Chuyện một tộc họ Cơ Tu - Kỳ 1: Chống Pháp, giữ làng

BHƠRIU QUÂN 23/09/2019 10:53

Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau ngày đất nước thống nhất, ở vùng núi Quảng Nam có một tộc họ dân tộc Cơ Tu được khắp nơi biết đến bởi tinh thần đoàn kết cao, ý chí đánh giặc kiên cường; nhiều người trong tộc họ tham gia cán bộ, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các phong trào. Đó là tộc họ Bhơriu hiện diện nhiều nơi trên mảnh đất huyện Tây Giang, Đông Giang và rải rác ở huyện Nam Giang.

Cụ bà Bhơnướch Thị Bhươi (95 tuổi, vợ ông Bhơriu Bhang) bên cái khiêng được chồng giao giữ gìn như vật báu của tộc họ Bhơriu. Ảnh: BHƠRIU QUÂN
Cụ bà Bhơnướch Thị Bhươi (95 tuổi, vợ ông Bhơriu Bhang) bên cái khiêng được chồng giao giữ gìn như vật báu của tộc họ Bhơriu. Ảnh: BHƠRIU QUÂN

KỲ 1: CHỐNG PHÁP, GIỮ LÀNG

Sau khi đặt chân lên vùng cao tây bắc Quảng Nam và lập bộ máy chính quyền cơ sở, âm mưu “dùng người Cơ Tu trị người Cơ Tu” của thực dân Pháp ngay từ đầu đã thất bại.

Đoàn kết chống Pháp

Sau khi xâm chiếm nước ta, năm 1904 Pháp thành lập đồn An Điềm do Kieffer làm đồn trưởng trực tiếp chỉ huy quân bản xứ. Cuối năm 1936, Công sứ Quảng Nam xóa bỏ đồn An Điềm, xây dựng đồn Bến Hiên sát địa bàn cư trú của đồng bào Cơ Tu để dễ thu thuế lâm sản, kiểm soát việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, cũng là để kịp thời đàn áp, khủng bố, dập tắt các cuộc nổi dậy của đồng bào. Tháng Giêng năm 1937, một đội quân Pháp tiến đến làng Atép của xã Bha Lêê (huyện Tây Giang) rồi lên đầu nguồn sông A Vương lập đồn Sa Mơ tại đất Achia thuộc xã Lăng (người Cơ Tu gọi đồn Zơ Mớ) do ông Le Pichon làm đồn trưởng, nhằm thuận lợi cho việc tiếp cận và quản lý người Cơ Tu vùng cao.

Sau khi thành lập đồn Sa Mơ, để mua chuộc nhân dân các dân tộc vùng núi Hiên Giằng (tức 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang ngày nay), Pháp tổ chức lễ “gương yên”(gr’hoot/cam kết) tại thôn Bha Ơr, Zơ Mớ (nay thuộc xã Lăng). Ông Bhơriu Bhin được chọn đại diện cầm giáo đâm trâu. Khi khấn trâu bằng tiếng Cơ Tu theo phương thức nói lý, ông Bhơriu Bhin đã truyền đạt cho dân làng 3 vùng sẽ cùng nhau đoàn kết chống Pháp… Năm 1940, khi quân Pháp ở đồn Sa Mơ thành lập bộ máy chính quyền cơ sở, ép buộc ông Bhơriu Tâm và Bhơriu Bhin ra làm Xã làng, các ông không quy thuận mà đứng về phía nhân dân và vận động nhân dân đánh Pháp. Do đó, âm mưu “dùng người Cơ Tu trị người Cơ Tu” của thực dân Pháp ngay từ đầu đã thất bại.

Tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp. Ở miền núi Quảng Nam, quân Nhật thu các đồn của Pháp, khoảng 40 - 50 tên lính Pháp chạy lên vùng đất A Tiêng, tìm đường sang Lào. Do lương thực mang theo không đủ, bọn tàn quân Pháp đã vào các làng uy hiếp và cướp bóc lương thực, thực phẩm… của đồng bào làng Zơ Mớ. Chúng bắt đồng bào đi chỉ đường và gùi cõng hàng hóa. Trong tình hình đó, với lòng căm thù giặc sâu sắc và nhằm bảo vệ cuộc sống, bảo vệ núi rừng, phong trào đánh Pháp của đồng bào Cơ Tu nơi đây nổ ra mạnh mẽ. Hai anh em Bhơriu Tâm và Bhơriu Bhin huy động các con phục kích đánh lính Pháp đang hành quân qua Lào tại Ki’câu, giết chết 4 tên, truy giết 2 tên và làm bị thương 2 tên tại T’coong, 3 tên tại Axăng (thôn Voòng), giúp thanh niên thôn Pơr’ning đâm chết 4 tên, bị thương 5 tên, thu 7 khẩu súng và hàng trăm viên đạn; sau đó trực tiếp đem số vũ khí xuống trao cho Mặt trận Việt Minh tại huyện Đại Lộc… Trong thời gian này, anh em tộc họ Bhơriu cùng với quân và dân các xã Tr’Hy, Ch’Ơm còn sang Lào giúp bạn đánh Pháp tại thôn Da’dụp, bao vây, cô lập địch và giải thoát nhân dân thôn Da’dụp, bắn tỉa giặc bằng tên thuốc độc, cắt nguồn nước sinh hoạt… làm cho quân Pháp phải rút chạy.

Vào khoảng tháng 7.1945, ông Bhơriu Tâm và Bhơriu Bhin cùng các con và nhân dân xã A Tiêng tổ chức đánh đốt đồn Zơ Mớ (xã A Tiêng), giết chết tên chỉ huy Prô-xông ngay tại trận và thu vũ khí. Đây là trận đánh dùng vũ khí thô sơ, tự tạo, nhưng có tổ chức theo sự lãnh đạo của già làng, người có uy tín và biết liên kết cùng phối hợp với các làng khác để đón đánh địch… Những trận đánh này, tuy chưa tiếp thu ảnh hưởng trực tiếp của Đảng và sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh nhưng qua thực tế đánh Pháp, nhân dân A Tiêng đã góp phần xứng đáng vào cao trào cứu quốc và khởi nghĩa từng phần, tiến tới giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Một lòng cho cách mạng

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, từ ngày 25 đến 26 tháng 8.1945, anh em Bhơriu Tâm và Bhơriu Bhin cùng các con là Bhơriu Bhuông, Bhơriu Bhắh, Bhơriu Abul được cử làm đại diện xuống Đại Lộc tham gia đoàn biểu tình biểu dương lực lượng đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng. Tại Đầu Gò (thuộc xã Đại Sơn, Đại Lộc), hơn 200 người trong trang phục địa phương, đội ngũ chỉnh tề, mang khiêng đao, giáo dụ đi nối tiếp nhau theo cờ đỏ sao vàng qua Hà Nha, Ái Nghĩa, Quảng Huế, rồi về cơ quan huyện Đại Lộc. Sau đợt biểu dương lực lượng, đoàn vùng Hiên được thưởng 1 lá cờ Tổ quốc, 1 tấm ảnh Bác Hồ in trên vải, 17 con trâu, 20 thùng muối, 1 lưỡi kiếm dài 1m, 1 tấm khiêng và 200m vải khố. Lần đầu tiên hình ảnh Bác Hồ được những người trong tộc họ Bhơriu nhìn thấy và nghe kể về Người tường tận, từ đó chân dung Bác Hồ được các ông rước về đến với đồng bào vùng Cơ Tu Tây Giang. Lưỡi kiếm và tấm khiên hiện vẫn được con cháu tộc họ Bhơriu lưu giữ cẩn thận.

Tháng 3.1949, đoàn cán bộ xây dựng vùng Hiên tổ chức xuống các thôn Zơ Mớ, Cr’véh, Bha Ơr (thuộc xã Lăng, Tây Giang ngày nay) để vận động đồng bào đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất, tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, về Bác Hồ và xây dựng chính quyền thôn, xã. Đến cuối năm 1949, chính quyền các xã, thôn trong vùng được thành lập, tại Zơ Mớ nhân dân bầu Bhơriu Tâm làm Trưởng làng và già làng thôn. Nhưng với Pháp, ông Bhơriu Tâm vẫn là Xã làng theo bộ máy chúng đặt ra, ép ông đứng ra làm để cai quản phục vụ chúng tại vùng khu 7.

Cuối năm 1953, ở các xã vùng cao, dù không xảy ra nạn thiếu đói như vùng thấp nhưng lại diễn ra tình trạng thiếu muối, lạt muối, ở xã A Tiêng bấy giờ cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Sau khi đi vào các thôn nắm tình hình, ông Bhơriu Bhuông cùng em trai là Bhơriu Bhắh tức tốc chạy xuống Cột Bườm (xã Kà Dăng) báo cáo tình hình và chờ thanh niên các làng xuống nhận muối về phân phối cho đồng bào. Từ đó chấm dứt được nạn lạt muối kéo dài triền miên tại vùng cao, niềm tin của người dân với cách mạng được nâng lên, tạo thuận lợi cho các cuộc vận động cách mạng về lâu dài.

Trước tình hình “giặc mùa” xảy ra trong các vùng miền, tháng 4.1954, đại hội đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng được tổ chức tại xã Kà Dăng. Xã A Tiêng bấy giờ có ông Bhơriu Bhin và ba anh em ruột là Bhơriu Bhuông, Bhơriu Bhắh, Bhơriu Bhang cùng tham gia. Trước đại hội, ông Bhơriu Bhin đã phát biểu ý kiến, nêu quan điểm chung vùng Tây Giang không giải quyết các mâu thuẫn bằng nạn “giặc mùa”, khắp nơi tổ chức lễ ăn thề đoàn kết, xóa bỏ “giặc mùa”, đi theo chủ trương đúng của Đảng và Bác Hồ.

Sau 9 năm chống Pháp, người Cơ Tu Tây Giang đã nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, những người có vai trò lớn trong xã, thôn đều nêu gương đi đầu, gánh vác tốt trọng trách Đảng và nhân dân giao phó. Trước những lời lẽ mua chuộc của thực dân Pháp, nhiều người con Cơ Tu ngoan cường như các ông Bhơriu Tưa, Bhơriu Tâm, Bhơriu Bhin, Bhơriu Bhuông, Bhơriu Bhắh, Bhơriu Bhang, Bhơriu Abul,… đã đứng lên chống thực dân Pháp thắng lợi, xóa bỏ vĩnh viễn sự tồn tại của chúng tại mảnh đất Zơ Mớ nói riêng và vùng Tây Giang nói chung.

______

Kỳ 2: Góp công đánh Mỹ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện một tộc họ Cơ Tu - Kỳ 1: Chống Pháp, giữ làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO