V-League 2018 đã kết thúc song vẫn chưa… khép lại. Bởi, mùa giải vẫn còn một trận đấu play-off ở phía trước giữa Nam Định (xếp áp chót V-League) và Hà Nội B (xếp thứ nhì giải hạng nhất) để xác định tấm vé cuối cùng dự V-League 2019. Đây là trận “so găng” rất đáng chú ý giữa 2 đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ còn khá trẻ và 2 HLV cá tính Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định) cùng Phạm Minh Đức (Hà Nội B). Nam Định giành chiến thắng để ở lại V-League là bình thường nhưng câu chuyện về đội bóng này rất đáng suy nghĩ nếu như họ thêm một mùa nữa góp mặt ở giải đấu cao nhất cả nước.
Sự chuyên nghiệp nửa vời khiến bóng đá Nam Định thêm khổ dài dài. Ảnh: A.S |
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp buộc mỗi câu lạc bộ phải có 40 tỷ đồng trong tài khoản để tránh tình trạng “vỡ nợ”. Thế nhưng, vừa chân ướt chân ráo lên V-League, Nam Định lại dính lùm xùm chuyện chậm chi trả tiền lương, chuyển nhượng, đến nỗi cầu thủ đình công không chịu ra sân và đội bóng có nguy cơ giải thể giữa chừng khi mùa giải đang diễn ra. Chưa hết, trong giai đoạn cuối mùa giải, theo như lời HLV Nguyễn Văn Sỹ, cổ động viên phải hô hào góp tiền để nuôi đội bóng. Những câu chuyện đó cho thấy một sự phập phù trong cách làm bóng đá của Nam Định. Thế nên, nếu thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ giành quyền ở lại V-League thì không ai dám chắc mùa giải 2019, đội bóng thành Nam sẽ tiếp tục góp mặt.
So với XSKT Cần Thơ hay một vài đội bóng khác, Nam Định xứng đáng chơi tại giải đấu cao nhất cả nước. Đây là đội bóng có bản sắc thuộc loại nhất, nhì V-League khi sở hữu lực lượng nội binh được đào tạo tại câu lạc bộ chất lượng, lối chơi đầy tính cống hiến. Họ cũng có lượng cổ động viên cuồng nhiệt và đông nhất trên khắp mọi miền của cả nước, sẵn sàng cháy hết mình cùng đội bóng quê hương. Nhưng với sự chuyên nghiệp nửa vời và chuyện “cơm áo gạo tiền”, bóng đá Nam Định nếu tiếp tục chơi tại V-League sẽ làm khổ cho cầu thủ và cả người hâm mộ.
Trong khi đó, đối thủ của Nam Định ở trận đấu play-off là Hà Nội B. Chung quanh câu chuyện tranh suất lên hạng của đội bóng bầu Hiển này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều bởi họ là đội hình 2 của Hà Nội - nhà đương kim vô địch quốc gia. Do đó, nếu có giành được chiến thắng thì Hà Nội B cũng không thể thi đấu tại V-League vì theo quy định không thể một câu lạc bộ có 2 đội bóng chơi cùng giải đấu. Trước khi gặp Nam Định, có thông tin Hà Nội B sẽ chuyển giao cho Hà Tĩnh. Chưa bàn đúng quy định hay không, song đây là thông tin rất vui, giúp cho đoàn quân của HLV Phạm Minh Đức quyết tâm hơn trong trận quyết đấu vì tấm vé V-League.
Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm lúc này là nếu Hà Nội B giành quyền thăng hạng và chuyển giao cho Hà Tĩnh thì liệu đội bóng có tồn tại lâu dài? Đặt ra câu hỏi này bởi từng có thời điểm bầu Thụy “tặng” cho Hà Tĩnh đội bóng chơi ở hạng nhất song chỉ được một thời gian ngắn. Hơn nữa, một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh có “chịu chi” đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp vì không chỉ có đội V-League mà còn có cả hệ thống đào tạo trẻ khá tốn kém. Vì thế, câu chuyện đáng nói ở đây là, Hà Tĩnh nhận đội bóng Hà Nội B nhưng liệu có phát triển bền vững hay sẽ lặp lại tình trạng “xây nhà từ nóc” vốn trước đây diễn ra nhan nhản để rồi nhanh chóng giải thể như trường hợp Sài Gòn Xuân Thành hay Navibank Sài Gòn.
Sau 18 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, song bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là chuyên nghiệp nửa vời, thậm chí có người còn gọi “nghiệp dư trả lương cao” mà thôi!
ANH SẮC