 nghìn đồng, mình lì xì lại 20 nghìn đồng sao được!" - chị Nguyễn Thị Tưởng (Phú Ninh) chia sẻ. Còn chị Lê Thị Sương (Tam Kỳ) kể, để lịch sự, chị thường bỏ tiền vào phong bao trước. Nhưng lắm khi, khách lì xì cho con chị tờ 100 nghìn đồng nên chị phải vào phòng trong bỏ thêm tiền vào bao lì xì... cho bằng số tiền khách đã lì xì con mình.

Chị Nguyễn Thị Phượng (Tam Kỳ) kể một câu chuyện về việc lì xì khiến chị ngượng chín người. Đó là tết 2018, chị về quê thăm viếng họ hàng và làng xóm ở quê. Sau khi chị lì xì, một người hàng xóm đã mở phong bì ra và không ngại ngần nói: "Cán bộ ngân hàng mà lì xì có 20 nghìn đồng thôi sao".

Không chỉ người lớn căng mình ra để xem họ lì xì con mình bao nhiêu để lì xì lại, trẻ con cũng có sự so sánh. Anh Phạm Văn Kiền (Tiên Phước) đến chúc tết nhà người quen cùng mình buôn bán nhiều năm qua, anh lì xì cho con chủ nhà phong bao 200 nghìn đồng. Cùng lúc đó, bạn hàng xóm của bé cũng tới chơi, anh mừng tuổi cháu bé này 50 nghìn đồng. Vừa nhận được lì xì, 2 cậu bé mở phong bao ra khoe và so sánh số tiền với nhau.

Có không ít người quan niệm rằng quan hệ càng thân thiết thì càng phải lì xì nhiều tiền. Rồi nhiều người, nhân dịp tết đến thăm nhà cấp trên của mình và lì xì con gia chủ bằng một phong bao với số tiền cả triệu đồng. Điều đó cho thấy tục mừng tuổi đầu năm đang bị biến tướng, không còn giữ được nét đẹp như xưa. Hình ảnh trẻ con sau khi được mừng tuổi, vội vàng kiểm tra xem bên trong có bao nhiêu tiền, thậm chí chê ít, không phải là hiếm.

Để giữ được nét đẹp của tục lì xì, thiết nghĩ, người lớn phải thay đổi quan niệm và tạo nếp nghĩ cho con trẻ, rằng tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, quan trọng là thành ý, là lời chúc may mắn đầu năm dành cho nhau.

PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện lì xì ngày tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO