Nhà mẹ Lê Thị Sưu là cơ sở cách mạng được đồng chí Võ Chí Công ghi nhận: “Trong thời Pháp thuộc, bà (Lê Thị Sưu - tác giả) là người yêu nước, chống Pháp, có công nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ cách mạng. Gia đình bà là nơi cơ quan bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam đóng từ 1938-1942. Nơi đây là cơ quan ấn loát các tài liệu, báo chí bí mật của Đảng lúc bấy giờ”.
Sau Hội nghị Chùa Hang (tại thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa, Núi Thành, vào 2 ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10.1940, có ý nghĩa như một cuộc Đại hội của Đảng bộ tỉnh), phong trào cách mạng bị địch đánh phá, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam chuyển từ Tam Kỳ ra An Thạch (xã Bình Sa, huyện Thăng Bình). Sau khi cơ quan Tỉnh ủy đứng chân hoạt động tại An Thạch được một thời gian, phong trào cách mạng ở Thăng Bình phát triển rất nhanh. Vì vậy, các đồng chí trong Tỉnh ủy bàn tính kế lâu dài để phát triển phong trào cách mạng rộng khắp, từ đó, cơ quan Tỉnh ủy chuyển về đóng ở huyện Quế Sơn, và theo như đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) thì “lúc này chúng tôi đi đến nơi nào coi như Tỉnh ủy chuyển đến đó”. Cơ sở cách mạng đầu tiên Tỉnh ủy xây dựng được tại Quế Hiệp là nhà mẹ Sưu (Lê Thị Sưu), còn gọi là bà Cửu Viện, vì mẹ Sưu có con trai là đồng chí Trần Viện - đại biểu Quốc hội khóa I, II, III.
Mẹ Lê Thị Sưu sinh năm 1892 tại thôn Lộc Đại, xã Quế Hiệp. Sinh ra trong một gia đình nho giáo, cha là ông cử Gia Cát, ông thi đậu cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học, làm sui gia với cụ Phan Châu Trinh. Bà Lê Thị Sưu là người có tinh thần yêu nước chống Pháp, kiên trung với cách mạng, tạo điều kiện cho con cái đi hoạt động cách mạng và nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ quan của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật tiền khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1938-1942). Mẹ tổ chức nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn cho số đông cán bộ, chiến sĩ ngay tại nhà bà trong thời kỳ chống thực dân Pháp.
Lúc bấy giờ, ở Quế Sơn đang diễn ra cao trào vận động dân sinh, dân chủ (1936-1939), đấu tranh chống tăng thuế, cải thiện đời sống nhân dân rất sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân, nhân sĩ, trí thức tham gia. Các đoàn thể cách mạng cùng nhân sĩ có tên tuổi ký đơn chống dự án tăng thuế gửi lên Viện Dân biểu Trung Kỳ và được viện tán thành không tăng thuế. Đây là thắng lợi lớn của cuộc đấu tranh dân chủ dân sinh trong thời kỳ này. Thông qua đấu tranh, các tổ chức quần chúng được kiện toàn và phát triển không ngừng.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng. Trước tình hình đó các tổ chức Đảng rút vào hoạt động bí mật. Trong đó có một số rút về khu vực Quế Hiệp, bí mật đóng tại nhà mẹ Lê Thị Sưu để hoạt động. Sau khi Tỉnh ủy được lập lại (3.1940), phong trào cách mạng trong toàn tỉnh đã phát triển. Ở Quế Sơn phong trào cách mạng cũng diễn ra hết sức sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng được thành lập và hoạt động mạnh mẽ, trong đó có chi bộ Lộc Đại. Chi bộ có sự tham gia của đồng chí Trần Viện - con của mẹ Lê Thị Sưu.
Ông Phạm Đình Ba - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quế Hiệp là một trong những người tham gia xây dựng hồ sơ khoa học “An toàn khu Quế Hiệp” nên khá tường tận về vùng đất này. Ông nói: “Nhà bà Cửu Viện thuộc hàng phú nông trong vùng nhưng có tinh thần yêu nước. Căn nhà của bà đã trở thành cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam và xứ ủy Trung Kỳ. Trong thời gian đóng tại đây, các đồng chí Xứ ủy và Tỉnh ủy làm việc tại 3 phòng phía sau của căn nhà chính, các phòng này có cửa hậu để thoát lên núi khi bị động. Ba phòng trước thì gian giữa đặt bàn thờ, hai bên là hai phòng ngủ, tiếp khách, 3 phòng này có tường gạch và cửa gỗ khóa chắc chắn, cách ly với 3 phòng phía sau. Riêng xưởng in thì đặt bí mật phía sau lãm lúa ở nhà dưới. Nhà này ngoài kho lúa còn có bếp, bàn ăn, chỗ ngủ và nơi để công cụ và chất đốt (than, củi). Khi bị bố ráp, các cán bộ thường cải trang thành người lấy gỗ, chặt củi… rút lên Suối Tiên, Hóc Xôi và bà Lê Thị Sưu tổ chức cho việc tiếp tế lương thực, cung cấp thông tin”.
Nhà Mẹ Sưu cũng là cơ quan ấn loát, in tài liệu, sách báo của Đảng phục vụ cho hoạt động cách mạng. Các đồng chí Trương An, Lê Chưởng, Ngô Quang Tám, Võ Toàn, Nguyễn Sắc Kim, Trương Hoàn đều ở và làm việc tại ngôi nhà này, được gia đình nuôi nấng, bảo vệ chu đáo. Đồng chí Lê Chưởng khi hoạt động ở Suối Tiên, các đình làng đều được gia đình bà tiếp tế thường xuyên. Khi bị giặc bố ráp, truy lùng, các chiến sĩ, cán bộ phải lẩn tránh lên núi hoặc phân tán sang các địa điểm khác để hoạt động thì bà Sưu là người tổ chức tiếp tế thực phẩm, thuốc men và cung cấp tin tức tình hình. Nhiều lần bị mật thám xét hỏi, truy bức nhưng bà thông minh dùng lý lẽ phản bác, kiên quyết không khai báo.
Phong trào cách mạng phát triển mạnh thì đồng thời cũng bộc lộ một số khuyết điểm, nhược điểm. Ở một vài nơi, mít tinh, diễn thuyết, kết nạp hội viên, luyện tập võ nghệ... diễn ra quá công khai, lộ liễu. Chính điều đó đã tạo sơ hở để địch đánh hơi được sự chuẩn bị của ta. Phong trào toàn tỉnh bị đàn áp nặng, nhiều cơ sở cách mạng bị phá hủy, nhiều đồng chí bị bắt, tù đày. Đảng bộ Quảng Nam tạm thời mất liên lạc với cấp trên. Đồng chí Võ Toàn, Nguyễn Kim Sắc may mắn không bị địch bắt đã rút vào Phan Thiết hoạt động. Con trai mẹ Sưu là đồng chí Trần Viện cũng bị bắt vào tháng 2.1942, tuy nhiên trên đường giải đi, đồng chí đã tự bẻ còng chạy trốn lên núi Hòn Tàu tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngay lập tức, địch đem quân vào đóng tại nhà mẹ Sưu, chúng phá phách, phát quang vườn tược, bắt gia đình phải phục dịch bọn chúng. Tuy vậy mẹ Sưu vẫn tìm cách bí mật tiếp tế cho con trai và các đồng chí khác hoạt động trên núi. Lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn nhất, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ, hai đồng chí Nguyễn Sắc Kim và Võ Toàn bị truy nã gắt gao. Bọn mật thám tới nhà đưa niêm yết treo giải thưởng rất lớn, dụ dỗ bà chỉ cho chúng bắt hai đồng chí này thì sẽ thả Trần Viện (lúc này đã bị bắt trở lại) nhưng bà vẫn nuôi giấu, bảo vệ cho các đồng chí một cách an toàn.
Trước sự khủng bố ác liệt, cơ quan Tỉnh ủy đã quyết định chuyển về đứng chân tại nhà ông Đoàn Sơ ở Nghi Sơn cũng xã Quế Hiệp. Năm 1945, mẹ Sưu từ trần. Với những đóng góp cho cách mạng, địa điểm cơ sở cách mạng nhà mẹ Lê Thị Sưu đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định xếp hạng số 2276/QĐ-UBND ngày 21.7.2014 của UBND tỉnh Quảng Nam.