Chuyện ngày xưa trên báo

HỒNG VÂN 20/06/2018 10:03

Thấy tôi cặm cụi “đãi cát tìm vàng” với mảng đề tài chiến tranh, cậu bạn nửa đùa nửa thật: “Bây giờ người ta chỉ quan tâm giá đất cao hay thấp, ông “quan” này, “quan” kia bị khởi tố hay chưa, nào có mấy ai đọc chuyện ngày xưa...”. Câu nói ấy làm tôi suy nghĩ mãi.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và tặng hoa Trung tướng Phạm Minh Tâm. Ảnh: T.L
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và tặng hoa Trung tướng Phạm Minh Tâm. Ảnh: T.L

1. Điều an ủi tôi là Báo Quảng Nam, một trong số không nhiều báo Đảng của cả nước, vẫn dành chuyên trang cho đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Như vậy, vẫn có "đất" đăng nếu mình có sức viết. Tôi lại an ủi mình bằng những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp.

Một lần, tình cờ tôi biết câu chuyện về một gia đình có mẹ và con gái đều là thương binh nặng 2/4, cùng chịu đau đớn khi đôi chân không còn nguyên vẹn. Người bị địch tra tấn, người bị pháo Mỹ bắn khi đi cứu thương. Con chăm mẹ rồi mẹ lại chăm con với bao tháng ngày đong đầy nước mắt. May mắn là dù thương tật, hai người phụ nữ này đều có những người đàn ông bù đắp tình cảm và không bị cô đơn lúc cuối đời. Tôi bắt ngay xe buýt từ Đà Nẵng vào Tam Xuân 1 (Núi Thành) gặp người mẹ là bà Nguyễn Thị Hồng, tuổi đời 92, gần 70 năm tuổi Đảng. Bà đã yếu lắm nhưng vẫn chắp nối kể chuyện ngày xưa. Sau đó tôi quay ra Tam Kỳ gặp người con của bà là chị Phạm Thị Anh Đào để có bài viết “Chuyện hai mẹ con thời trẻ” đăng trên Báo Quảng Nam tháng 3.2018. Anh Lê Ngọc Sơn, con trai bà Hồng gọi điện cho tôi: “Mẹ nghe em đọc bài báo, vẻ mặt vui hẳn. Đồng đội của mẹ và hàng xóm đến thăm, ai cũng bảo rằng, lâu nay biết mẹ có nhiều cống hiến cho cách mạng nhưng không nghĩ rằng mẹ oanh liệt đến vậy”. Nửa tháng sau, anh Sơn lại gọi điện: “Mẹ em vừa mất. Có nhiều người ở xa, lâu nay không liên lạc nhưng nhờ đọc bài báo của chị đã lặn lội đến viếng”. Tôi vui vì đã làm được một việc ý nghĩa.  

Một lần, tôi vãn cảnh chùa Phước Định ở Đại Đồng (Đại Lộc) và câu chuyện của đại đức Thích Nguyên Tịnh (thế danh Võ Ngọc Hậu) đã cuốn hút tôi. Năm 1981, anh Hậu là công nhân lái xe ở miền núi cho đến khi được chọn về làm công vụ cho đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (Tám Tâm), quê Điện Bàn, nguyên Thường vụ Khu ủy 5. Chỉ gần gũi 3 năm, nhưng đạo đức của vị cán bộ lão thành đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời chàng trai quê Phú Ninh. Tuổi trẻ lao vào thương trường, tạo dựng được cơ ngơi bề thế khiến nhiều người mơ ước, đến lúc trung niên ông Hậu từ bỏ tất cả để quy y cửa Phật. Ông đi tu ở một ngôi chùa gắn với di tích cách mạng nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn. Ông tích cực vận động các tăng ni phật tử giúp đỡ đồng bào trong vùng còn khó khăn. Nhiều kế hoạch khác vì cộng đồng cũng được thực hiện. Gặp gỡ thêm nhiều người dân khu vực chùa, sau đó liên lạc với gia đình đồng chí Tám Tâm, tôi viết bài “Ơn người, trả đời” đăng báo. Sư thầy gọi điện bảo rằng, sau khi bài báo được đăng, chùa Phước Định đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bà con quanh vùng hiểu rõ cơ duyên của sư thầy càng thêm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

2. Khác với viết về nhân vật, viết về một vùng đất hay một xóm thôn dễ khô khan với những con số. Tuy nhiên, nếu biết khai thác từng điểm nhấn vẫn có tác phẩm tốt. Có lần, Anh hùng LLVTND Huỳnh Thúc Bá bảo tôi: "Vinh Cường (Duy Tân, Duy Xuyên) được nhiều người biết là nơi nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh. Nhưng Vinh Cường còn là mảnh đất có 2 Anh hùng LLVTND, 70 liệt sĩ, 39 Mẹ VNAH, 27 tù yêu nước… Oai hùng là vậy nhưng chưa thấy ai viết”.

Từ lời giới thiệu ấy, tôi về Duy Tân và dành hẳn một ngày trò chuyện với bà con để thu thập tư liệu. Chuyên mục “Quốc phòng toàn dân” của Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam dựa theo bài viết của tôi với tựa đề “Vinh Cường đất lửa” thực hiện bộ phim tài liệu tôn vinh mảnh đất và con người ở vùng quê  này.
Từ kinh nghiệm về Vinh Cường, khi được mời dự kỷ niệm 55 năm ngày phá Quy khu Xưởng Dầu, Trảng Tôn (1966 - 2016) nay là Tam Hiệp (Núi Thành), tôi tìm hiểu sâu những chi tiết đặc biệt. Một xóm chỉ có 24 gia đình mà có 44 liệt sĩ, 3 Anh hùng LLVTND, 9 Mẹ VNAH. Con em của xóm có 4 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mang cấp hàm đại tá; 3 người nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam; 2 người nguyên là đại biểu Quốc hội. Quả đáng tự hào. Các phóng viên cùng dự buổi gặp mặt hôm đó rất ngạc nhiên khi họ chỉ đưa một tin ngắn, còn tôi có bài “Khúc tráng ca Quy khu Xưởng Dầu” đăng trên Báo Quảng Nam ngay sau đó. Bài viết góp thêm tư liệu về mảnh đất Núi Thành đi đầu diệt Mỹ, thu hút sự chú ý của nhiều người.

Thật hạnh phúc khi nhiều bạn đọc gọi điện động viên tôi cố gắng tìm kiếm, khai thác đề tài chiến tranh cách mạng. Cho dù bức tranh đời sống hiện tại chưa thật tươi sáng nhưng nó vẫn lấp lánh “những trái tim như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu). Độc giả không hề quay lưng chuyện ngày xưa nếu câu chuyện ấy được viết bằng cả tấm lòng. Tôi vẫn tin như vậy.

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ngày xưa trên báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO