Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án: Hiệu ứng từ dự án thủy điện và đô thị

TRẦN HỮU 15/03/2021 06:06

Tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa IX, khai mạc vào ngày mai 16.3, sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó xem xét thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với hai dự án nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 và đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị Cồn Tiến.Hai dự án nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 và đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị Cồn Tiến được kỳ vọng khi đưa vào khai thác, sẽ đem lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 chờ tích nước phát điện. Ảnh: H.P
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 chờ tích nước phát điện. Ảnh: H.P

 Chỉ chuyển đổi đất rừng trồng

Tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa IX, khai mạc vào ngày mai 16.3, sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó xem xét thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với dự án nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 nằm trên địa bàn 2 huyện Tiên Phước và Hiệp Đức. Đến nay, dự án đã cơ bản xong các hạng mục xây lắp, đầu tư hạ tầng, chờ tích nước phát điện. Nhưng, nhà máy muốn đưa vào vận hành phát điện, theo luật định phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.

Sở NN&PTNT thông tin, tổng diện tích thực hiện dự án hơn 434ha. Trong số này, đáng lưu ý diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 4 là 33,7ha với loại rừng trồng, chức năng sản xuất. Chủ đầu tư đã tiến hành bồi thường một số diện tích có hiện trạng là đất nương rẫy cũ, trồng cây lâu năm, một phần diện tích rừng trồng của người dân để tập kết các phương tiện và thi công. Phần diện tích rừng trồng còn lại trên thực tế thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp với diện tích gần 7ha. Hiện rừng keo trồng trên diện tích này đã được người dân thu hoạch.

Diện tích thực tế chỉ gần 7ha, nhưng vì sao UBND tỉnh khi lập tờ trình đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng thủy điện với diện tích hơn 33,7ha? Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam - ông Lê Tự Tuấn giải thích, sở dĩ con số xin chuyển đổi mục đích lớn hơn thực tế là vì chiếu theo quy định tại Nghị định số 83 ngày 15.7.2020 của Chính phủ. Theo đó, các diện tích trước đây dù đã thu hồi, bồi thường nhưng khi áp dụng Nghị định số 83 đều phải “hồi tố” chuyển đổi lại mục đích sử dụng rừng.

“Đối với diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi dự án, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Sở NN&PTNT sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi dự án trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030” - ông Tuấn cho biết.

Về hiệu quả dự án, chủ đầu tư đánh giá, nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 sẽ tạo ra hồ chứa có dung tích hữu ích hơn 3,3 triệu mét khối, góp phần tăng nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp vào mùa kiệt và tạo cảnh quan phục vụ du lịch. Cầu giao thông trên đỉnh đập với làn đường xe cơ giới nối hai bờ sông, góp phần thúc đẩy, phát triển dân sinh, kinh tế hai bờ sông Tranh. Đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp điện cho các thôn, xã miền núi của tỉnh và hòa vào lưới điện quốc gia. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, tinh thần chung của lãnh đạo tỉnh là ủng hộ dự án hoàn tất thủ tục pháp lý để sớm đưa vào phát điện.

Phát triển cảnh quan sinh thái đô thị

Dự án khu đô thị Cồn Tiến tại xã Cẩm Thanh (Hội An) do Công ty CP Đạt Phương làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 31ha, là một trong 4 dự án được HĐND tỉnh, UBND tỉnh thống nhất giao để hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng cầu Km0+317 trên đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hình thức BT).

Tổng diện tích rừng phòng hộ có trong ranh giới dự án hơn 3,4ha. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ tập trung hơn 2,2ha; diện tích rừng và đất lâm nghiệp xin chuyển đổi hơn 1,2ha. Đây là dự án được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ qua các năm 2017, 2018, 2019 và năm 2020.

Đầu năm 2020, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục các dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ. Đến nay UBND tỉnh đã giao đất 2 đợt cho chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 18,3ha; còn khoảng 10ha chưa được giao đất, trong số này còn 4ha vướng giải phóng mặt bằng đất nuôi trồng thủy sản và đất ở. Nhiều ý kiến đề nghị, khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng cần nghiêm túc thực hiện trồng bù rừng thay thế, đánh giá toàn diện tác động của dự án.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đạt Phương Hội An cho biết, sau khi hình thành, Cồn Tiến sẽ tạo lập một khu đô thị đồng bộ, hiện đại với chức năng phục vụ cư trú, du lịch, thương mại - dịch vụ, tổ chức các hoạt động văn hóa và vui chơi giải trí của khu vực.

“Chúng tôi sẽ phát triển mạnh loại hình kinh tế đêm, tăng cường hệ thống kết cấu giao thông trong khu vực và tạo ra quần thể cảnh quan cho toàn khu vực, đáp ứng nhu cầu về thương mại, dịch vụ và vui chơi giải trí cao cấp” - ông Hùng nói về tính lan tỏa của dự án.

Theo chủ đầu tư, diện tích rừng dừa bị thu hồi của dự án nằm phân tán ở một số khu vực do người dân trồng tự phát quanh các ao tôm. Với diện tích này, sau khi có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, công ty sẽ tổ chức trồng bù rừng thay thế. Công ty giữ nguyên cảnh quan tự nhiên và phục hồi hệ sinh thái.

Tại buổi kiểm tra thực địa và làm việc với Công ty CP Đạt Phương Hội An mới đây, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh cho rằng, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất của dự án đô thị Cồn Tiến phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời lưu ý công ty cần bảo tồn cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái, quy hoạch hợp lý đai rừng; bố trí quy hoạch nhà ở xã hội và trồng dừa thay thế, không được tác động dòng chảy tự nhiên của sông.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án: Hiệu ứng từ dự án thủy điện và đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO