(QNO) - 1. Đến lúc này, không chỉ cả nước hướng về miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng mà ngay đồng bào trong tỉnh - những người trực tiếp bị ảnh hưởng lũ lụt, cũng hỗ trợ lẫn nhau theo đúng tinh thần nhân văn, nhân ái từ bao đời nay của người Việt: “lá lành đùm lá rách”; “lá rách ít đùm là rách nhiều”. Chính quyền, các cơ quan, đoàn thể; người làm công ăn lương; các tổ chức từ thiện, xã hội, các nhà hảo tâm đã và đang vào cuộc cứu trợ, giúp đỡ.
Ngay cả khi Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chưa phát đi thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp ủng hộ về mặt tinh thần và vật chất để chia sẻ khó khăn với nhân dân Quảng Nam bị thiệt hại do thiên tai (ngày 7.11), đã có rất nhiều tấm lòng hướng về người dân vùng lũ, từ những cái nhỏ nhất. Là những bữa cơm, những chai nước sạch nghĩa tình dành cho người dân và bệnh nhân; là áo quần và sách giáo khoa cho trẻ em và học trò vùng lũ; là sự nhường nhịn, chia sẻ chỗ ngủ cho những gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất hay bị nước ngập quá sâu...
Hình ảnh cán bộ chữ thập đỏ dầm mình thu hoạch rau giúp dân; các chiến sĩ công an, bộ đội dọn bùn non ở trường học, nhà dân; những thầy cô giáo nhà bị ngập nước vẫn đến trường dọn lụt; hay lực lượng vũ trang, cứu hộ nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân... là những hình ảnh đẹp và cảm động trong mùa mưa lụt năm nay.
Trong khó khăn, hoạn nạn, một lần nữa sự tử tế, lòng nhân ái lại lan tỏa mạnh mẽ. Lúc này, rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đang tổ chức vận động, quyên góp tiền bạc, đồ dùng sinh hoạt, lương thực… để giúp đỡ người dân vùng lũ.
Mừng lắm! Tuy nhiên, lại xuất hiện nỗi lo đã cũ: điều hành, quản lý, kiểm soát thế nào để các nguồn huy động ấy đến kịp, đến đúng địa chỉ và giảm đến mức thấp nhất tình trạng người thì được nhận quá nhiều, người thì chỉ được một vài gói mì ăn liền?
2. Người dân Quảng Nam vốn chịu thương chịu khó. Hầu như năm nào Quảng Nam cũng hứng chịu những tai ương, mất mát do thiên tai gây ra. Sống chung với bão lụt hàng năm nên họ thường dành dụm, chắt chiu xây nhà kiên cố, có gác để trú lụt. Mùa mưa bão thường dự trữ gạo, mắm; nhưng khi bão lụt dài ngày, lụt lớn đến ngập nóc nhà như vừa qua thì sự chuẩn bị, dù chu đáo, vẫn không bao giờ đủ. “Miếng khi đói bằng gói khi no”, cho nên những món quà được cứu trợ trong cơn lụt bão là vô cùng quý.
Các tổ chức từ thiện thường cứu trợ khẩn cấp những nhu yếu phẩm như mì ăn liền, dầu, gạo, nước mắm... để hỗ trợ cho dân. Trong đó, mì ăn liền là phổ biến nhất bởi trong lũ, điện thường bị cắt, nước sạch thiếu, thì đây chính là món tiện lợi và dễ sử dụng để giúp người vùng lũ cầm cự, vượt qua cơn đói.
Bên cạnh sự hỗ trợ tức thời bằng những món hàng cấp thời như vậy, sau lũ, nhiều cá nhân, đơn vị cũng đã có những cách thức trợ giúp căn cơ hơn, từ lương thực, thực phẩm đến vật tư sửa chữa nhà cửa, đồ gia dụng. Và, trong khi các hoạt động cứu trợ đang được triển khai khắp nơi, thật bất ngờ khi có người dân vùng lũ đề nghị: người dân không chỉ cần mì tôm, và họ tế nhị “hiến kế”: thay vì nhiều người cũng cho mì và đợt nào cũng cho mì, hãy mang đến cho người những thứ cần thiết khác, như nước sạch, dụng cụ lọc nước, thuốc men thông thường như dầu gió, bông băng hay đèn sạc dự phòng.
Nhiều hơn, dài hơi hơn và điều này cần sự vào cuộc của các tổ chức từ thiện lớn, sự hỗ trợ của chính quyền, là hỗ trợ thiết bị, phương tiện giúp người dân vượt lũ, sống chung với lũ; là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân...
Thêm một lần nữa, lại thấy chuyện “hành thiện”, chuyện sẻ chia tấm lòng, là không dễ, không đơn giản!
CHÂU NỮ