Lâu nay, nói đến các môn thể thao truyền thống tại Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi của tỉnh, người ta nghĩ nhiều đến sức mạnh, sức bền của các vận động viên (VĐV). Ở lễ hội năm 2018 vừa diễn ra tại Nam Giang, thể lực, sự dẻo dai vẫn đòi hỏi như là một điều kiện tiên quyết. Song một số môn như đẩy gậy, kéo co, bóng đá, yếu tố kỹ thuật, chiến thuật và đặc biệt là trang phục thi đấu đã để lại dấu ấn đậm nét trong kết quả thi đấu của VĐV. Và thực tế chứng minh, những đoàn nào, VĐV nào đầu tư nhiều hơn về các nội dung này, hầu hết đều mang lại thành tích tốt.
Săn sóc viên đang xịt nước lau giày cho VĐV môn đẩy gậy trước khi vào thi đấu. |
Nói đến trang phục thi đấu của VĐV, không đơn giản là mang đôi giày, bộ áo quần đẹp, vừa vặn, thời trang. Ở đây, trang phục cốt yếu là phục vụ cho các VĐV thi đấu được thuận lợi nhất với mục tiêu đạt kết quả tốt. Những kỳ lễ hội trước đây, các đoàn VĐV môn đẩy gậy, kéo co không quan tâm đến việc này. Tuy nhiên, lễ hội năm nay chứng kiến nhiều đoàn đầu tư “khủng” cho trang phục thi đấu, trong đó tiêu biểu nhất là địa phương chủ nhà hay Nam Trà My. Mỗi VĐV được trang bị đôi giày chuyên dụng không dưới 5 triệu đồng (trước đây dùng giày ba ta vài chục nghìn đồng/đôi) mà theo các huấn luyện viên là không phải dễ mua.
Mang giày xịn nhưng cách chăm sóc đôi giày còn đáng nói hơn. Trước khi VĐV bước vào thi đấu, họ mới ngồi trên ghế xỏ giày rồi đưa chân lên cho săn sóc viên dùng nước lau kính xịt vào đế giày, dùng khăn lau chùi sạch sẽ và dùng bao vải bọc lại cho khỏi dính bụi, nước cho đến lúc VĐV bước vào sàn đấu mới được mở ra. Sàn đấu cũng được săn sóc viên mỗi đội thi nhau lau chùi láng bóng bên phần sân của mình. Nói chung, từ đế giày của VĐV đến sàn đấu phải sạch sẽ, không để dính bụi hay chút nước nào nhằm giúp tăng độ bám dính cho đôi chân VĐV trong lúc thi đấu. Tương tự, một số địa phương còn trang bị áo ở môn kéo co để khi VĐV thi đấu không làm ướt dây do mồ hôi đổ ra cũng như tăng độ bám.
Sự chuyên nghiệp của các môn thể thao này còn thể hiện rất rõ trong chiến thuật thi đấu trên sân. Không còn chuyện các VĐV vào trận theo kiểu “mạnh được yếu thua” như trước. Giờ đây, họ thi đấu lớp lang, bài bản hơn dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên, thậm chí có địa phương còn mời huấn luyện viên chuyên nghiệp ngoài tỉnh. Thời điểm nào cầm cự để dò sức đối phương, thời điểm nào cần tấn công nhằm hạ gục đối thủ, cũng được tính toán kỹ. Nói chung, “kịch bản” cho từng trận đấu được lên sẵn và “đạo diễn” có thể điều chỉnh theo thế trận trên sân đấu. Với sự đầu tư như vậy, không ngạc nhiên khi huyện Nam Giang và Nam Trà My chia nhau 2 vị trí cao nhất ở môn đẩy gậy, kéo co và cũng là 2 địa phương giành vị thứ nhất, nhì toàn đoàn các môn thể thao tại lễ hội.
Công tác tổ chức Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam ngày càng bài bản hơn thì rõ ràng các môn thể thao truyền thống vùng cao cũng trở nên chuyên nghiệp hóa trong công tác chuyên môn. Nói cách khác, muốn đạt thành tích cao ở ngay cả những môn thể thao truyền thống, bên cạnh sức mạnh, sức bền thể lực thì ngày càng đòi hỏi nhiều hơn yếu tố kỹ thuật. Điều đó giúp cho các cuộc thi đấu tại lễ hội thêm phần chất lượng, làm tăng thêm sức hấp dẫn, kịch tính cho các môn thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên dãy Trường Sơn.
ANH SẮC