Rào cản lớn nhất cho sản phẩm trong danh mục Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bước ra thị trường không nằm ở phía người sản xuất. Làm thế nào để sản phẩm có chất lượng khẳng định được vị thế ở thị trường bán lẻ, cần rất nhiều sự hợp sức...
Tại Quảng Nam, trong thị trường bán lẻ, ở các thành phố, thị trấn, thị tứ đã xuất hiện nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi với các dòng sản phẩm ngoại nhập. Anh Nhã, chủ một siêu thị mini (TP.Tam Kỳ) với dòng sản phẩm chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... cho biết, người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn các sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt là với các loại thực phẩm, đồ uống... Như vậy, đồng nghĩa với “đối thủ” của hàng Việt đang ngày càng đông, cùng sự chuyên nghiệp của họ ở chất lượng, bao bì và thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội cho hàng Việt, đặc biệt với dòng nông sản, một khi chương trình OCOP thực sự đi vào đời sống, mang lại hiệu quả. Quảng Ninh đã có 31 sản phẩm OCOP được gắn sao xếp hạng và bán ra thị trường với sức mua khá ổn định. Nhưng chương trình này với các tỉnh thành khác vẫn mới chỉ ở giai đoạn đầu, chưa thể đánh giá được hiệu quả mang lại như thế nào. Với Quảng Nam, cùng sự đa dạng của sản vật cũng như điều kiện thuận lợi của giao thông, phát triển du lịch, từ miền núi đến đồng bằng đều có các đặc sản ghi dấu ấn. Dự án mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã có những hiệu ứng tích cực tới từng cụm người tiêu dùng. OCOP tại Quảng Nam vẫn chưa thể đánh giá được sự đón nhận của thị trường, tuy nhiên, ở góc độ chủ thể OCOP, đã có những chuyển biến tích cực. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, các chủ thể OCOP tham gia tập huấn cũng như biết cách để đưa các chia sẻ như thế nào để sản phẩm đạt chất lượng OCOP vào cải tiến ở sản phẩm của mình, vậy nên từng bước đã hoàn thiện hơn về các mặt của một sản phẩm được lựa chọn.
Chị Hồ Thị Mười - chủ cơ sở sản xuất Mười Cường (Nam Trà My) cho biết, khi tham gia các hội chợ, triển làm trưng bày thương mại ở tầm mức quốc gia và quốc tế, các sản phẩm ở dòng đồ uống, thảo dược của cơ sở được người tiêu dùng đón nhận và phản hồi khá tốt. Theo chị, bởi lẽ họ đã biết được về vùng dược liệu Nam Trà My; bên cạnh đó, sau rất nhiều lần được Ban điều hành OCOP các cấp tư vấn, chị hoàn thiện dần bao bì, nhãn mác sản phẩm theo hướng hiện đại, bắt mắt hơn. Điều này càng khẳng định thêm lần nữa về hiệu ứng của truyền thông đối với các đặc sản của vùng đất, nếu không có những hoạt động quảng bá tích cực thì dầu sản phẩm có thực sự chất lượng vẫn rất khó đến được với người tiêu dùng. Cùng với đó, mở rộng cơ hội cho chủ thể OCOP được tiếp nhận và đối sánh với các sản phẩm cùng dòng ở nhiều địa phương, thậm chí nhiều quốc gia khác cũng là cách để họ tự hoàn thiện sản phẩm của mình.
Việc đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP của Quảng Nam đang trong những bước cuối cùng. Hy vọng sau khi có các góp ý từ hội đồng thẩm định nhiều cấp, sản phẩm OCOP sẽ được giới thiệu rộng rãi ra thị trường. Trước khi nghĩ đến việc đưa sản phẩm đi xa hơn, cần phải để người sản xuất và sản phẩm của họ mang tính chuyên nghiệp ở thị trường bán lẻ trong nước.
XUÂN HIỀN