Mùa giải mới 2022 vẫn chưa diễn ra nhưng CLB Than Quảng Ninh đã chính thức bị “xóa sổ” khỏi V-League sau quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mới đây.
Nát tan bóng đá vùng mỏ
CLB Than Quảng Ninh được thành lập cách đây 65 năm (năm 1956). Tuy nhiên, lịch sử lâu đời của bóng đá vùng mỏ vẫn không thể cứu vãn sự tồn vong của CLB trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Vừa qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã không cấp phép tham dự V-League cho Than Quảng Ninh. Như vậy kể từ mùa giải 2022, cái tên Than Quảng Ninh sẽ biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Đó là nỗi buồn không chỉ đối với người hâm mộ Quảng Ninh mà còn cả nước khi mà Cẩm Phả luôn là sân vận động có sự cổ vũ cuồng nhiệt và đông đảo nhất nước.
Những năm qua, Than Quảng Ninh thi đấu khá hay, thường xuyên nằm ở tốp đầu V-League. Trước mùa giải 2021, dù đã có phần chênh vênh khi đội bóng nợ lương khiến nhiều trụ cột ra đi như thủ môn Tuấn Linh, Thanh Hào, Quách Tân, Văn Việt và cả HLV Phan Thanh Hùng nhưng đội bóng vùng mỏ vẫn chơi cực kỳ ấn tượng, xếp thứ 3 sau 12 vòng đấu trước khi mùa giải bị hủy bỏ. Với thành tích đó, không quá khi cho rằng Than Quảng Ninh là một thế lực của V-League.
Nhưng thành tích thi đấu không song hành với điều kiện kinh tế của CLB. Nhà tài trợ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam rút lui, ngân sách tỉnh Quảng Ninh chỉ lo công tác đào tạo trẻ, còn tiền túi của ông chủ tịch Phạm Thanh Hùng không thể đảm đương nổi quỹ lương 60 - 70 tỷ đồng/năm.
Vậy là, CLB Than Quảng Ninh buộc phải “tan đàn xẻ nghé”. Nhiều cầu thủ đã được thanh lý hợp đồng và đi tìm đội bóng mới như Hai Long về Hà Nội, Hải Huy, Xuân Tú về Hải Phòng… Sứ mệnh của Than Quảng Ninh tại V-League đã khép lại không thể buồn hơn với người hâm mộ vùng than.
Nửa vời
Chuyển sang chuyên nghiệp cách đây đã hơn 20 năm, tuy nhiên, đến nay tính chuyên nghiệp “nửa vời” của bóng đá Việt Nam vẫn còn thể hiện ở nhiều mặt. Bóng đá chuyên nghiệp phải tự nuôi sống mình bằng nguồn thu từ bán vé, các sản phẩm áo đấu, bản quyền truyền hình, quảng cáo…
Song thực tế, nguồn thu này của các CLB bóng đá rất ít, thậm chí một số CLB còn mở cửa tự do để kéo khán giả vào sân. Phần lớn CLB ở Việt Nam hiện nay sống chủ yếu dựa vào bầu sữa của các ông bầu và một phần ngân sách địa phương.
Nếu ông bầu vui vẻ, hào phóng thì đội bóng “sống khỏe”, còn không thì ngược lại. Vì vậy, mới có câu chuyện sau khi các ông bầu không còn mặn nồng với bóng đá, đội bóng lập tức chuyển trả về cho địa phương và kết cục xấu có thể xảy ra như Than Quảng Ninh.
Sự chuyên nghiệp “nửa vời” dẫn đến không ít hệ lụy cho nền bóng đá. Hệ lụy mà nó mang lại không chỉ là xóa đi cái tên của một đội bóng có lịch sử 65 năm mà còn khiến cho hệ thống giải đấu bị xộc xệch.
Với việc Than Quảng Ninh bị xóa sổ, V-League 2022 chỉ còn 13 đội bóng, cũng giống như giải hạng Nhất 2021 cũng chỉ 13 đội sau khi Gia Định rút lui và mùa giải 2022 tiếp tục 13 đội, lịch thi đấu phức tạp hơn nhưng tính chất hấp dẫn của giải đấu lại giảm.
Từ đó kéo theo giảm sức hút của giải đối với nhà tài trợ. Lịch sử V-League ghi nhận một số đội bóng có tiềm lực tài chính mạnh như Sài Gòn Xuân Thành, Xi măng The Vissai Ninh Bình, Navibank Sài Gòn tạo ra cơn gió mới cho giải đấu.
Nhưng rất tiếc chỉ sau thời gian ngắn khi bầu Thụy, bầu Trường, bầu Thọ cảm thấy chán bóng đá, quyết định giải thể được đưa ra và cái tên đội bóng mất tích vĩnh viễn khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Giờ đây, sau Than Quảng Ninh, không biết có còn cái tên nào nối gót?
Quy định pháp luật không cho phép sử dụng ngân sách để nuôi CLB bóng đá chuyên nghiệp và cũng không phù hợp với mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Kể cả các địa phương cũng khó mà thuyết phục khi bỏ ra khoản tiền 70 - 80 tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho đội bóng.
Hiện nay, các địa phương hỗ trợ 15 - 20 tỷ đồng/năm cho công tác đào tạo bóng đá trẻ, còn lại đều do doanh nghiệp “nuôi”. Rõ ràng, để tránh lặp lại “vết xe đổ” như Sài Gòn Xuân Thành, Xi măng The Vissai Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội hay mới nhất là Than Quảng Ninh, mô hình chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam cần có sự điều chỉnh.