Chuyện một tộc họ Cơ Tu - Kỳ 2: Góp công đánh Mỹ

BHƠRIU QUÂN 24/09/2019 11:06

Sau khi xóa bỏ sự chiếm đóng của thực dân Pháp tại Zơ Mớ và các vùng lân cận trên địa bàn huyện Tây Giang, đồng bào Cơ Tu nơi đây lại gồng mình chống chọi với đế quốc Mỹ và tay sai. Trước chủ trương đúng đắn và kịp thời của những cán bộ nằm vùng thời chống Pháp, đồng bào Cơ Tu kịp thời chuẩn bị tư tưởng, trang bị vật chất sẵn sàng cho cuộc kháng chiến mới đầy thử thách, hy sinh.

Cụ bà Bhơnướch Thị Bhươi (95 tuổi, con dâu tộc họ Bhơriu) xúc động kể cho con cháu chuyện của tộc họ Bhơriu qua hình ảnh từ cuốn sách “Những kẻ săn máu” của Le Pichon. Ảnh: BHƠRIU QUÂN
Cụ bà Bhơnướch Thị Bhươi (95 tuổi, con dâu tộc họ Bhơriu) xúc động kể cho con cháu chuyện của tộc họ Bhơriu qua hình ảnh từ cuốn sách “Những kẻ săn máu” của Le Pichon. Ảnh: BHƠRIU QUÂN

Đùm bọc cán bộ

Thực hiện chủ trương chung của Khu ủy khu 5 và Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam, trong năm 1954 ông Bhơriu Bhin dù tuổi cao sức yếu vẫn động viên con cháu đẩy mạnh sản xuất trồng hoa màu chống đói, xây dựng tổ sản xuất vòng công, đổi công trong nhân dân, khai thác nà thổ cạnh bờ sông A Vương, suối Tr’lêê, suối T’viêng để làm ruộng. Từ đó, người dân ở vùng A Tiêng đã tự cung tự cấp được gạo ăn, hỗ trợ kịp thời cho cán bộ bám làng xây dựng cơ sở vững mạnh.

Trước tình hình Mỹ - Diệm lùng lội càn quét, cử tề điệp lên, khủng bố cán bộ cách mạng, từ năm 1956 đến 1959 nhiều hộ đồng bào Cơ Tu đã bí mật nhận nuôi giấu, đùm bọc che chở, bảo vệ cán bộ từ đồng bằng lên. Ở hộ gia đình tộc Bhơriu có các ông Trịnh Trâm (Conh Aplo), Lê Ngại (Conh Ngơn), Phạm Luận (Conh Gr’liêng), Trương Me… trực tiếp hóa thân, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cưa răng căng tai như đồng bào Cơ Tu để tuyên truyền chủ trương của cách mạng, của Bác Hồ đến với đồng bào.

Năm 1963, địch luôn dùng máy bay trực thăng do thám địa bàn xã A Tiêng, thả nhiều tốp biệt kích trong rừng sâu để tìm nơi cán bộ, nhân dân ta trú ẩn, hòng tiêu diệt. Chúng chọn Nà Ahu (thuộc thôn Ahu, xã A Tiêng) để đổ quân, tìm diệt lực lượng ta. Nà Ahu là vùng có đường mòn hành lang Nam - Bắc chạy qua, có nhiều kho tàng vũ khí, hàng hóa và là nơi đóng quân của lực lượng vũ trang nhân dân địa phương. 

Chiến công Nà Ahu

Từ 26.6 đến 28.7.1963, Mỹ - ngụy dùng 31 máy bay lên thẳng, có 5 máy bay khu trục và 2 máy bay trinh sát hộ tống, dẫn đường, mở cuộc hành quân đổ bộ xuống Nà Ahu để cắt đứt hành lang Nam - Bắc của ta, cướp kho tàng, đồng thời giải thoát số ngụy quân, ngụy quyền đang bị ta giam giữ. Liên tục trong một tháng, địch trút xuống Nà Ahu hàng nghìn tấn bom nhằm hỗ trợ cho quân đổ bộ, tiêu hao sinh lực, uy hiếp tinh thần ta… Lúc này, trong tộc họ Bhơriu có các ông Bhơriu Abul, Bhơriu Bhứ (Zoonh), Bhơriu Prăm trực tiếp chỉ đạo và tham gia đánh địch. Quân ta bám sát trận địa, lợi dụng địa hình phục kích đánh địch đạt hiệu quả cao, chúng ta vừa đánh địch vừa đào công sự để bảo toàn lực lượng, vừa dựa vào địa đạo, hầm hố tránh bom, tránh địch, săn hạ máy bay. Trong trận thắng đầu tiên, ta đã bắn rơi tại chỗ 5 chiếc máy bay lên thẳng, bắn bị thương một số chiếc khác, hạ hơn 100 tên địch, thu nhiều quân trang, quân dụng, diệt một tên thiếu tá chỉ huy cuộc hành quân.

Ngày 2.8.1963, địch mở cuộc hành quân lớn khác vào Nà Ahu, mang tên “Lam Sơn 2”. Chúng tổ chức phối hợp với các lực lượng, dùng máy bay lên thẳng chở quân đổ bộ, chia làm các cánh hành quân vào Nà Ahu. Để đối phó với địch, ông Bhơriu Bhứ củng cố lực lượng, chia về các địa phương làm nòng cốt cùng dân quân, du kích bám đánh địch; vận động các thôn tham gia đánh địch, trong đó phụ nữ, trẻ em, người già cắm chông đặt bẫy, tiếp lương, thanh niên, thiếu niên theo bộ đội, du kích đánh giặc. Phong trào toàn dân đánh địch, lập công diễn ra sôi nổi trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã A Tiêng lúc bấy giờ.

Khi địch vừa đến A Tiêng thì lọt vào tuyến chông, thò bố phòng dày 500m của ta. Chúng không sao qua được, một số lính sập chông, thò bị thương. Chúng phải cắm quân tại chỗ trong 3 ngày, không dám tiến lên đánh chiếm vùng khác. Qua ngày thứ tư, cánh quân này phải tìm đường khác hành quân rút về căn cứ huyện Hiên. Khi rút đi chúng còn để lại tấm biển báo cho các cánh quân khác lưu ý “Khu vực này nguy hiểm”. Liên tục trong 62 ngày đêm chiến đấu, quân và dân A Tiêng cùng bộ đội diệt, làm bị thương 420 tên địch, bắn rơi nhiều máy bay, đập nát ý đồ quyết chiếm Nà Ahu của Mỹ - ngụy. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt này, nổi lên những tấm gương hy sinh anh dũng như Bhơriu Zoonh (Cónh Blai, con trai út của ông Bhơriu Bhin) - Xã Đội trưởng xã A Tiêng, chỉ huy du kích bám đánh địch suốt đợt chống càn; bà Bhơriu Thị Bơu (Căn Him), một cán bộ phụ nữ nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm, lúc làm liên lạc chẳng may bị địch bắt tra tấn dã man, song không hề khai báo và đã hy sinh anh dũng tại suối Crol (thôn Ra Bhướp), sau này được công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cùng đến ngày toàn thắng

Không thể đổ quân chiếm đóng, từ năm 1966 - 1968, Mỹ - ngụy cho máy bay liên tục rải chất độc hóa học xuống các xã của huyện Tây Giang làm sắn, khoai thối củ, chuối héo cây... Trước tình hình đó, để kịp thời cứu đói, Bhơriu Abul đứng ra vận động các xã Ch’Ơm, Tr’Hy, Bha Lêê cứu trợ hàng trăm ang sắn khô, bắp cho các xã bị thiệt hại, đồng thời vận động nhân dân tăng gia sản xuất trong hộ gia đình. Tháng 9.1969, thực hiện chủ trương của Đặc Khu ủy Quảng Đà, 2.000 đồng bào huyện Đông Giang lên sơ tán tại huyện Tây Giang, đông nhất là tại xã A Tiêng. Thôn Bhơ Hôồng (lúc bấy giờ thuộc xã A Tiêng) năm đó nườm nượp người ra vào, cán bộ tỉnh, huyện được bố trí khắp nhà để chỉ đạo việc tiếp nhận đồng bào từ Đông Giang lên. Thôn Bhơ Hôồng - nơi nuôi giấu nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện, tỉnh và cả Khu 5 bấy giờ - được các vùng khác biết đến là vùng đất có nhiều cán bộ mang họ Bhơriu trưởng thành phục vụ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Có lẽ vì thế mà tháng 7.1971, Đảng bộ huyện Tây Giang đã chọn thôn Bhơ Hôồng để tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ V.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Huyện ủy Tây Giang, tháng 7.1974, ông Bhơriu Brây khi đó là Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng đã chỉ đạo các thôn huy động lực lượng tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược từ đường Hồ Chí Minh, K13 cho bộ đội đánh địch trong trận đánh căn cứ Thượng Đức (Đại Lộc), góp phần giải phóng quận lỵ Thượng Đức vào đầu tháng 8.1974. Sau đó, ông Bhơriu  Brây cùng với cha Bhơriu Abul, chú Bhơriu Bhứ và em Bhơriu Danh tiếp tục về các thôn tổng động viên nhân lực tham gia chiến dịch tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, hàng trăm dân công tham gia gùi cõng, mở đường Thắng Lợi từ P’rao đến dốc Kiền để đưa xe, súng, pháo và một cánh quân của ta tiến vào giải phóng Đà Nẵng.

---------------

Kỳ cuối: Tiếp nối truyền thống

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện một tộc họ Cơ Tu - Kỳ 2: Góp công đánh Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO