Chuyện ngành y và Covid

XUÂN HIỀN - ÁNH MINH 01/01/2021 05:49

“Trong thảm họa, những điều tốt lành vẫn lấp lánh”. Giữa thời đoạn mà lịch sử nhân loại sẽ ghi nhớ một năm 2020 với đầy những điều lạ lùng, mất mát, người ta vẫn thấy trong đó những niềm tin về sự an bình.

Đội ngũ y tế đã căng mình trong những lúc cao điểm dịch bệnh để giữ sự an toàn cho cộng đồng trong khả năng có thể. Ảnh: HIỀN MINH
Đội ngũ y tế đã căng mình trong những lúc cao điểm dịch bệnh để giữ sự an toàn cho cộng đồng trong khả năng có thể. Ảnh: HIỀN MINH

"Đại dịch Covid-19" - từ khóa gần như phủ sóng trong suốt một năm qua. Nhiều bài học về kiểm soát dịch bệnh được vỡ vạc. Những ứng xử với y tế cộng đồng cần phải được nhìn lại thấu suốt.

Vào "vùng đỏ"

Chưa bao giờ, đội ngũ y bác sĩ lại trở thành một “phòng tuyến” quan trọng như trong năm 2020. Họ trở thành những người ở tuyến đầu chống dịch, trải qua những tình huống căng thẳng nhất, thậm chí có cả những hy sinh. Hơn 2 tháng, cùng với TP.Đà Nẵng, Quảng Nam trở thành tâm điểm của cả nước. Phong tỏa, cách ly. Đối với y bác sĩ, có lẽ chưa bao giờ họ ở trạng thái cân não như vậy. Mọi quyết định, thao tác, quy trình… gần như đòi hỏi phải ở mức chính xác tuyệt đối.

Ngày 1.8.2020, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (Núi Thành) được Bộ Y tế quyết định là bệnh viện điều trị cho bệnh nhân dương tính trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Nhận nhiệm vụ vào “vùng đỏ” - tức khu vực điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Lê Tấn Ninh, người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân dương tính với SAR-CoV-2 tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện chỉ kịp về nhà báo cho vợ biết và lấy vội vài bộ đồ, một số vật dụng cá nhân, rồi đi. Bác sĩ Ninh là một trong số 149 y bác sĩ của bệnh viện trực tiếp tác chiến ở "vùng đỏ".

Bác sĩ Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, có nhiều y bác sĩ đã ở suốt 2 tháng tại khu vực điều trị đặc biệt. Khi phải ở lại bệnh viện cách ly để theo dõi và điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19, họ buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình về phòng chống lây nhiễm. Trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, thêm 2 lớp kính, mọi sinh hoạt cá nhân rất khó khăn. Thậm chí, nhiều nữ điều dưỡng phải cắt bỏ mái tóc dài để tiện cho việc mặc đồ bảo hộ. Rất nhiều những hạnh phúc riêng tư phải tạm gác lại.

Trao quyết định công nhận khỏi bệnh cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: H.M
Trao quyết định công nhận khỏi bệnh cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: H.M

Ở cánh phía bắc của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam với Phòng khám Đa khoa khu vực Điện Nam - Điện Ngọc được chỉ định để điều trị bệnh nhân Covid. Nữ điều dưỡng Tuyết Nhi khiến nhiều người ngỡ ngàng khi quyết định hủy ngày kết hôn để đăng ký tham gia vào khu điều trị bệnh nhân dương tính SAR-CoV-2. Sau đợt cao điểm chống dịch hồi tháng 8, mới đây, Tuyết Nhi đã tổ chức lễ cưới. Cho đến bây giờ, khi Quảng Nam đã có kinh nghiệm trong câu chuyện ứng phó với dịch bệnh, nữ điều dưỡng Tuyết Nhi vẫn nói: “Nếu dịch bùng phát trở lại, mình vẫn hành động như đã từng, sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu”.

Đội cơ động phản ứng nhanh

Cùng với những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19, một đội ngũ khác trong vai trò phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm đồng thời được triển khai ngay trong cao điểm dịch bệnh.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, trong 2 đợt dịch Covid-19, CDC Quảng Nam đã thành lập 10 đội cơ động phản ứng nhanh từ nhân lực chính là đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm của trung tâm. Họ được gọi là đội đặc nhiệm của CDC khi nhiệm vụ chính là xử lý môi trường, lấy mẫu bệnh phẩm tại các tâm dịch.

Bác sĩ Lê Anh Nhật - Đội trưởng Đội cơ động phản ứng nhanh số 4 cho biết: “Một ngày làm việc của đội liên tục từ sáng đến tối, giữa trưa chỉ có hơn nửa tiếng đồng hồ nghỉ ngơi để ăn cơm. Khi mặc bảo hộ, nước cũng không dám uống vì phải hạn chế đi vệ sinh. Cường độ làm việc nhiều, thời tiết nắng nóng, nhưng ai cũng cố gắng hết mình vì mong “cuộc đua” truy vết F sớm về đích".

Ở những “điểm nóng” về dịch bệnh, số lượng F1 xuất hiện càng nhiều, việc lấy mẫu bệnh phẩm đòi hỏi phải tăng tốc. Lúc này, sự hỗ trợ của lực lượng tình nguyện có chuyên môn ở các địa phương hết sức cần thiết. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Quảng Nam, sự tham gia của đội tình nguyện bao gồm sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam và nhiều tỉnh thành khác đã góp phần kiểm soát dịch ngay lúc cao điểm.

Võ Thị Ánh Ngọc (đến từ huyện Thăng Bình) cho biết, đã cố thuyết phục ba mẹ cho mình được tham gia đội tình nguyện. "Bản thân cũng có phần lo lắng vì xác định tham gia là phải tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, nếu mình không vượt qua được, chứng tỏ đã chọn sai nghề. Có lẽ đây là trường học thực tế quý giá nhất cho ngành y mình theo học" - Ánh Ngọc nói.

Bài học về kiểm soát dịch bệnh

Bức tranh hiện tại về diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đang rất đa dạng với các tông màu nóng chủ đạo. Bây giờ, mỗi quốc gia gần như không có lựa chọn nào khác ngoài phải dùng sự chung sống với dịch bệnh để kiểm soát và đẩy lùi. Theo đánh giá của Bộ Y tế, quan sát tại các nước đang bùng phát dịch bệnh cho thấy có hai nguyên nhân đưa đến dịch bệnh tái phát. Thứ nhất là dịch bệnh ở bên trong quốc gia hay vùng lãnh thổ chưa được kiềm chế và kiểm soát thật sự triệt để. Nguyên nhân thứ hai là dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào. Chừng nào dịch bệnh này chưa bị đẩy lùi hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới thì chừng ấy vẫn luôn hiện hữu nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào trong quốc gia hay vùng lãnh thổ.

Với Quảng Nam, trong phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng, thành công lớn nhất chính là huy động được sự vào cuộc, quan tâm và cùng chung tay của mọi người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, đây chính là điểm quan trọng nhất để khi huy động thành lập các tổ giám sát cộng đồng, chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh đã có gần 6.000 tổ được thành lập. Lực lượng này đã hỗ trợ rất nhiều trong công việc truy vết và giám sát dịch bệnh. Hơn 2 tháng cao điểm dịch bệnh, ngoài các tuyến y tế được chỉ định đặc biệt, sự phối hợp từ cơ sở bao gồm các trạm y tế xã phường đã cho thấy vai trò của mình. Họ đã tổ chức sàng lọc bước đầu, tạo nên cánh tay vững chãi trong cuộc giám sát bệnh dịch.

Bác sĩ Lê Tấn Ninh - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho rằng, chính sự đồng lòng của đội ngũ y tế, cùng với sự chung tay của cộng đồng mà Việt Nam khống chế được dịch bệnh.

"Covid-19 không làm cho tinh thần chúng ta nao núng mà tập cho chúng ta thích nghi dần cách ứng phó với các nguy cơ. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan khi có làn sóng "miễn dịch cộng đồng". Chúng ta cần cân nhắc cẩn thận trước những nguy cơ có thể xảy ra" - bác sĩ Ninh nói.

Một "trạng thái bình thường mới" đã được thiết lập và đang được giữ trong sự an toàn có thể. Ở phía trước, vẫn những niềm tin về bình an!

Ân tình với Quảng Nam

Gần 50 y bác sĩ trên khắp cả nước đã tình nguyện về xứ Quảng trong những ngày căng thẳng nhất phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bác sĩ Huỳnh Quang Đại - một trong những chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh có thời gian gần một tháng tăng cường tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam nói, điều làm anh nhớ nhất chính là những tình cảm nồng hậu của người bệnh lẫn lực lượng tại chỗ của bệnh viện. Những người bệnh tuổi cao, không có khả năng tự chăm sóc, lại không có người nhà, chính các nữ điều dưỡng, y tá đã thay phần việc của người thân họ. Có lẽ, họ sẽ chẳng thể biết mặt người bệnh, cũng như bệnh nhân sẽ không thể biết ai là người đã điều trị, chăm lo cho mình.

Với bác sĩ Huỳnh Quang Đại, trong lúc túc trực điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Quảng Nam, anh hay tin người cha của mình lên cơn nhồi máu cơ tim phải nhập viện. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ nên anh không thể trở về gia đình lúc đó. May mắn, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết lòng cứu chữa và ba của anh sau đó sức khỏe đã ổn định. Thiên chức của người thầy thuốc, hẳn, trên hết vẫn là vì bệnh nhân. Ngay trong những lúc căng thẳng nhất, khi các chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm có mặt tại Quảng Nam, đồng thời với việc điều trị, họ đã chuyển giao rất nhiều tri thức cho lực lượng y tế của Quảng Nam. Đó chính là ân tình dành lại cho xứ Quảng...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ngành y và Covid
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO