Chuyện một cựu phi công xứ Quảng

XUÂN THỌ 09/08/2017 08:46

Về hưu từ tháng 3.1990, cựu phi công Vũ Đức Anh (81 tuổi) chọn sống cạnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh), như cố níu kéo cả bầu trời tuổi trẻ của mình. Trong lịch sử không quân Việt Nam, cựu phi công quê Quảng Nam này được xem là bậc thầy trong công tác vận tải, nhất là những lần thoát hiểm an toàn khi máy bay bị hỏng động cơ.

Vợ chồng cựu phi công Vũ Đức Anh. Ảnh: XUÂN THỌ
Vợ chồng cựu phi công Vũ Đức Anh. Ảnh: XUÂN THỌ

Học lái tại Việt Nam

Năm 1953, ông Đức Anh tham gia bộ đội ở chiến trường Quân khu 5, phạm vi hoạt động của đơn vị ông từ Điện Bàn lên đến Hiên, rồi vòng qua Bến Giằng đến Kon Tum. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đơn vị của ông về tập trung ở thị xã Quy Nhơn (nay là TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) để giúp dân ở đây đắp đập. Ba tháng sau, ông và đồng đội tập trung ở cảng Quy Nhơn tập kết ra Bắc bằng đường biển. Tuy nhiên, tàu biển chỉ thực hiện được chuyến hải trình đến Nghệ An, từ đó đi bộ ra Thanh Hóa.

Lúc này, nhằm tăng cường lực lượng để bảo vệ thủ đô Hà Nội, Trung ương Đảng và Bác Hồ, Bộ Quốc phòng lấy một đơn vị miền Nam tập kết ra Bắc để thành lập Sư đoàn 350, chiến sĩ Vũ Đức Anh thuộc biên chế sư đoàn này. Lúc bấy giờ, Bộ Quốc phòng có kế hoạch tuyển chọn lính tinh nhuệ để đi học lái máy bay. “Trong số này có tôi. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ được sang Liên Xô học lái máy bay, nhưng thời điểm đó bên Lào đang có chiến dịch, cần sự trợ giúp của Việt Nam và Liên Xô. Phía Liên Xô đưa sang Việt Nam 30 chiếc máy bay vận tải để vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm sang cho nước bạn Lào. Sau khi sự trợ giúp này kết thúc, Liên Xô tặng toàn bộ máy bay cho Việt Nam nên chúng tôi học lái máy bay ở Việt Nam luôn” - cựu phi công Vũ Đức Anh nhớ lại.

Hai lần chết động cơ nhớ đời

Các loại máy bay mà Liên Xô tặng cho Việt Nam lúc bấy giờ là Li-2 và Li-14, đồng thời phía Liên Xô cử giáo viên dạy lái máy bay cho học viên của Việt Nam tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Sau khi bay nhuần nhuyễn, phi công Đức Anh và đồng đội được đưa về sân bay Gia Lâm (Hà Nội) để huấn luyện nâng cao và bổ sung vào Trung đoàn Không quân vận tải 919.

Trong quãng thời gian 30 năm từ chuyến bay đầu tiên vào năm 1960 đến khi nghỉ hưu vào năm 1990, với phi công Đức Anh, có 2 lần ông nhớ nhất trong sự nghiệp bay của mình. Đó là 2 lần máy bay bị chết 1 động cơ khi đang làm nhiệm vụ trên bầu trời. Lần đầu là vào năm 1976, khi ông làm nhiệm vụ chở 3 vị tướng cao cấp quân đội từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Côn Sơn (hay còn gọi là Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng chiếc C47, loại có 2 động cơ. Bay được nửa đường thì 1 động cơ bị chết, buộc phải quay về sân bay Tân Sơn Nhất và ông đã hạ cánh an toàn. Một năm sau, ông lái chiếc Li-2, loại có 3 động cơ, gồm 2 động cơ chính và 1 động cơ phụ là tuốc bin phản lực, chở 60 người gồm cán bộ và bộ đội từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Vừa cất cánh lên độ cao khoảng 200m thì 1 động cơ chính của máy bay bị chết, bắt buộc phải hạ cánh gấp. “Do một động cơ chính bị chết, nên tôi phải tăng sức làm việc của động cơ phản lực lên cho có sức kéo, đồng thời tăng sức làm việc của động cơ chính còn lại lên khoảng 95% công suất làm việc thay vì 90% như thông thường, nhờ đó mới hạ cánh an toàn”- ông Đức Anh kể. Ông còn cho biết, cái khó nhất khi hạ cánh với 1 động cơ bị chết là phải giữ được thăng bằng và tốc độ khi tiếp đường băng. Bởi nếu không giữ được thăng bằng hay tốc độ cao sẽ dễ xảy ra va chạm mạnh; còn tốc độ quá thấp sẽ dẫn đến việc máy bay vị rơi.

Duyên tình Thanh - Quảng

Thêm một chuyến bay nữa, mà ông nhớ cho đến bây giờ đó là chuyến bay vào tháng 5.1975 từ ngoài Bắc vào tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. Ông tâm sự: “Biết bao nhiêu năm ước ao được vào miền Nam, mà mãi hôm đó mới thành hiện thực. Lại được bay giữa ban ngày, trong không khí cả nước giải phóng, nhìn đất nước dọc đường từ Bắc vào mà lòng sướng rơn”. Đến nơi, ông nhanh chóng bắt tay vào tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này ông là Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân vận tải 918. Trung đoàn này được thành lập trên cơ sở của một bộ phận từ Trung đoàn Không quân vận tải 919, có phạm vi hoạt động ở miền Nam, với nhiệm vụ và chức năng tương tự như Trung đoàn Không quân vận tải 919. Ông Đức Anh nắm chức vụ Trung đoàn phó cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 3.1990 với quân hàm đại tá.

Trở lại năm 1975, sau khi tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, đến tháng 11 năm đó ông mới đưa vợ con vào. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Kim Chỉ, năm nay 75 tuổi, quê gốc ở Thanh Hóa. Có thể nói, mối lương duyên của ông bà được tạo nên bởi tình kết nghĩa hai tỉnh. Chuyện xảy ra từ năm 1960, khi ông đang học lái máy bay ở Cát Bi. Lúc bấy giờ ông Đức Anh có người em họ cũng tập kết ra Bắc và công tác gần nhà bà Chỉ ở Thanh Hóa (lúc này Quảng Nam và Thanh Hóa đã là 2 tỉnh kết nghĩa). Người em họ này được bố mẹ bà Chỉ nhận làm con nuôi và đã “tiến cử” ông Đức Anh với gia đình để mai mối cho bà Chỉ. Sau vài bận “thăm nhà”, năm 1961 ông Đức Anh và bà Chỉ nên duyên vợ chồng. Họ có 6 người con, trong đó 3 người con đầu sinh ở Thanh Hóa và 3 người còn lại sinh ở TP.Hồ Chí Minh.

Ông Đức Anh tâm sự rằng, tuy ông là chồng nhưng mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình, việc nuôi dạy con cái đều do bà Chỉ gánh vác. Thậm chí, đợt địch càn quét năm 1972, bố mẹ vợ chết ông cũng không thể về được mà phải đến 2 năm sau mới về thắp nén nhang. Vào thời điểm bố bị trúng bom, dù ở cách nhà 5km nhưng bà Chỉ cũng không thể về được vì phải lo đi cứu người - bà vốn công tác trong ngành y tế. “Bây giờ cả 6 đứa con đều nên người, công ăn việc làm ổn định, là đều do vợ tôi chăm nom mà nên” - phi công Đức Anh nói như dốc lòng với người vợ của mình.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện một cựu phi công xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO