Tin đại thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ lan truyền mọi nơi. Khí thế cách mạng hừng hực trong tỉnh Quảng Nam, khắp vùng tự do khu 5... Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ta bắt sống hàng chục nghìn tù binh. Trong thế kỷ XX, chưa bao giờ thực dân Pháp thua thảm hại như vậy. Nhưng cũng thật đột ngột, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, hòa bình được vãn hồi mà đất nước phải chia đôi. Nhiều vùng đất ở miền Nam do ta làm chủ bây giờ lại giao cho giặc, rút hết lực lượng ra miền Bắc. Dân làng Tỉnh Thủy phải chứng kiến một cuộc chia ly lịch sử. Cán bộ, đảng viên tại địa phương lên thuyền, theo đường biển vào cảng Quy Nhơn, tập kết ra Bắc.
Ông Thẩm cùng một số người có trách nhiệm trong xã ở lại dàn xếp cho mọi người đi trước, ông là người đi sau cùng. Ông chưa kịp ra đi, giặc đã triển khai quân vào xâm chiếm một số vùng của Quảng Nam. Bọn phản động nằm giấu mặt tại chỗ trong chín năm kháng chiến bắt đầu ngóc đầu dậy, làm chỉ điểm cho bọn giặc và tay sai người Việt từ Đà Nẵng tràn vào. Bọn chúng sử dụng thành phần bất hảo, vô học thẳng tay bắt bớ, khủng bố những người kháng chiến ngay từ ngày đầu chiếm đóng. Một số đồng chí trong cấp ủy xã, huyện và đảng viên được phân công ở lại hoạt động đòi kẻ địch thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ rút vào hoạt động bí mật. Ông Thẩm không thuộc diện ở lại, chưa bắt nối liên lạc được với họ, phải ẩn trốn ngoài rừng thông, bờ dứa cả tháng trời. Đêm đến ông lén về nhà ăn vội miếng cơm bà Thẩm nấu để sẵn, sè sẹ hôn thằng Cát, con Liễu, bế thằng Dương một xíu rồi mất hút trong bóng tối. Ở xứ biển này trống trơn, trống trọi trốn ở đâu cho được, trước sau chi cũng bị chúng bắt thôi. Ông Thẩm quyết định phải tìm đường vào Quy Nhơn. Ông bàn với bà Thẩm dọn về ở với mẹ đẻ là bà Hương Dõng, nhờ bà ngoại trông các cháu mà làm ăn.
Bà Thẩm vừa nuôi thằng Dương đang bú, vừa chạy chợ chân không bén đất, vừa lo sợ cho ông Thẩm người gầy rạc đi. Bà đi bán mắm ở đoạn trên còn chứng kiến tận mắt những vụ tàn sát nhân dân của bọn tay sai Pháp ở chợ Cây Cốc, Tiên Phước; Chiên Đàn, Tam Kỳ. Đây đó chúng còn bắt thủ tiêu nhiều cán bộ, đảng viên chưa kịp lên đường tập kết. Ông Thẩm là người có chút ít trình độ, trong thời kỳ Việt Minh rất tích cực tham gia công tác. Bọn chúng mà bắt được ông, nhẹ thì cầm tù, nếu không, chết là cái chắc. Tính ông ấy lại nóng như lửa, bà sợ bị chúng bắt không kiềm chế được dễ bị sát hại. Số phận của ông lúc này là nghìn cân treo sợi tóc. Ông Thẩm nói với bà, ông ra Bắc hai năm sẽ trở về. Nhưng bọn chúng mới tới tiếp thu vùng đất này lập tức đàn áp, trả thù người kháng chiến cũ. Bà còn nghe bọn chúng nói “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Thực tế đó cho thấy tụi này quyết không thực hiện hiệp định, thiết lập chính quyền của chúng lâu dài trên đất này.
Không thể trốn tránh mãi được, Bốn Thẩm tính kế với vợ: “Trên Tam Kỳ, tôi có quen một Hoa kiều làm nghề thuốc bắc, ông ấy là người tốt. Tôi lên tá túc ở đó thời gian rồi tìm đường vào Quy Nhơn. Có thể tôi đi lâu dài đấy. Em ở nhà ráng nuôi ba đứa con khôn lớn, chờ anh về”.
Ông Thẩm ôm các con vào lòng, hôn lấy hôn để. Thằng Cát còn quá nhỏ chưa biết chi, tưởng ba đi đâu đó như mọi ngày, nó cười rần rật. Con Liễu đã sáu tuổi, nó cảm giác được chuyện nghiêm trọng khi nghe ba thì thầm với mẹ. Nó thấy mắt ba rưng rưng, mẹ thì nước mắt chảy ròng. Nó òa khóc! Bà Thẩm phải bụm miệng con nhỏ, sợ lộ.
