Chuyển mình theo nhịp điệu công nghiệp

VĂN PHIN - THANH MINH 18/08/2023 07:47

Nằm trong vùng trọng điểm Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành có ngành công nghiệp - tiểu công nghiệp phát triển khá mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, cải thiện đời sống nhân dân và làm thay đổi diện mạo vùng đất vốn khô cằn…

Hạ tầng trên địa bàn huyện Núi Thành phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp. Ảnh: HÀ QUANG
Hạ tầng trên địa bàn huyện Núi Thành phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp. Ảnh: HÀ QUANG

Vùng đất công nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Núi Thành khóa XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định đưa địa phương phát triển theo hướng công nghiệp - đô thị và đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại - dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành, từ khi Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập và đi vào hoạt động cho đến nay, đặc biệt là sau khi thực hiện Nghị quyết số 09/2012 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trên địa bàn Núi Thành, kinh tế và các mặt của đời sống xã hội trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn và phát triển toàn diện. Cùng với Khu kinh tế mở Chu Lai, các CCN-TTCN và các làng nghề ở huyện Núi Thành phát triển mạnh đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, góp phần đưa huyện Núi Thành trở thành đô thị loại 4 và đang hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại 3 trong tương lai gần.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, trên địa bàn huyện Núi Thành có 4 khu công nghiệp (KCN), gồm KCN Bắc Chu Lai, KCN hậu cần - cảng Tam Hiệp, KCN Tam Anh, KCN khí - năng lượng; trong đó 2 KCN đã có nhà đầu tư hoạt động là KCN Bắc Chu Lai, KCN hậu cần - cảng Tam Hiệp và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Các KCN này hiện nay do Ban Quản lý các khu kinh tế và KCN Quảng Nam trực tiếp quản lý. Riêng ngành sản xuất CN-TTCN do huyện Núi Thành quản lý trên địa bàn, hiện nay có 3 cụm công nghiệp (CCN) đã được phê duyệt, gồm CCN Nam Chu Lai (xã Tam Nghĩa), CCN Trảng Tôn (thị trấn Núi Thành) và CCN Tam Mỹ Tây (xã Tam Mỹ Tây); trong đó có 2 CCN đã đi vào hoạt động là CCN Nam Chu Lai và CCN Trảng Tôn.

Đến nay, 2 KCN và 3 CCN, TTCN trên địa bàn huyện Núi Thành có 115 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 39.101 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 17.200 lao động.

Công nghiệp phát triển đã mở ra cho Núi Thành nhiều cơ hội, tiềm năng kinh tế, làm động lực đẩy nhanh phát triển về mọi mặt, trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh.

Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn Núi Thành năm 1983 chỉ đạt 229 tỷ đồng, đến năm 2022 đã đạt 117.817 tỷ đồng; trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng năm 1983 chỉ có 5 tỷ đồng, thì đến năm 2022 đã đạt đến 103.645 tỷ đồng.

Trong 5 năm trở lại đây, tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn huyện hằng năm đạt 15 - 20 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2022 đạt hơn 22.732 tỷ đồng, chiếm khoảng 68% tổng thu ngân sách của tỉnh. Theo thống kê, hiện tại số lao động phi nông nghiệp ở Núi Thành chiếm 63,84% tổng số lao động, trong đó có 90,2% lao động được đào tạo nghề.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Trần Hồng Dương - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Núi Thành, nhìn chung, doanh nghiệp trong 2 CCN Nam Chu Lai và Trảng Tôn đều hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, đồng thời đầu tư đúng theo nội dung đã đăng ký trong dự án đầu tư.

Huyện Núi Thành tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN, làng nghề trên địa bàn, giải quyết các vướng mắc để hoàn thiện mặt bằng CCN Tam Mỹ Tây, giải phóng mặt bằng CCN Nam Chu Lai (giai đoạn 2). Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư ở Núi Thành có nhiều chuyển biến, đã thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển các dự án trên địa bàn.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc phát triển ngành sản xuất CN-TTCN huyện Núi Thành gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Việc xác định và giao chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CCN, làng nghề gặp phải nhiều vướng mắc, còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa chủ đầu tư cơ sở hạ tầng CCN với cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực quản lý công nghiệp.

UBND cấp huyện không có thẩm quyền, cơ sở đánh giá giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện nên việc báo cáo gặp khó khăn. Mặt khác, hoạt động sản xuất tại các CCN đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường, trong khi đó nguồn lực đầu tư hạn chế, cơ chế quản lý vận hành cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tại các CCN còn nhiều vướng mắc.

Ngoài ra, hiện tại huyện Núi Thành hoạt động sản xuất CN-TTCN mang tính nhỏ lẻ không nằm trong CCN tại cấp xã, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại hoạt động trong các khu dân cư, nhất là các cơ sở may mặc, mua bán phế liệu, vật liệu xây dựng… Thực trạng này vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Cạnh đó, hiện Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ để chuyển các cơ sở sản xuất CN-TTCN gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư vào các CCN, nhất là trên địa bàn xã Tam Nghĩa. Đây cũng là trở ngại cho việc phát triển công nghiệp của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển mình theo nhịp điệu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO