Cuối cùng tôi bị sốt rét rừng quật ngã. Ốm mà như giỡn. Hôm trước, nằm li bì, bao nhiêu chăn màn quấn vào người vẫn rét run cầm cập. Hết lạnh lại nóng. Nóng không chịu nổi. Cởi quần áo dài, mồ hôi mồ kê vẫn túa ra như tắm. Hôm sau, bệnh sốt rét trốn đi đâu mất. “Ông bị sốt cách nhật nguy hiểm hơn sốt thường nhật. Về tiểu đoàn bộ điều trị thì hơn - thằng Mạnh quân y C7 bảo với tôi - với lại, có ca nô lên xuống hàng ngày vận chuyển lương thực thực phẩm, súng đạn vũ khí…”. Tôi cố gắng ăn lấy sức nhưng không tài nào nuốt nổi. Krolanh tới nhà nấu cháo hoa đập trứng gà so cho vào quấy đều rồi bón đút từng thìa nhưng tôi vẫn ăn không hết lưng chén cháo. Càng ngày tôi càng xanh xao gầy guộc. Anh Hưng và anh Lân bực quá, quát. Tôi miễn cưỡng khoác ba lô và khẩu AK Tiệp lên ca nô về tiểu đoàn bộ.
Đo thân nhiệt tôi, thằng Phú quân y D bộ hỏi: “Anh bị sốt lâu chưa?”. Tôi bảo: “Khoảng mươi hôm nay”. “Anh đã uống thuốc phòng 3 rồi, đúng không?”. “Chính ông đã bắt mình uống ngay từ đầu mùa mưa. Loại thuốc quái quỷ ấy làm tai mình lùng bùng điếc đặc mất cả tuần mới trở lại bình thường”. Thằng Phú cười không nói gì. Lát sau, hắn bảo với tôi: “Đây là giấy giới thiệu lên Trạm xá Đoàn 5503. Đầu giờ chiều nay, Thủ trưởng Nghị đi họp ở trên ấy, anh đi cùng nhé?”. “Mình bị sốt nặng lắm hả?”. Tôi lo lắng hỏi. Thằng Phú trấn an: “Cũng không nặng lắm đâu, chỉ thiếu máu… Anh lên trên ấy điều trị, có thuốc men đầy đủ hơn”. Tôi về nhà quân nhu - tài vụ, anh Mười hỏi: “Thằng Phú nói sao?”. Tôi gượng cười: “Hắn viết giấy giới thiệu lên Trạm xá Đoàn 5503. Đầu giờ chiều nay, đi!”. “Đi thì để súng lại đây, không cần phải mang theo người”. Anh Mười bảo. Cơm cháo gì tôi nuốt cũng không trôi, chỉ húp chén canh hạt đậu xanh nấu với lá dang. Khi tôi đi, anh nhét vào túi áo ngực tôi mấy chục riel: “Đây là tiền phụ cấp của tao, mày cầm lấy mà tiêu. Lên trên đó, điều trị dứt cơn sốt, tối ra quán Ba Cây Táo bồi dưỡng tô bún giò…”.
Không ngờ bệnh tình của tôi lại trầm trọng đến vậy.
Chiều tối hôm ấy, nhập viện xong, tôi lên cơn sốt và co giật.
Rất may là tôi đã kịp thời tới nơi cần tới. Sốt mê man. Ú ớ nói đoảng. Gần ba ngày đêm nằm ở phòng cấp cứu, tôi mới tỉnh lại. Vị bác sĩ quân y đeo quân hàm Đại úy mỉm cười với tôi: “Nếu không truyền ba bịch máu, chắc cậu về Đức Cơ (1) lâu rồi! Giờ thì yên tâm, cậu vẫn ở lại đây”. Tôi gượng cười. Trưa. Tôi khoác ba lô sang dãy nhà dài. Cả mớ lính sốt rét nằm ở đấy. Tôi lấy võng mắc cạnh anh bạn đồng cảnh ngộ ở D22. Trạm xá Đoàn 5503 tọa lạc trên cái nổng khá rộng ở sát bìa rừng thưa. Nhà cửa tranh tre nứa lá, bố trí theo hình chữ U đặt nghiêng. Căn nhà mà tôi đã ở mấy ngày qua chia làm hai phòng, một để cấp cứu bệnh binh nặng, một để thuốc men, dụng cụ y tế; đồng thời cũng là nơi y bác sĩ làm việc, trực đêm. Thành hình chữ U bên kia gồm bốn căn nhà kề nhau. Kế bên phòng cấp cứu là… nhà xác! Tiếp đến là nhà ở của y bác sĩ, hộ lý, cấp dưỡng. Ngoài cùng là nhà ăn và nhà bếp. Thành hình chữ U bên này là dãy nhà dài dành cho bệnh binh. Không có giường chiếu gì, chỉ có bốn cây ruông cố định dọc theo dãy nhà. Lính ta mắc võng vào đấy mà nằm toòng teng cho đến khi điều trị lành bệnh thì khoác ba lô về lại đơn vị.
Lính đi “xây dựng Trạm xá Đoàn 5503” hầu hết quê Quảng Nam - Đà Nẵng. Họ là lính 80, 81, 82. Nhiều nhất vẫn là lính 81, 82. Bởi lính 80 đều đã trải qua vài ba mùa hắc lào, sốt rét… nên thích nghi với hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến trường K. Tôi là một trong những trường hợp hiếm hoi bởi đã qua “thử lửa” xong, không ngờ lại tái phát. Mấy ngày đầu mắc võng nằm ở dãy nhà dài, tôi cố gắng ăn uống để mau bình phục song lực bất tòng tâm. Giỏi lắm, bữa nào cũng chỉ nuốt được lưng chén cháo mà thôi! Thằng Tự - lính 81 ở D2, thấy vậy, lấy chiếc bát sắt tráng men múc cháo đem về để tôi ngủ trưa dậy có cái mà ăn cho đỡ xót ruột. Hắn bảo: “Anh nhắm mắt húp ào mấy bận là xong. Ăn được mới khỏe lên được”. Chiều tối là thời gian ở dãy nhà dài chỉ có tôi và mươi anh em mới nhập viện nằm toòng teng trên võng, còn lại kéo nhau ra bến phà thị xã Stung Treng dạo chơi. Lúc về, họ mua chuối chiên gói trong bọc lá chuối phân phát cho từng người ở nhà. Lính ta rất khoái món ăn chơi này, họ đặt cái tên khác cho thị xã Stung Treng - nơi sầm uất nhất vùng Đông bắc Campuchia, thị xã Chuối Chiên.
Chuyện lính tráng ở chiến trường K. luôn là đề tài bàn tán sôi nổi của những người “tạm trú” ở dãy nhà dài. To cao như Hộ Pháp nhưng thằng Cư vẫn bị sốt rét rừng quật ngã khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Thằng Ân ở cùng đơn vị với thằng Cư, nói: “Trông hắn phong độ song lại yếu toàn thân! Đã có lần, suýt chút nữa tao cho hắn ăn một loạt đạn AK khi năm thằng giữ chốt ở ngã ba biên giới (2)…”. Thằng Ân khơi mào câu chuyện thú vị, vì vậy mọi người yêu cầu tiếp tục. Vừa nằm đung đưa trên võng, thằng Ân vừa túc tắc kể… Chốt chỉ có năm em. Lính mới “bóc tem” là thằng Cư. Hắn được giao vác “cái ống thổi lửa” (3) cơ động chiến đấu khi có chiến sự xảy ra. Khuya hôm ấy, mấy tên Pot tập kích. Súng tiểu liên nổ ran. Súng B40, B41 nhoáng nhoàng chớp lửa. Thằng Cư chưa thổi được “cái bắp chuối” (4) nào về phía đối phương đã té rớt xuống hầm. Hắn rên: “Mình bị thương rồi đồng hương ơi!”. Chụp “cái ống thổi lửa” của hắn, thằng Bình kê lên bờ công sự, chờ. Khi mô đất đối diện nhoáng ánh lửa, thằng Bình nhắm thẳng vào đó, siết cò. Sau tiếng nổ ùng, tất cả bay tung lên. Mấy tên Pot câm bặt. Rồi bọn chúng tháo chạy…
“Vậy, mắc mớ chi mày lại định cho thằng Cư xơi kẹo đồng?”. Thằng Tự hỏi. “Tao chưa kể xong…”. Thằng Ân nói. “Thôi thôi, đủ rồi!”. Thằng Cư la. Tất cả cùng cười. Thằng Ân lại tỉ tê. Trận địa im ắng. Tao lần theo công sự vào hầm bấm đèn pin soi. Thằng Cư mặt tái nhợt, cứ rên hừ hừ: “Mình bị thương rồi đồng hương ơi! Máu ra nhiều quá…”. Tao lấy tay quẹt cái quần ướt sũng của hắn đưa lên xem. Đâu có máu? Tao cúi xuống dòm. Cái mùi khăn khẳn xộc vào mũi. Điên tiết, tao chửi: “Đ.mẹ! Mày đái ra quần khai nghí chứ máu me gì!”. Hắn mừng húm: “Hóa ra là tao… đái?”. Mọi người lại ôm bụng cười. Thằng Cư bảo: “Nghe tiếng súng nổ ran, tao hoảng hồn ôm “cái ống thổi lửa” nhào ra giao thông hào, chân tay cứ lóng nga lóng ngóng. Rồi một quả B40 nhoáng lửa ngay bên cạnh, hất tao rớt xuống hầm. Sợ quá, tao đái ướt đẫm cả đũng quần mà cứ nghĩ rằng mình bị thương…”. “Ở chiến trường K. buồn cười là mấy tay nuôi quân, suốt ngày quần quật với bếp lò nhưng viết thư cho người yêu ở quê nhà tả cảnh chiến trận bi hùng lắm lắm. Thằng Huy gửi thư cho cô bạn gái, bốc phét: “Đẩy lui tụi lính Pot xuống chân đồi, anh ngồi trên chốt tiền tiêu còn phảng phất mùi thuốc súng, lấy thùng đạn làm bàn tranh thủ viết thư cho người anh yêu ở quê nhà xa ngái…”.
Cái giọng ồ ề của thằng Ân làm mọi người cười rũ rượi.
Thời gian như bóng câu qua cửa. Điều trị chưa được một tuần, tôi đã thấy khỏe hơn so với trước. Cuộc hội ngộ của lính sốt rét tuân theo quy luật của sự hợp - tan, tan - hợp. Kẻ đến người đi, tùy bệnh tình nặng hay nhẹ, sức khỏe hồi phục nhanh hay chậm. Thằng Tự, thằng Ân, thằng Cư, thằng Duy, thằng Hỷ… được xuất viện. Buổi chiều hôm ấy, dãy nhà dài có thêm thằng Trúc. Hắn quê Hội An, lính 82 đời đầu (5). Trắng trẻo. Lành hiền. Khi quen thân, hắn chuyện trò cởi mở. Ở nhà mãi cũng chán, thằng Khánh và thằng Vinh rủ tôi ra thị xã dạo chơi. Không nỡ bỏ thằng Trúc nằm chèo queo một mình, tôi bảo: “Tụi bay cầm lấy mấy đồng riel mà đi chơi. Khi về mua cho thằng Trúc ít trái chuối chiên, mua cho tao gói thuốc Romdos”. Hai đứa toét miệng cười: “Hoan hô đồng hương!”.
Sương giăng bảng lảng khắp nơi khi trời chập choạng tối. Quơ tấm chăn mỏng đắp ngang người, tôi lặng nhìn thằng Trúc mắc võng nằm bên cạnh. “Mày ngủ rồi hả, Trúc?”. Tôi hỏi. “Đâu có! Em nằm nghĩ ngợi vẩn vơ…”. Hắn nói. “Hồi đó, tại sao mày lại bỏ ngang như vậy, không ráng học cho hết cấp 3?”. “Học không vô, không phải do em… dốt mà do em… thất tình!”. “Chuyện hơi lạ đấy! Chỉ có tao với mày, hãy kể nghe chơi…”.
Xoay người về phía tôi, thằng Trúc tỉ tê về chuyện tình oái oăm của mình. Khai sinh nhỏ hơn so với tuổi thật gần hai tuổi, vào học lớp 10, hắn là chàng trai 18. Cô bạn gái cùng xóm đem lòng yêu hắn nhưng hắn lại không yêu, dù rằng cô ấy khá xinh. Không ít gã trai ở các làng phụ cận tới trồng cây si trước ngõ nhà. Cô ấy khước từ tất cả. Bọn họ rút lui. Hắn không hiểu cô nàng đem lòng yêu hắn vì lý do gì, bởi so với bọn họ, hắn cũng chẳng có chi nổi trội hơn. Cô nàng vẫn không chịu bỏ cuộc, thường xuyên đến chơi rồi nhờ hắn sang nhà giúp giùm ba thứ vặt vãnh: Khi ngoặc chiếc gàu múc nước rớt xuống giếng sâu, lúc đóng lại chiếc ghế tựa bị long đinh để cậu em ngồi học… Hắn nhận lời. Xong việc, về ngay. “Đèn không sáng ở chân! Là hàng xóm láng giềng với nhau nên mày không nhận ra điều đó”. “Có thể như thế thật! Em thờ ơ ghẻ lạnh với cô ấy để chạy theo một cô gái khác ngoài tầm tay với. Kết cuộc là thất tình và thất học”. Hắn mỉm cười chua chát.
“Cô gái khác là cô gái nào vậy?”. Thấy thằng Trúc không tiếp tục câu chuyện, tôi lên tiếng hỏi. Hắn cười: “Em í là bạn học khối 10 nhưng khác lớp”. So với cô bạn hàng xóm thì em í thua xa - thằng Trúc lại tỉ tê cho tôi nghe. Em yêu em í chỉ vì nụ cười để lộ chiếc răng khểnh trông thật dễ thương. Ánh mắt si mê của em đã nói với em í tất cả. Và có lần em í và em tình cờ gặp nhau khi đi học sớm. Em í bảo: “Hình như Trúc thích mình?”. Em đỏ mặt không nói. “Qua bạn bè, mình biết được điều đó. Mình nghĩ, chúng ta đừng nên đi xa hơn giới hạn của tình bạn”. Em í lại bảo. Em thấy đất trời nghiêng chao bởi nỗi buồn tình phụ ngự trị trong trái tim tan nát… Tôi bật cười: “Mày nói hay như tiểu thuyết”.
NGUYỄN TAM MỸ