Ngày 27.5 tới đây, Khu nhà bia tưởng niệm Bệnh xá Bắc Tam Kỳ tại làng Tiểu Tây, nay là thôn Phước Lợi, xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Những ngày này, cán bộ, nhân viên Bệnh xá Bắc Tam Kỳ năm xưa không khỏi bồi hồi nhớ về những tháng năm gian lao khốc liệt.
Y - bác sĩ Bệnh xá Bắc Tam Kỳ năm xưa viếng hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh tại khu tưởng niệm. Ảnh: Q.N |
Bệnh xá Bắc Tam Kỳ được thành lập vào đầu năm 1964, đóng tại sườn nam Núi Chúa thuộc xã Kỳ Quế, huyện Bắc Tam Kỳ (nay là xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh). Đây là địa điểm nằm trong vòng uy hiếp của pháo địch ở tỉnh lỵ Quảng Tín, Tuần Dưỡng, Chóp Chài, núi Dàng, Trà Gó, quận lỵ Tiên Phước... Bệnh xá chỉ cách trục lộ Tam Kỳ - Tiên Phước khoảng 3km, một tuyến đường huyết mạch của Mỹ-ngụy từ quận lỵ Tiên Phước về tỉnh lỵ Quảng Tín. Địch thường xuyên cho bộ binh nống ra càn quét; cho máy bay đánh phá liên miên để thông đường. Cái chết luôn rình rập từ mọi phía.
Đối tượng chính bệnh xá phục vụ là cán bộ huyện, xã, du kích và nhân dân từ vùng đông đến vùng tây huyện Bắc Tam Kỳ; cán bộ tỉnh làm công tác mặt trước; Đội công tác thị xã; cán bộ, bộ đội của huyện, tỉnh kể cả bộ đội quân khu bị ốm, bị thương trên địa bàn gần bệnh xá... Bệnh xá có quân số thường xuyên khoảng 30 người, trong đó có cả đội ngũ phục vụ hậu cần như chị nuôi, tiếp liệu... Đơn vị còn có một trạm phẫu tiền phương tại vùng đông Tam Kỳ, phục vụ nhân dân, cán bộ, du kích các xã Kỳ Anh, Kỳ Phú. Trong quá trình hoạt động, lượt người đến và điều đi khỏi bệnh xá lên đến cả trăm người. Bác sĩ Nguyễn Văn Lý - nguyên Trưởng Bệnh xá Bắc Tam Kỳ xúc động nói: “Không phải là người đầu tiên, nhưng tôi là người lãnh đạo trụ lâu nhất tại bệnh xá này. Đây là một tập thể cố kết nhau trong sinh tử. Tất cả đều sẵn sàng chết thế cho nhau, xả thân vì nghĩa lớn. Họ đã chia sẻ với nhau từ việc xây dựng nhà cửa, nuôi dưỡng bệnh nhân, đi tìm kiếm lương thực, gùi cõng thuốc men, khiêng cõng che giấu thương binh… Mỗi công việc của họ đều chứa đựng sự hy sinh. Mỗi con người là một hình ảnh rất đẹp. Đối với tôi, giờ phút đau đớn nhất là lúc phải vĩnh biệt những nam thanh nữ tú là đồng đội, đồng nghiệp của mình. Từ 1964 đến 1975, Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đã hy sinh 25 người, bị thương hàng chục người. Cũng mười một năm đó, trong điều kiện trên bom dưới đạn, thiếu thốn mọi bề mà Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đã cứu chữa hàng nghìn thương bệnh binh. Quả thật là một kỳ tích!”.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, Mỹ-ngụy đóng quân dày đặc ở các xã xung quanh bệnh xá như Kỳ Long, Kỳ Ngọc, Kỳ Quý, Kỳ Thịnh... Các chốt địch đã áp sát, buộc ta phải di chuyển bệnh xá rất nhiều lần. Nhưng rồi cũng không dời đi đâu xa, cứ chạy vòng dãy Núi Chúa. Lúc ở Kỳ Ngọc khi ở Kỳ Quế; lúc ở thôn Tiểu Tây khi dời qua núi Lớn, núi Lở, Bông Miêu, Dương Bùi, xoay quanh trong một địa bàn có đường kính độ 5 - 7km. Địa điểm bệnh xá trụ bám lâu nhất là thôn Tiểu Tây - Kỳ Quế. Mãi tới năm 1972, thành lập thêm cơ sở 2, đóng ở Kỳ Phước để phục vụ chiến dịch mở ra vùng giải phóng Quảng Nam.
Thời điểm thương binh tăng cao nhất là sau Chiến dịch tổng tấn công xuân Mậu Thân - 1968. Tối 30 Tết, toàn miền Nam đồng loạt nổ súng. Tại thị xã Tam Kỳ, ta tổn thất lớn. Ngay khu vực bệnh xá, thương binh đưa về treo võng nằm la liệt. Cả bệnh xá lao vào cứu chữa thương binh, phẫu thuật cứu thương cả ngày lẫn đêm, giải quyết đến trăm ca mỗi ngày... Bệnh xá Bắc Tam Kỳ không chỉ làm nhiệm vụ cứu chữa mà còn phải đào tạo cán bộ y tế. Bệnh xá đã tổ chức nhiều khóa đào tạo y tá của mạng lưới y tế cơ sở các làng xã thuộc vùng giải phóng huyện Bắc Tam Kỳ.
Năm 1969, trực thăng Mỹ đổ quân tiến vào khu vực bệnh xá phóng hỏa đốt nhà, lúa gạo, quần áo cháy trụi. Nhưng nhờ người dân bám trụ địa phương báo trước nên y - bác sĩ và cán bộ, nhân viên của bệnh xá kịp thời lánh nạn an toàn. Một lần nữa, vào cuối tháng Chạp năm 1970, lính Mỹ đổ quân tập kích nhưng toàn lực lượng của bệnh xá cũng đã chạy kịp. Ba ngày sau về chỗ cũ, bệnh xá đã trở thành tro bụi, phải làm lại từ đầu...
Một điều vô cùng hệ trọng mà những người làm công tác y tế thời chiến luôn khắc ghi, đó là lòng dân. Bệnh xá đứng trong vòng lửa đạn chiến tranh, thiếu thốn trăm bề, khó nhất là đi tìm cái ăn. Đồng bào vùng giải phóng đói khổ nhưng đã dành gạo, mắm muối và nhiều thứ thiết yếu khác cho cách mạng. Phần lớn lương thực, thực phẩm được lấy lên từ các xã Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Thọ, thậm chí phải luồn sâu vào vùng địch hậu mới có được. Dân đã cho bệnh xá nguồn sống. Nếu địch phát hiện, họ phải bị tù đày, có khi mất mạng. Thế nhưng dân ta rất kiên cường, họ hy sinh tất cả cho cách mạng. Không có lòng dân, chắc rằng bệnh xá không sống nổi.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hình ảnh của Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đã trở thành kỷ niệm sâu sắc trong thế hệ những người công tác y tế thời kháng chiến. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Quảng Nam, TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Ban liên lạc của những người công tác tại bệnh xá đã xuất bản tập kỷ yếu, tái hiện quá trình hoạt động; những sự kiện bi hùng, những con người kiên trung của ngành y trên vùng đất Tam Kỳ, Quảng Nam. Tại làng Tiểu Tây, đã lập Bia tưởng niệm liệt sĩ Bệnh xá Bắc Tam Kỳ và các liệt sĩ là thương binh hy sinh tại bệnh xá. Hàng năm, đội ngũ y-bác sĩ và cán bộ, nhân viên bệnh xá năm xưa tổ chức gặp mặt để ôn lại truyền thống và chia sẻ hoàn cảnh trong cuộc sống thời bình. Hy vọng, đây là những việc làm có ý nghĩa lưu dấu để thế hệ trẻ ngành y của Tam Kỳ, Phú Ninh, Quảng Nam hôm nay và mai sau thấu hiểu được truyền thống của ngành trong những năm khói lửa chiến tranh; từ đó viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành trong thời hiện đại.
PHẠM THÔNG