Bọn chúng rình mò, theo dõi rất căng những gia đình kháng chiến cũ. Thằng cha Quảng ở chợ Kim Thành bên kia sông Trường Giang, hắn là dân đàng ngoài tản cư vào đây, có tham gia trong Mặt trận Việt Minh xã, là bạn của Bốn Thẩm hồi chín năm. Giặc tới nó nhảy ra bắt tay ngay. Nó cầm ba-ton, mang súng cạc-bin, suốt ngày sang gạ gẫm bà Triêm (mẹ Bốn Thẩm) kêu con về cộng tác với chính thể mới.
Hồi chín năm, bà Triêm coi đứa nào tham gia kháng chiến cũng như con mình. Thằng cha Quảng hay sang nhà, có con cá nào trồng trộng bà cũng kho cho hắn ăn. Bây giờ trở mặt chống Việt Minh, có nghĩa là chống mấy thằng con của bà. Trước mặt bà hắn cũng chưa đến nỗi quay mặt phủi đít. Hắn còn gọi bà bằng bác. Nhưng bằng kinh nghiệm cuộc đời, bà thấy tận tim đen của tên phản bội. Bởi đối với bà hắn còn chút nể mặt, vì nhớ chút cháo đường, chút cá chưa trôi khỏi họng. Còn dân chúng thì hắn xem như cỏ rác, cái hèo ba-ton trên tay luôn sẵn sàng quật xuống đầu họ. Đã sáu mươi tuổi đời, chứng kiến bao thời cuộc đổi thay, bà đã từng ngậm đắng, nuốt cay trước những kẻ trở mặt như trở bàn tay đó rồi. Nhưng bà cố ôn tồn với Quảng: “Bác biết con thương thằng Thẩm, nhưng sao không nói sơm sớm. Hắn đi mất rồi. Hắn còn ở nhà thì bác nghe con, níu hắn ở lại cho được. Nhà bác sinh năm thằng con trai mà bây giờ chẳng còn đứa nào ở nhà. Nay mai nằm xuống biết nhờ cậy ai đây”.
Nằm lại ở Tam Kỳ gần nửa tháng trời, trong tâm trí ông Thẩm diễn ra một cuộc đấu tranh rất gay gắt. Đi tập kết là ra hậu phương, cùng với nhân dân miền Bắc chuẩn bị lực lượng, điều kiện để đấu tranh tổng tuyển cử; được tự do; được học tập trang bị kiến thức để trở thành người cán bộ hiểu biết sâu rộng hơn của Đảng sau này. Không đi tập kết, ông được gần vợ, gần con, phụng dưỡng mẹ già... nhưng kẻ địch ắt hẳn không buông tha. Ông chọn đường ra Bắc…
Ông Thẩm tính, nếu đi dọc đường 1 khó mà lọt qua sự kiểm soát của địch. Lúc này địch đã vượt qua sông Vệ, tiến vào tiếp thu vùng nam Quảng Ngãi giáp ranh với Bình Định. Đường dài lắm, chúng rải quân nằm dày, không thể qua mắt tụi này được đâu. Ông Thẩm liên hệ với một số đồng chí, trong đó có người biết đường, chuẩn bị gạo, muối đầy đủ, thoát lên phía núi lần vào Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ. Đến An Lão, địa giới Bình Định ông mới hỏi đường xuống thị trấn Tam Quang. Ở đây, ông Thẩm gặp lại đồng đội, đồng chí rồi cùng nhau kéo bộ vào cảng Quy Nhơn. Trong đoàn đi có rất nhiều người không thuộc diện đi tập kết, thậm chí có cán bộ được phân công ở lại nằm vùng hoạt động cũng bỏ cơ sở lên đường tập kết. Bởi lẽ, phía ta thì chấp hành nghiêm chỉnh hiệp định, đấu tranh bất bạo động, đấu tranh bằng lý lẽ, trong tay không có vũ khí. Còn kẻ địch thì tha hồ dùng súng đạn và mọi thủ đoạn tàn bạo khác. Họ cũng nghĩ như ông Thẩm: “Nếu ở lại không trước thì sau cũng phải chết oan dưới bàn tay tàn bạo của kẻ thù”. Cảng Quy Nhơn, là địa điểm được quy định thời gian 300 ngày để phía ta tập trung chuyển quân ra Bắc. Cuộc sống ở đây hết sức sôi động. Cảnh người đến rồi đi hối hả trong sự chia ly.
Sau cả tháng nằm đợi, ông Thẩm lên tàu của Ba Lan vượt trùng dương tiến ra miền Bắc. Hầu hết mọi người lần đầu tiên đi dài ngày trên biển. Mặc dầu trời yên biển lặng nhưng người say sóng nằm la liệt. Bốn Thẩm là dân biển, sức tráng niên, quen sóng gió, ngày đêm lăn lộn chăm sóc những người yếu sức, say sóng.
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG