Trải qua nhiều chiến trường nhưng ký ức mà Đại tá Nguyễn Văn Điệu lưu giữ lâu nhất là giây phút trùng phùng của 4 anh em trai đều là bộ đội, du kích. Vậy mà khi đang học trên đất Bắc, ông nhận hung tin trong một năm: anh Nguyễn Năm (Xuân), chính trị viên phó đại đội và em Nguyễn Duy Tập, xã đội phó hy sinh. Người cha thân yêu cũng đã ngã xuống trên quê hương Lộc Bình nay là Đại Hưng, Đại Lộc.
Cha và con cùng vượt ngục
Ở tuổi 70, Đại tá Nguyễn Văn Điệu, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 5 trông vẫn còn rất “trai tráng”. Khi được khen như vậy, ông cười và nói rằng, ngày xưa nhờ nhanh nhẹn, mưu trí mà đã cứu cha mình thoát nạn. Câu chuyện bỗng chốc quay về miền ký ức: “Ngày địch càn qua thôn Trúc Hà thì tôi và cha đang ở ngoài rẫy. Lo cho người ở lại khi nhà cháy rừng rực, hai cha con cùng chạy về. Địch phục sẵn, bắt cả hai lên nhà lao Cấm Thị đánh dã man. Đêm 25.4.1965, bộ đội bắn cối 82 uy hiếp chi khu Thượng Đức. Để xóa dấu tích nhà lao, địch đặt mìn vào khu nhà giam. 4 người chết, nhiều người bị thương nặng, trong đó có tôi và cha. Ông bị gãy xương vai không thể đi được. Tôi dìu ông chạy trốn và không ngờ rằng, trong đời mình có đến hai lần dìu cha trốn khỏi hai nhà tù”.
Ông Điệu thắp hương bàn thờ cha mẹ. Ảnh: H.VÂN |
Hai cha con chỉ đến được bờ sông thì người cha đuối sức, không đi được nữa, đòi nằm lại, giục con trốn thoát. Nhưng ông Điệu không thể nghe lời, đành dìu cha vô nhà lao để mong cứu chữa vết thương quá nặng. Đúng như dự đoán, bọn địch băng bó sơ cứu rồi “hốt” lên máy bay trực thăng ra bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng. Ra đây chưa ấm chỗ, chúng điều tra giấy tờ biết là gia đình Việt cộng lập tức đẩy vào nhà lao Hội An. Hai tháng ở đây, một buổi tối lợi dụng canh tù sơ hở, cậu con trai dùng ống đu đủ thông báo cho cha nằm cách vách ngăn về kế hoạch vượt ngục. Sau đó để cha nắm chân mình, trườn ra bờ rào địch và trốn thoát. Vài tháng sau, Nguyễn Văn Điệu được chọn vào lực lượng trinh sát Quảng Đà.
Phát huy sở trường “nhanh như sóc”, trong các trận đánh chi khu Thượng Đức và Hòn Chồng 1967, ông lập cú đúp khi mới 18 tháng trong quân ngũ đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì và hạng ba. Được chọn đi học trường Sĩ quan Lục quân 1 ở miền Bắc nhưng sau thời gian ngắn Nguyễn Văn Điệu xin vào Nam chiến đấu, làm tiểu đoàn trưởng đặc công đánh trận tại Quảng Trị khi mới 24 tuổi. Rồi ông được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 20 thuộc Bộ Tư lệnh Công an vũ trang qua làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Một quãng bi kịch đời ông cũng từ đây. Trùng lặp ngẫu nhiên, ông ở đơn vị, địch không tập kích, nhưng ông đi, lại có chuyện! Mấy lần như vậy, cộng thêm kẻ ác miệng, tổ chức dừng công tác ông, đưa về Đà Nẵng điều tra. Những ngày đó, không những ông mà cả gia đình sống trong tâm trạng bức bách. Cái máu nóng người Quảng khiến làm ông liều, quyết sống chết bảo vệ truyền thống gia đình. Nhờ vậy, ông được gỡ oan, được qua lại chiến trường làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 143, sau đó Sư đoàn phó Sư đoàn 315, về lại Thành đội Đà Nẵng, rồi Hiệu trưởng trường Quân sự Quân khu 5 đến 11 năm.
Người anh hùng trong nỗi nhớ
Nhà có 5 người con thì 2 con trai cùng chồng hy sinh, bà Lê Thị Kiến được phong tặng Bà mẹ VNAH. Cô con gái Nguyễn Thị Bé làm giao liên và bị giam tù Côn Đảo, sau được trao trả. Gia đình ông Nguyễn Kiến trở thành một trong những gia đình cách mạng tiêu biểu của xã Đại Hưng. Nối gót cha, ba người con trai của ông Nguyễn Văn Điệu ở Đà Nẵng đều đi bộ đội. Cậu cả Nguyễn Văn Ngọc hiện là Trung tá, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 2. |
Nói đến Anh hùng LLVTND Nguyễn Năm (Xuân) nguyên Chính trị viên phó Đại đội 1, người dân các xã Lộc Bình, Lộc Vĩnh ngày ấy ai cũng biết. Ông là một trong những tay súng cừ khôi, góp phần làm nên chiến thắng Hà Vi năm 1966. Vốn thông minh, học hỏi rất nhanh và dũng cảm, ông có thể cùng lúc sử dụng nhiều vũ khí như đại liên, cối 60 làm địch vô cùng khiếp sợ. Bị thương hư một mắt, cấp trên cho ra Bắc chữa bệnh và học tập nhưng ông kiên quyết ở lại chiến đấu.
Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chính, nguyên Huyện đội trưởng Đại Lộc kể về em mình trong nỗi xúc động: “Tôi gắn bó với Năm nhất vì cậu em Bảy Điệu quân chủ lực đi xa, cậu út Tập cũng làm xã đội phó ở nhà. Tôi và Năm đều ở trên huyện. Năm đánh giặc lì lắm. Còn nhớ đánh trận Hà Vi, cậu ta về khoe với tôi “đánh Mỹ dễ hơn đánh ngụy anh à” rồi cười tít mắt. Vậy mà chỉ hai năm sau tôi phải đi tìm em”. Năm 1968, Đại đội 1 (đơn vị Anh hùng LLVTND) cùng các lực lượng của quân khu và tỉnh cùng tấn công căn cứ địch ở Thượng Đức. Ông Chính được Huyện ủy phân công đứng cánh. Trận đánh ác liệt ngay từ đầu bởi địch phản công mạnh. Chúng rải bom như mưa. Chính trị viên phó Nguyễn Năm và người liên lạc bị hất tung vào bụi tre. Tối hôm đó, dứt tiếng súng, người anh hai đi tìm em khắp cả chiến trường. Bàng hoàng khi nhìn công sự nơi em trú là vết bom sâu hoắm. Sáng hôm sau bà con Đại Lãnh nói rằng đã tìm thấy Nguyễn Năm và chôn cất chu đáo. Sau giải phóng, khi cất bốc đưa vào nghĩa trang, cả nhà bật khóc khi thấy còn nguyên khẩu súng K54, thắt lưng và chiếc dù hoa bên hài cốt người anh hùng…
Nhắc đến tấm dù hoa, Đại tá Nguyễn Văn Điệu lặng đi: “Tôi nhớ lắm khi cùng anh về nhà thăm cha mẹ, rồi trở lại cứ trước khi ra Bắc học. Hai anh em ăn tô mỳ Quảng bà Kỷ, tại đây anh xé tấm dù hoa ra làm đôi, nhờ cô thợ may gần đó may lại để khỏi tưa. Anh quàng lên vai tôi: Em giữ một nửa, anh một nửa làm kỷ niệm ngày chia tay. Tấm dù ấy đã theo tôi suốt nhũng năm ở miền Bắc, chiến đấu Quảng trị, rồi Campuchia đến khi về nước”.
HỒNG VÂN