Chuyên nghiệp hóa trùng tu di tích

08/05/2016 07:05

Trùng tu di tích theo nguyên trạng là điều không dễ dàng. Những cố gắng hiện tại thực chất mới chỉ đạt được về hình thức bề ngoài, tức là mới chỉ cố giữ được cái hình thể. Có thể hình dung di tích như một cơ thể sống, sự xuống cấp là đương nhiên. Việc bảo tồn, trùng tu sẽ làm chậm lại sự “lão hóa” của nó. Nếu chậm bảo tồn di sản sẽ mất tất cả. Tuy nhiên, để việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trở thành một hoạt động khoa học, thực tiễn riêng biệt, theo đúng nguyên tắc, không chỉ cần tiền, cơ chế, giải pháp và cả nguồn nhân lực. Liệu những người thợ được cấp chứng chỉ thông qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn có đủ sức để “giải cứu di tích” hay không? Nhân lực hay giải pháp trùng tu chuẩn mực mới là chuyện quan trọng đặt ra cho việc bảo tồn di tích trước biến động của thời gian và con người?

MỞ TRƯỜNG DẠY NGHỀ

Một trường đào tạo nghề trùng tu di tích, xem như một “bước ngoặt” trong việc giải cứu di tích, sẽ được mở dưới sự “hợp tác”  của Chính phủ Ý (Italia) và Việt Nam.

Thợ Kim An tham gia trùng tu di tích tam quan chùa Bà Mụ (Hội An). ảnh: Trịnh Dũng
Thợ Kim An tham gia trùng tu di tích tam quan chùa Bà Mụ (Hội An). Ảnh: Trịnh Dũng

Từ hiện thực

Tháng 6.2013, nhóm tháp G của Khu đền tháp Mỹ Sơn chính thức mở cửa đón khách sau tròn 10 năm các chuyên gia người Ý bắt tay vào hành trình trùng tu, phục dựng. Quãng thời gian này, các chuyên gia Ý đã nhìn thấy một “khiếm khuyết” lớn cho các khu di sản tại Việt Nam. Đó chính là đội ngũ thợ lành nghề có thể thay họ thực hiện công tác trùng tu sau này vẫn còn rất ít. Mười năm vừa thực hiện công tác khảo cổ, trùng tu, Quỹ Lerici đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho 50 công nhân, với hy vọng họ sẽ là đội ngũ kế cận tốt nhất. Nữ TS. Patrizia Zolese - Trưởng bộ phận khảo cổ học của Quỹ Lerici, trong dự án trùng tu nhóm tháp G, đã rất đề cao đội ngũ công nhân địa phương. Tại gian trưng bày mẫu vật từ nhóm tháp G, các chuyên gia Ý đã khắc lên dòng chữ: “Chúng tôi rất biết ơn những người thợ lành nghề đồng hành cùng chúng tôi trong suốt những năm qua. Nếu không có sự cống hiến tài năng và sức chịu đựng bền bỉ của họ, công việc này sẽ không bao giờ có thể được hoàn thành”.

Sau nhiều dự án khảo cổ, trùng tu cho các nhóm tháp Chăm tại Quảng Nam, các chuyên gia Ý, bằng tình yêu với các di sản văn hóa, từ những lớp đào tạo ngắn hạn cho công nhân di sản ở Mỹ Sơn, họ nhận ra cần phải truyền nghề bảo tồn cho chính người dân địa phương. Quỹ Lerici của trường Đại học Milan đã đề xuất chính phủ Ý hỗ trợ Quảng Nam thành lập Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích do chính các chuyên gia sẽ là người trực tiếp truyền dạy. Theo lời nhà khảo cổ học Rico, khu đền tháp Mỹ Sơn với các nhóm tháp luôn ở tình trạng cần được “chăm sóc” sẽ là ngôi trường thực hành lớn nhất cho học viên. Hiện chưa có một trường lớp nào ở Việt Nam đào tạo thợ lành nghề, đảm đương các yếu tố kỹ thuật cho những mảng tường tháp Chăm một cách tốt nhất. Các chuyên gia Ý mong muốn tâm huyết họ để lại Việt Nam, ngoài những di tích được bảo tồn nguyên trạng, còn có một đội thợ có thể thay thế họ làm những phần việc như một nhà khoa học, nhà nghiên cứu di tích… Có như vậy, thì câu chuyện “làm trùng tu” của người Việt mới không để lại những xây xước (do thiếu hiểu biết) trong lòng những người yêu các giá trị văn hóa sâu bền…

