Chuyển mình mạnh mẽ

NGUYỄN SỰ 30/04/2017 05:52

Phát huy truyền thống cách mạng, từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Đức đã chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Một góc thị trấn Tân An, Hiệp Đức hôm nay.Ảnh: VĂN SỰ
Một góc thị trấn Tân An, Hiệp Đức hôm nay.Ảnh: VĂN SỰ

Bứt phá với nông - lâm nghiệp

Ông Nguyễn Tấn Phát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức cho biết, những năm đầu mới giải phóng, toàn huyện chỉ có 3 hồ chứa và đập dâng là An Vang, Bình Hòa, Nà Lau. Vì vậy, chỉ đảm bảo nước tưới cho khoảng 15% trên tổng diện tích hơn 1.350ha đất sản xuất lúa toàn huyện. Giai đoạn 1972-1985, năng suất lúa bình quân toàn huyện chỉ đạt 13 - 17 tạ/ha. Xác định nước tưới là tiền đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi. Riêng từ năm 2007 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn huy động, mỗi năm Hiệp Đức đầu tư 3,5 tỷ đồng xây mới, nâng cấp hệ thống hồ chứa, đập dâng và kiên cố hóa các tuyến kênh mương. Nhờ đó, đến nay 70% diện tích đất lúa của huyện đã chủ động nước tưới. Cùng với khâu thủy lợi, Hiệp Đức cũng thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan chuyển giao rộng rãi những gói kỹ thuật tiên tiến, hỗ trợ nhiều loại giống lúa mới có chất lượng cao cho nông dân gieo sạ trên diện rộng. Vụ đông xuân này, năng suất lúa bình quân của huyện đạt 54 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với vụ trước và tăng 37-41 tạ/ha so với giai đoạn đầu ngày giải phóng.

Mốc son 30.4.1972

Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị chủ lực, quân dân Hiệp Đức đã kiên cường bám trụ, anh dũng đấu tranh đánh bại những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù. Đỉnh cao là vào hồi 0 giờ 15 phút ngày 29.4.1972, trong khí thế hừng hực, quân ta tiến hành tập kích và chiếm cứ điểm Gò Chùa. Từ Gò Chùa, quân ta tiếp tục đánh vào phía tây nam Đồi Sơn, trực tiếp uy hiếp Chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Đến ngày 30.4.1972, quân ta làm chủ quận lỵ, Hiệp Đức hoàn toàn giải phóng.

Chiến thắng Hiệp Đức là niềm tin, niềm tự hào và là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương nói riêng, tỉnh Quảng Nam và Quân khu 5 nói chung, tạo đà để chiến công nối tiếp chiến công, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.

Với diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, những năm qua nông dân Hiệp Đức cũng đã tập trung đầu tư vào kinh tế rừng, mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Tấn Châu - chuyên viên Phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, nhờ được tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, thụ hưởng một số cơ chế hỗ trợ thông thoáng nên hiện giờ toàn bộ 2.500ha đất vườn đồi, triền núi của huyện đã được phủ xanh bởi những rừng keo nguyên liệu. Hàng năm, người dân khai thác bán ra thị trường khoảng 700ha, thu về trên dưới 40 tỷ đồng. “Bên cạnh rừng nguyên liệu, nông dân Hiệp Đức cũng chú trọng phát triển cây cao su theo phương thức tiểu điền. Ngoài 2.498ha cao su đại điền của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, người dân trên địa bàn đã trồng được 1.710ha cao su tiểu điền, trong đó có hơn 165ha đã khai thác mủ. Gần đây, giá bán mủ cao su tăng trở lại và theo ước tính mỗi năm 1ha cho 1,3 - 1,4 tấn mủ, đạt giá trị 52 - 56 triệu đồng” - ông Châu cho biết thêm.

Trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi cũng là lĩnh vực mang dấu ấn phát triển của Hiệp Đức. Năm 2007, vợ chồng ông Bùi Châu (thôn Nam An Sơn, xã Quế Thọ) đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại kiên cố trên 500m2 đất vườn và mua 20 con heo nái ngoại về thả nuôi nhằm tạo nguồn con giống chất lượng phục vụ mô hình nuôi heo hướng nạc với quy mô lớn. Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm đàn heo nái của ông Châu sinh sản khoảng 500 heo con và tất cả đều được để lại nuôi thịt. Ông Châu chia sẻ: “Mỗi năm, trang trại của tôi đạt tổng doanh thu 2,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lãi ròng 700 triệu đồng, gặp năm heo hơi được giá; mức lãi có thể đạt 1 tỷ đồng”. Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, từ năm 2010 đến nay, nhờ được vay ưu đãi một số kênh vốn và được ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, nông dân nhiều địa phương của huyện có điều kiện phát triển mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại. Ông Viên nói: “Tính đến năm 2017, ngoài 84 trang trại có quy mô vừa và lớn, toàn huyện còn có 500 gia trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Bình quân hằng năm, mỗi mô hình trang trại thu về mức lãi 1 - 2 tỷ đồng, mô hình gia trại 100 - 600 triệu đồng”.

Hướng đến công nghiệp

218 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, bằng nhiều kênh vốn huy động, Hiệp Đức đã đầu tư hơn 218 tỷ đồng, trong đó ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp và thi công kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh như giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, trường học, trạm y tế, điện, nhà sinh hoạt văn hóa... Tính đến tháng 4.2017, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 11 xã trên toàn huyện là 10,37 tiêu chí, tăng 8,87 tiêu chí so với cách đây hơn 5 năm. Cuối năm 2015, UBND tỉnh đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với 3 xã điểm của Hiệp Đức là Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 huyện phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn là Hiệp Thuận, Hiệp Hòa, Bình Sơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức chia sẻ: “Trong những năm đầu mới giải phóng, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm hơn 90%. Tuy nhiên, nhờ cán bộ và nhân dân địa phương đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tập trung phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã cải thiện đáng kể, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 19%”.

Được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, năm 2013 Công ty CP May Hiệp Đức đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Nam An Sơn ở xã Quế Thọ. Trong 4 năm qua, doanh nghiệp này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 450 lao động trên địa bàn Hiệp Đức và một số vùng lân cận thuộc các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước. Chị Nguyễn Thị Phi - công nhân công ty chia sẻ: “Tôi ở Bình Lãnh, Thăng Bình. Trước đây tôi phải vào tận TP.Hồ Chí Minh làm công nhân. Đồng lương ít ỏi, trong khi chi phí thuê phòng trọ và ăn uống quá đắt đỏ nên bôn ba nhiều năm mà chẳng dư dả gì. Cách đây 3 năm, tôi quay về quê và xin vào Công ty CP May Hiệp Đức. Hiện nay, thu nhập hàng tháng của tôi hơn 4 triệu đồng, được doanh nghiệp mua đầy đủ các loại bảo hiểm; không phải xa quê, lại ổn định cuộc sống”.

Ông Lê Viết Đinh - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Hiệp Đức cho biết, những năm qua huyện đã tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhằm tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Hiện nay địa phương đã quy hoạch xây dựng được 5 cụm công nghiệp gồm Nam An Sơn (còn gọi là Quế Thọ 1), Quế Thọ 2, Quế Thọ 3, Tân An, Sông Trà với tổng diện tích 33,38ha. Ở các cụm công nghiệp này đã có 6 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 350 tỷ đồng; trong đó 4 dự án đã hoạt động sản xuất, còn 2 dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động trong tháng 5.2017. Ông Đinh nói: “Thời gian tới, Hiệp Đức tiếp tục quy hoạch xây dựng 6 cụm công nghiệp tại các xã Sông Trà, Phước Trà, Bình Sơn, Thăng Phước, Hiệp Hòa, Bình Lâm. Chúng tôi cũng đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch theo phương pháp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi gia súc tập trung, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm…”. Cũng theo ông Đinh, cùng với việc hình thành các cụm công nghiệp để “kéo” nhà đầu tư về địa phương, thời gian qua Hiệp Đức còn quan tâm củng cố và phát triển mạnh các ngành nghề, làng nghề. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 278 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 870 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. “Nếu năm 2006 giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Hiệp Đức chỉ đạt 8,8 tỷ đồng thì đến năm 2016 tăng lên 144,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 35%/năm” - ông Đinh chia sẻ.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển mình mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO