|
Bà Triêm kể cho bà Dõng nghe chuyện con dâu đã nói với mình: “Mới mấy hôm trước “quốc gia” bắt ông Đinh Hoanh, bí thư gì ở phía trên chợ Chiên Đàn kia. Oái ăm là do người trong họ và vợ ông phản bội chỉ điểm. Nghe nói ông ấy gan dạ lắm, chắc là không sống nổi. Trời ơi, còn việc này chắc chị biết. Bọn họ đã bắt ông Nguyễn Mai - Bí thư xã Tam Thanh, các ông Huỳnh Hạ, Lê Ý cũng bị bắt cả rồi. Mấy người đó nghe nói không đi tập kết, được phân công ở lại hoạt động bí mật đấy. Mấy ông đó cùng lớp tuổi với thằng Bốn nhà tui, đều là những người quan trọng của Việt Minh. Mấy người trung kiên tài giỏi đều rơi vào tay bọn Việt gian bán nước. Sự đời sao mà trớ trêu thế, vợ chồng đầu ấp tay gối mà lại chỉ cho giặc bắt, giặc giết. Ai mà làm thế được hả chị... Lúc nhà Thẩm kể chuyện, tôi nghe tức điên cả người, mấy người mình có súng lục cả mà không bắn, chỉ chạy nên bị nó bắt dễ òm. Tụi nó không thực hiện hiệp định đình chiến, còn mấy người mình lại nhất nhất tuân thủ. Trên đời ni lý sự chi cũng phải sòng phẳng chứ chúng nó chơi gian mà con cháu mình lại thật thà thì chúng nó nuốt sống cả. Nghĩ đi nghĩ lại mấy đứa con tui, con chị đi như là chim trời cá nước, mình trông nó như cánh nhạn cuối trời, nhưng còn đường sống. Mấy đứa ở lại tội quá!”.
Bà Triêm nói một thôi một hồi, bà Hương Dõng trầm ngâm lắng nghe đột nhiên ngắt lời: “Thôi, nguy rồi! Cái nhà Thẩm ni có thể ở trong đường dây nào đây nên biết được những chuyện như vậy. Ông Dõng mà biết thì cấm ngặt đấy. Lỡ bị chúng nó bắt thì bỏ con cho ai. Tình hình ni tôi coi bộ lâu dài lắm, khi tụi nó lớn lên chưa chắc đã thống nhất nước nhà được đâu. Như tôi, hồi kháng chiến chín năm có kém ai đâu, cũng là người dẫn đầu hội mẹ chị ở cái làng này. Yêu nước thì mình thua gì nhà Thẩm, tôi đẻ ra nó kia mà, nhưng phải tùy thời thế”. Bà Triêm chưa kịp tỏ bày chính kiến thì bà Dõng đứng dậy chào ra về: “Thôi tôi với chị cứ cùng can ngăn nhà Thẩm, chớ dại mà bỏ con không ai nuôi cho đâu. Thưa chị tôi về!”.
Ở làng chài này cũng như khắp mọi nơi trong xã, trong huyện, chính quyền “quốc gia” tảo thanh, phân loại, đàn áp các gia đình có dính dáng đến Việt Minh ngày càng ráo riết, khốc liệt. Chúng bắt nhốt hàng loạt đảng viên không trong diện tập kết. Dùng mọi thủ đoạn để họ ly khai Đảng. Mới chạng vạng đã nghe tiếng rao của ông Liên gia: “A lô! toàn dân hãy nghe đây: Tất cả đảng viên, người tình nghi, gia đình tập kết phải đến ngủ tập trung tại sân tiền hiền. Người nào không tuân thủ sẽ bị chính quyền trừng trị”. Thế là mỗi tối bà Thẩm phải bỏ con cho bà ngoại, vác chiếu đến sân đến đình ngủ chung với hàng chục phụ nữ có chồng tập kết.
Bọn chúng vừa đàn áp vừa mua chuộc cả năm trời, cái làng kháng chiến trung kiên này cũng đã có nhiều người dao động cầu an. Vì họ cho rằng không thể làm được gì hơn. Tệ hơn là xuất hiện một vài người phản bội. Ông Lồng hồi kháng chiến chín năm là đảng viên, sau khi tập kết ông ở lại cùng tổ chức vận động lấy chữ ký của nhân dân đòi hiệp thương, đòi địch thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, đột nhiên dẫn địch ra một cái khum chứa lưới quác ngoài bãi biển bắt ông Huệ, cán bộ nằm vùng đang ẩn nấp tại đó. Tiếp đến ông chỉ điểm bắt rất nhiều người của ta đang sống “hợp pháp” công khai trong làng. Cơ sở tại làng, tại xã bể vỡ, cảnh tù tội, đánh đập diễn ra tràn lan. Chính quyền “quốc gia” mới thành lập, người trong làng trong xã bị bắt quá nhiều, không nhốt ở đâu cho hết nên họ lấy nơi thờ tiền hiền, đình làng làm nơi khai thác, đánh đập những người kháng chiến và dân chúng.
Sự o ép, vây hãm của kẻ ác đối với bà Thẩm và những phụ nữ khác có chồng tập kết ngày càng dữ dội. Ông Hương Dõng luôn nhắc con gái: “Cha mẹ già rồi, các ông “quốc gia” không để ý làm chi. Con thì nhất cử, nhất động họ theo dõi cả. Bây phải sống mềm như nước thôi. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Yên thân nuôi con”. Bà Thẩm cũng đã xác định, dù như thế nào cũng ở vậy nuôi con. Đối với bà hiện giờ, chung thủy với chồng, nuôi con khôn lớn là đồng nghĩa với không phản bội Việt Minh, là góp phần giữ vững phong trào cách mạng. Bởi ngoài việc sử dụng vũ lực để loại trừ những người kháng chiến, kẻ địch còn muốn cắt đứt tất cả mạch nối tình cảm lâu bền trong dân đối với cuộc kháng chiến chín năm. Họ phải đánh cho tan nát ý chí của cán bộ trung kiên đồng thời với việc bóc sạch những mối quan hệ ruột thịt, mầm mống cách mạng đang tồn tại giữa lòng dân. Trước tiên, họ phải phải ly gián cho được gia đình cộng sản. Trong hoàn cảnh ấy, giữ được gia đình, nuôi được các con khôn lớn, hướng chúng nó theo cha là bà đã làm được việc có lợi cho cách mạng sau này.
Đất nước phân chia, gia đình ly tán, thời gian nặng nề trôi, không khí ngột ngạt bao trùm dài lâu trên cái làng chài Tỉnh Thủy và cả hai gia đình nội ngoại của bà Thẩm. Ông bà Hương Dõng, bà Triêm qua đời trong tuổi già vắng bóng các con trai. Thế rồi cũng có một ngày lịch sử diễn ra đúng như cái lẽ thường tình mà hai bà già nông dân đã quá cố kia nhìn thấy từ trước. Năm 1960 nhân dân miền Nam đứng lên cầm vũ khí đấu tranh thống nhất nước nhà. Năm 1964, quân giải phóng về làng chài Tỉnh Thủy, thằng Cát, con Liễu chưa đủ lớn đã gia nhập vào đội quân cách mạng. Vài năm sau, thằng Dương tiếp bước cha anh đi về phía chiến khu tham gia chiến đấu. Những người thân của bà Thẩm đi tập kết đều trở lại chiến trường miền Nam. Gia đình bà Thẩm vắt sạch người cho kháng chiến.
Đất nước thống nhất gần bốn mươi năm rồi, bà Thẩm đã đến tuổi chín mươi, nhưng vết đau chia cắt, vết đau của chiến tranh vẫn luôn hằn in nơi sâu thẳm tâm trí. Cuộc kháng chiến chống Mỹ để thống nhất nước nhà quả thật vô cùng khốc liệt. Cái làng chài Tỉnh Thủy của bà nhỏ, hẹp như cái tay áo mà phải hứng không biết bao nhiêu tấn bom đạn; nam thanh nữ tú của làng ra đi kháng chiến chẳng còn mấy người trở về. Riêng cuộc chiến này, làng Tỉnh Thủy đã có 285 liệt sĩ. Gia đình nội ngoại của bà Thẩm hy sinh gần hết, may mà còn sót lại cho bà thằng Cát, con Liễu.
Bây giờ những người mẹ, người vợ như bà Thẩm, những người của một gia đình kháng chiến, của một làng kháng chiến như ông Cát, bà Liễu đã thấm đến tận máu xương giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Nhưng bà Thẩm nhìn mấy đứa cháu nội, ngoại vẫn thường lo và hay hỏi ông Cát, bà Liễu: “Không biết các thế hệ cháu chắt của tau có ra trận nữa không bay. Như cái Hiệp định Giơ-ne-vơ đó, lòng người khó lường, tau sợ nhất là sự phản trắc”.
Truyện ký của PHẠM THÔNG