Đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về cứu thương cho cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên chiến trường Quảng Nam đã ra đời một số bệnh xá. Bệnh xá Bắc Tam Kỳ cũng là một trường hợp như vậy.
Theo cố Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Tam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Lương Văn Hận, tuy là bệnh xá dân y cấp huyện nhưng đối tượng phục vụ của Bệnh xá Bắc Tam Kỳ là không giới hạn. Bởi đây là bệnh xá tuyến trước, nằm sát vùng tranh chấp, luôn bị quân địch lùng sục, đánh phá ác liệt. Bệnh xá đứng chân ở triền đồi núi Chúa, thuộc thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân, nay thuộc huyện Phú Ninh. Bệnh xá luôn rơi vào tình trạng quá tải, thiếu thốn đủ mọi thứ kể cả con người, thuốc men, dụng cụ, lương thực, thực phẩm… Gian nan nhất là lúc bệnh xá lâm vào tình thế bị địch bao vây nên phải di dời, cõng thương trong điều kiện đặc biệt nguy hiểm. Song bằng tinh thần “Lương y như từ mẫu” những cán bộ, thầy thuốc của bệnh xá đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào truyền thống của ngành và Đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.
Trong một cuộc gặp mặt do Ban liên lạc Bệnh xá Bắc Tam Kỳ tổ chức, có những câu chuyện của “ngày này năm xưa” khiến lớp trẻ như chúng tôi rất xúc động, cảm phục lớp cha anh của mình đã có những năm tháng sống thật đẹp, vì lý tưởng và vì quê hương. Đó là câu chuyện cảm động của bà Phan Thị Thu Nhung, không về dự được trong buổi gặp mặt đã gửi vài dòng tâm sự qua e-mail. Qua anh Nguyễn Điện Ngọc (hiện công tác tại Đài Truyền thanh - truyền hình Tam Kỳ), tôi được biết, những ngày chân ướt chân ráo lên chiến khu làm y tá, một lần vào năm 1965, bà Nhung cùng y tá Bùi Đình Mai người thôn Vĩnh Bình, xã Kỳ Anh (khoảng 15 - 16 tuổi) áp tải 10 ca thương từ Bệnh xá Bắc Tam Kỳ về Bệnh xá tỉnh đóng ở Tiên Lãnh, Tiên Phước. Mười cáng thương với 10 dân công thay nhau qua từng trạm. Đến trạm cuối chỉ còn cách chừng cây số thì trời tối. Dân công cõng thương được cho quay về, còn y tá và thương binh phải ngủ lại giữa rừng già. Tối hôm đó bà Nhung trực một đầu, y tá Mai trực đầu kia chăm sóc thương binh. Sáng ra bà Nhung gọi y tá Mai chuẩn bị đưa thương vào trạm xá thì không thấy người đâu, trong khi đồ dùng cá nhân như ba lô, mũ tai bèo… vẫn còn đó. Bà còn bàng hoàng khi tận mắt nhìn thấy 2 thương binh nằm trên cáng võng nhưng bị thú rừng móc mất mắt đã tử vong. Lúc đó bà với các y tá trạm xá mới xác định y tá Mai bị thú rừng bắt mất. Sau khi đưa 8 ca thương vào điều trị, các cán bộ trạm mới đi tìm Mai, nhưng vô vọng. Đó là một trong rất nhiều chuyện những cán bộ Trạm xá Bắc Tam Kỳ thầm lặng hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Chuyện kể của y tá Nguyễn Thị Thám lại là một khoảng lặng khác. Dịp sau xuân Mậu Thân 1968 có một thương binh từ Kỳ Phước chuyển vào trạm tiếp thương. Do vết thương quá nặng, chưa kịp dìu lên sạp, anh đã hấp hối nhưng vẫn mở to đôi mắt nhìn chị như muốn trăng trối điều gì đó, rồi ngả vào lòng chị nhắm mắt. Một mình ở bên anh, chị đã khóc thật to, nghẹn ngào không nên lời. Chị thắp 3 nén nhang khấn vái anh tha lỗi vì không cứu chữa được anh.
Bà Nguyễn Thị Khiêm ở thôn Ngọc Giáp, xã Tam Dân (Phú Ninh) kể về một kỷ niệm khắc sâu đáy lòng, đó là lần từ trận đánh ở Quán Rường, thương binh về bệnh xá rất nhiều. Trong đó có anh bộ đội còn rất trẻ gãy một cánh tay và bị thương nhiều chỗ khác. Bà trực tiếp băng bó cho anh bộ đội, nhưng do không có thuốc tê, đau quá anh đạp bà ngã nhào, đầu đập vào cột nhà sưng vù đau buốt nhưng vẫn bấm bụng cứu chữa vết thương… Sau khi hồi phục anh thương binh xin lỗi mong bà tha thứ. Bà cảm nhận niềm vui, hạnh phúc, cảm thông về những người lính như đứa con xa mẹ hiền…
Y tá Phan Thị Vinh kể, trong điều kiện chiến trường ác liệt, có hôm thương binh về đông quá, bác sĩ Lý - Trưởng bệnh xá Bắc Tam Kỳ, người bác sĩ duy nhất của bệnh xá có hôm phải đứng mổ từ tờ mờ sáng hôm trước đến tận sáng hôm sau. Thương binh thì đủ các binh chủng, từ du kích thôn, xã đến bộ đội huyện, tỉnh, bộ đội chủ lực… Nhiều chiến sĩ ngoài Bắc mới vào, đều độ tuổi mười tám đôi mươi, trông ai cũng trắng trẻo, đẹp trai rất đáng yêu. Bà thầm nghĩ, chắc đây là trận đánh của những học sinh, sinh viên vừa xếp bút nghiên “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”. Có hôm bà chứng kiến cảnh do bị thương nặng quá, hai chiến sĩ đã hy sinh khi chưa kịp lên bàn mổ. Ba mươi ca khác sau đó đều được xử lý an toàn. Ca mổ cuối cùng tiến hành trong hoàn cảnh không thuốc mê. Ai cũng ái ngại nhưng người lính trẻ thì rất tự tin: “Các đồng chí hãy yên tâm làm nhiệm vụ… Cánh tay không giữ được thì hãy cắt bỏ, tôi chịu đựng được”.
Hay câu chuyện về y tá Lệ, do bà Thủy Anh kể lại, trong một chuyến chuyển thương phải nằm lại giữa rừng với một trường hợp tử vong. Đêm xuống y tá Lệ sợ đủ thứ trên đời. Đang ngồi co ro, khóc thút thít bên cáng thương bất động, Lệ chợt nghĩ về tinh thần chiến đấu dũng cảm hy sinh của bộ đội ngoài mặt trận, họ không sợ bất cứ thứ gì kể cả cái chết. Thế là Lệ tự thấy xấu hổ, đầu óc bỗng bừng tỉnh, tinh thần can đảm hẳn lên. Chị bật đèn pin nói chuyện với người đồng chí: “Đồng chí hãy cho tôi nghị lực để chiến thắng chính mình…”. Đó chuyện kể về Tám Chương - một trong số ít cán bộ, nhân viên của bệnh xá chuyên trách mai táng tử thi. Nhiều lần ông phải “chôn trần, cất lạnh” anh chị em hy sinh. Không có quan tài khói hương. Thương quá, Tám Chương nảy ra sáng kiến đề xuất với lãnh đạo rồi mang cưa vào rừng. Ván xẻ ra được ông xếp gọn gàng, nhỏ theo nhỏ, lớn theo lớn. Mỗi khi có đồng chí đồng bào hy sinh, sau khi đào huyệt xong, Tám Chương đem ván cắt theo kích cỡ ghép lại làm quan tài để anh em, đồng bào đỡ lạnh lẽo.
Một điều cũng rất hệ trọng mà cán bộ, y tá Bệnh xá Bắc Tam Kỳ khắc ghi đó là lòng dân. Mặc dù bệnh xá đứng giữa núi rừng, trong vòng lửa đạn của quân địch nhưng luôn được sự che chở, tiếp viện của người dân địa phương dù họ còn thiếu thốn trăm bề. Ra đời và tồn tại chỉ trong vòng 10 năm (từ 1965 đến 1975), nhưng Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đã cứu chữa được hơn 20.000 thương bệnh binh và người dân. Đó là kỳ tích của một bệnh xá trong kháng chiến, của những chiến sĩ khoác áo blu trắng trên quê hương đất Quảng anh hùng.
VÕ VĂN TRƯỜNG