Đến ý tưởng mở trường

Tháng 10.2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án thành lập Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn văn hóa tại Quảng Nam. Dự án được thực hiện từ năm 2015 – 2018 từ vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Italia, vốn không hoàn lại của Đại học Milan và vốn đối ứng Việt Nam do UBND tỉnh Quảng Nam bố trí với tổng vốn đầu tư gần 27 tỷ đồng. Ông Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam cho biết, trung tâm này sẽ truyền dạy lý thuyết cơ bản đến thực hành bằng các nguyên tắc trùng tu của thế giới, từ khảo cố, kiến trúc đến quản lý di tích. Suốt 30 tháng tham gia khóa học, học viên (được chu cấp toàn bộ chi phí về ăn, ở…) sẽ được thu nhận kiến thức về lịch sử khảo cổ, kỹ thuật khai quật khảo cổ, quản lý lưu trữ cơ sở dữ liệu khu vực khảo cổ, các nguyên tắc bảo tồn, nguyên vật liệu và trùng tu các công trình. Từ đây, sẽ đưa ra cách thức quản lý khu vực khảo cổ, phân tích, trưng bày, bảo  trì, các tiêu chuẩn an toàn cho công nhân và các nguyên tắc phòng chống tai nạn cũng như khai thác du lịch hợp lý tại các khu di tích, di sản văn hóa. Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH – TT &DL, với số lượng di tích, di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) khá lớn như Quảng Nam, ngoài thiếu hụt nguồn vốn thì đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác trùng tu vẫn còn quá mỏng. Chỉ mới có khoảng 50 công nhân lành nghề trùng tu, tu bổ di tích Chăm được đào tạo bài bản bên cạnh đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Các di tích, phế tích Chăm, các giải pháp kỹ thuật trùng tu đều đang được thử nghiệm, vừa áp dụng, nên rất cần những người nắm vững các quy tắc phục chế để bảo đảm giữ nguyên trạng di tích.

Theo ông Võ Thanh Tùng, mục đích của dự án là chuyên nghiệp hóa đội ngũ trực tiếp làm công tác trùng tu di tích, hướng đến việc thành lập một trường đào tạo về quản lý di sản văn hóa đầu tiên của cả nước tại Quảng Nam. Khoảng 120 học viên là những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cán bộ viên chức trẻ, công nhân và giảng viên đang làm việc tại Quảng Nam cùng các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên quan tâm đến công tác bảo tồn di sản sẽ được đào tạo. Những người có thành tích xuất sắc trong các khóa học sẽ được Đại học Milan lựa chọn để đào tạo trở thành giảng viên có chuyên môn cao về trùng tu di tích và bảo tồn di sản trong tương lai. Tuy nhiên, hiện tại Đại học Milan và các bên liên quan đang hoàn tất văn kiện, dự án cụ thể…, chưa thể có thời gian chính xác ra đời của trung tâm này. Vì thế, thông tin về đối tượng học viên, thủ tục tuyển sinh…, vẫn chưa được công bố. (LÊ QUÂN)

DOANH NGHIỆP HÀNH NGHỀ TRÙNG TU

Trong khi Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn văn hóa chưa biết khi nào ra đời thì tại Hội An, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã được cấp chứng chỉ hành nghề trùng tu, có thể đảm đương “sứ mệnh” cứu di tích trước sự bào mòn của thời gian.

Trùng tu di tích nhà cổ tại Hội An. Ảnh: Xuân Hiền
Trùng tu di tích nhà cổ tại Hội An. Ảnh: Xuân Hiền

Thợ được “cấp chứng chỉ”

Giàn giáo ken dày trên công trình tu bổ tam quan chùa bà Mụ Hội An. Một vài thợ sơn lên những cánh cổng màu đỏ “cổ”, một vài thợ khác áp đá, vữa hồ lên các móng đã được phát lộ… Ông Nguyễn Việt Hoa – Giám đốc Công ty xây dựng Kim An nói không thể đếm được bao nhiêu di tích đã được đơn vị này trùng tu sau hơn 20 năm qua. Đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư và nhân công của họ phần lớn đã được cấp chứng chỉ hành nghề trùng tu di tích thông qua các lớp tập huấn do thành phố mở. “Những kiến thức thu nhận trong những ngày tham gia trùng tu cùng các chuyên gia Nhật Bản, sự hiểu biết, tay nghề của đội thợ ngày được nâng cao. Nếu trước đây, đội ngũ nhân công này chỉ là những thợ nề, mộc bình thường, không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ tu bổ di tích thì nay họ là những công nhân được cấp chứng chỉ. Những khóa huấn luyện đã bổ trợ cho họ từ những kiến thức cơ bản quy tắc trùng tu đến các kỹ thuật hiện đại” - ông Hoa nói.

Kim An chỉ là 1 trong 5 doanh nghiệp được Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An giao việc trùng tu các di tích nhà cổ, đền chùa… Khi Thông tư số 18/2012/TT- BVH-TT&DL về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người hoạt động trong lĩnh vực trùng tu di tích có hiệu lực, cũng là lúc phần việc bảo tồn, trùng tu các di tích tại Hội An bắt đầu chuyển giao cho tư nhân thực hiện. Theo ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, những nghệ nhân làm nên di sản kiến trúc vẫn còn giữ được tay nghề và đó là lực lượng cơ bản để tham gia trùng tu di tích Hội An. Thông qua các tổ chức quốc tế, nội địa, các nghệ nhân này được bồi dưỡng kiến thức, sự hiểu biết của họ đối với sự cần thiết về mặt kỹ thuật trong công tác tu bổ di tích. Phần lớn tay thợ của những doanh nghiệp đang đảm nhận tu bổ di tích Hội An có nhân công là các nghệ nhân của làng nghề. Tất cả đều khởi nghiệp xây dựng doanh nghiệp từ đôi bàn tay người thợ. Các đội ngũ thợ này đã trưởng thành dần trong công tác tu bổ. Không chỉ kiến thức truyền thống, họ còn biết áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới để giúp cho việc tu bổ di tích ngày càng đạt hiệu quả, mang tính khoa học hơn nhưng vẫn bảo đảm được yếu tố kỹ thuật tính năng truyền thống.

Truyền nghề

Các doanh nghiệp hành nghề trùng tu di tích tại Hội An đang cố giữ “chắc chắn” những gì còn lại cho các “di tích sống”. Chứng chỉ hành nghề được cấp cho các doanh nghiệp xây dựng gồm: “chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình tu bổ di tích” và “chứng chỉ hành nghề thi công công trình tu bổ - trùng tu di tích”. Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch di tích chỉ được cấp cho người đã có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, xây dựng qua các lớp bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do các viện nghiên cứu, trường đại học đào tạo chuyên ngành xây dựng, kiến trúc hoặc liên quan đến hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Ngoài ra, phải tham gia tư vấn lập ít nhất 3 quy hoạch di tích hoặc 5 dự án tu bổ di tích đã được phê duyệt. Chứng chỉ hành nghề chuyên môn như lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế, thi công, giám sát thi công tu bổ di tích cũng phải có những yêu cầu tương đương.

Ông Nguyễn Chí Trung cho rằng, tu bổ di tích là việc trường kỳ và thường xuyên. Chuyên nghiệp hóa đội ngũ này là điều quan trọng cần phải làm trong hiện tại lẫn tương lai. “Các thế hệ nghệ nhân lớp trước, đến tuổi họ cũng phải nghỉ. Vì vậy, Hội An vẫn phải luôn quan tâm đến việc truyền lại cho thế hệ sau kỹ thuật để tiếp nối công việc tu bổ di tích” - ông Trung nói. KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, không gian văn hóa, kiến trúc di sản với các yếu tố về nội thất trang trí, cấu trúc không gian và công năng sử dụng làm nên những đặc trưng riêng biệt của di tích. “Do vậy, trùng tu phải tương thích với phần lõi di sản, tức là không gian văn hóa, kiến trúc của di sản. Không phải cứ chỗ nào hư thì sửa hoặc làm mới ngay lập tức, mà phải đặt nó trong mối tương quan với không gian, lịch sử... Điều này đòi hỏi đội ngũ trùng tu cần phải có kiến thức về văn hóa, lịch sử, hiểu biết sâu về di tích và tiếp cận những phương pháp, kỹ thuật hiện đại” - ông Vinh nói.

Công tác trùng tu di tích tại Hội An với đội ngũ bảo tồn “lành nghề” luôn nhận được những thiện ý từ giới chuyên môn. Có lẽ một khi Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn văn hóa đi vào hoạt động ổn định, cần phải nghĩ đến chuyện hình thành những “nhóm trùng tu chuyên nghiệp” cho tất cả loại hình di tích, không riêng gì các di tích, phế tích Chăm, như cách mà những doanh nghiệp trùng tu tại Hội An đang làm hàng ngày!  (XUÂN HIỀN)

CHỌN CÁCH NÀO?

Trùng tu, bảo tồn xuống cấp di sản, di tích trước sự hủy hoại của thời gian và con người trong cơn lốc đầu tư chưa bao giờ thôi nóng trên các chương trình nghị sự và diễn đàn. Trong mắt các nhà bảo tồn, khó khăn thường thấy chính là thiếu cơ chế, vốn, giải pháp hữu hiệu và nhân lực chuyên biệt về trùng tu di tích. HĐND thành phố Hội An mới đây đã đệ trình lên HĐND tỉnh Quảng Nam “xin” cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội Hội An (2016 – 2020) có nhắc đến việc quản lý hơn 1.400 di tích, hầu hết là kiến trúc gỗ có niên đại trên 300 năm, nhưng nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp chưa được tu bổ đã đẩy áp lực quản lý lên chính quyền địa phương.

Trùng tu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: Trịnh Dũng
Trùng tu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: Trịnh Dũng

Nỗ lực bảo tồn

Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói, kể từ năm 1999, các công trình đơn lẻ của Hội An cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Nhờ lượng khách du lịch gia tăng đã tạo nguồn thu lớn để tái đầu tư bảo tồn di tích. Kể cả di tích ngoài vùng ven cũng đã được người dân tu bổ. Tất cả di tích đều ít nhất qua một lần tu bổ. Ông Trung ước tính mỗi năm có hơn 150 – 200 lượt tu bổ di tích, ít nhất mỗi công trình khoảng 100 triệu đồng thì con số kinh phí đổ ra khá lớn.

Theo đánh giá chung, các công trình tu bổ đều đạt ít nhất là tính chân xác theo nguyên tắc trùng tu là kết cấu, bố cục, vật liệu đáp ứng theo vật liệu truyền thống, màu sắc đảm bảo. Giữ được cảnh quan không gian kiến trúc. Bài toán khó nhất bảo tồn ở Hội An hiện tại là vật liệu xây dựng sản xuất theo công nghệ truyền thống (gạch, ngói, vôi, vữa...) đều đã bị loại bỏ, thay bằng công nghệ hiện đại vì ô nhiễm môi trường và gỗ thì thiếu hụt…

Kể từ khi ngôi nhà cổ số 48 (Bạch Đằng, Hội An) bị đổ sập vào cuối năm 2003 và nhiều ngôi nhà khác bị sụt móng, hư ngói, chuyện bảo tồn di tích đã được đặt trong tình trạng báo động. Nhiều chuyên gia hàng đầu về bảo tồn đã đến Hội An. Văn phòng Hợp tác bảo tồn di sản văn hóa Trung tâm Văn hóa châu Á Thái Bình Dương của UNESCO tại Nara, Nhật Bản (ACCU) là một ví dụ. Dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia, những người thợ trực tiếp tu bổ công trình như thợ nề, gốm, mộc… có kinh nghiệm, kỹ thuật nhưng chưa có hay thiếu kỹ năng bảo tồn, được trang bị, bổ sung kiến thức, đã tháo dỡ và phục dựng lại các ngôi nhà. Kết quả những cuộc hợp tác trùng tu này đã cho ra đời những người thợ có đủ khả năng trùng tu. Tuy nhiên, ông Nishimura Yasushi – Giám đốc ACCU nói các giải pháp đưa ra cũng chỉ là cách làm chậm sự mất đi của di tích trước sự bào mòn của thời gian và du lịch bùng nổ; và những người thợ này khó có thể trở thành chuyên gia!

Nhân lực hay giải pháp trùng tu?

Theo thống kê, Quảng Nam còn đến 360 di tích quốc gia và cấp tỉnh. Không ít di tích nghệ thuật loại hình nhà cổ như đình, miếu, nhà thờ tộc, nhà ở... có thời gian ít nhất 100 năm trở lên đều bị mối mọt xâm hại, kết cấu bị xô lệch, dễ ngã đổ. Độc đáo như các kiến trúc nghệ thuật Chăm (ít nhất 1.000 năm) đã rơi vào tình trạng ly tâm của các mảng/khối gạch do các vết nứt sâu dọc thân tháp và hiện tượng mủn gạch làm thân tháp bị tổn thương nặng nề. Trước thực trạng này, không ít câu hỏi có nên mở một trung tâm đào tạo chuyên biệt về trùng tu di tích hay không đã làm nóng dư luận. Ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL nói những người trùng tu di tích phải được cấp chứng chỉ mới có thể hành nghề, nên việc thành lập một trung tâm đào tạo nghề là điều cần thiết. Ông Hài lý giải là theo quy luật cung cầu thì những người thợ lành nghề sẽ không hết việc để làm và có thể sống tốt với nghề trùng tu di tích khi số lượng di tích tại Quảng Nam từng ngày đang lên tiếng kêu đòi “cấp cứu”.

Trong góc độ khác, ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, dù rất muốn chuyện truyền nghề nhưng vẫn cứ phân vân liệu việc mở trường đào tạo có phải là giải pháp tối ưu hay không khi thực tế Hội An đã từng mở nhiều lớp đào tạo nghề gốm, mộc, nhưng những học viên ra trường không có việc làm nên đã bỏ nghề. Nếu có một đội ngũ trùng tu chuyên biệt để bảo đảm công cuộc trùng tu thì ai sẽ nuôi đội ngũ này vẫn là chuyện nan giải. Theo ông Trung, những cố gắng trùng tu hiện tại chỉ mới đạt về hình thức bên ngoài. Tức mới chỉ giữ được cái hình thể. Hay nói một cách khác, nó thực sự chủ yếu là nhái/giả cổ, nhất là đối với các công trình tôn tạo, phục hồi. Không ít công trình trùng tu đang làm mất dần giá trị chân xác của di tích, làm biến dần thành di tích giả hay “di tích đã bị đánh mất trí nhớ” sau mỗi lần tu bổ. Những doanh nghiệp với những người thợ lành nghề được cấp chứng chỉ trùng tu di tích vẫn cũng chỉ đang trùng tu theo truyền thống. Hỏng đâu thay đó là việc đã giỏi lắm rồi, không thể đòi hỏi thêm được nữa trong hiện tại. Còn ông Phan Hộ - Trưởng ban quản lý khu di tích Mỹ Sơn cho hay không chỉ thiếu vốn, thiếu người, thiếu cơ chế và thiếu cả giải pháp trùng tu. Ông nói đào tạo nghề trùng tu cũng là chuyện cần, nhưng nếu không có thực tế thì làm sao có thể thành nghề được. Nhưng nếu học, tiếp cận thực tế mà đến Mỹ Sơn để đục móng, dỡ tường ra xem xét, nghiên cứu thì có cho tiền đến mấy ông cũng dứt khoát phản đối.

Thay lời kết

Có thể thấy rằng những cuộc tranh luận về đào tạo nghề hay giải pháp trùng tu di tích quan trọng nhất sẽ khó ngã ngũ. Song cứ hình dung rằng trùng tu di tích cũng giống như việc “giải phẫu” trong y học. Nếu “bác sĩ ngoại khoa” giải phẫu sai, không đúng nguyên tắc thì coi như đã “giết chết di tích”. Vì vậy, tìm kiếm một phương thức, giải pháp trùng tu chuẩn mực vẫn hay hơn là đào tạo nên những người thợ lành nghề trùng tu theo kiểu vừa làm, vừa mày mò tìm hiểu bảo tồn. Thực tế đã chứng minh, phương pháp xây dựng, kỹ thuật sản xuất vật liệu (gạch, chất kết dính) hơn 110 năm qua tại Mỹ Sơn hay các tháp Chăm vẫn là bí ẩn chưa được giải mã, dù nhiều tổ chức, nhà khoa học đã cố tìm hiểu. Ngay cả một lực lượng hùng hậu gồm 30 chuyên gia, cố vấn, kỹ thuật viên của Trung tâm Lerici – Đại học Milan (Ý) và Viện bảo tồn di tích Việt Nam đã đến Mỹ Sơn trùng tu nhóm tháp G từ năm 2004 cũng chỉ thận trọng ở việc phát quang, gia cố và chống sập! (NAM KHA)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyên nghiệp hóa trùng tu di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO