Quốc hội đang bàn về sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội. Ý kiến một số vị đại biểu trên diễn đàn cho thấy cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đang thực hiện một cuộc tự mổ xẻ, tự đưa mình ra làm đối tượng để chẩn bịnh, kê phương. Kết quả còn tùy vào sự đồng thuận cuối cùng, hiệu quả còn tùy vào sự thực hiện sau đó. Nhưng trước mắt, đó là dấu hiệu tốt.
Từ khóa đang được quan tâm, là “đại biểu chuyên trách” và “tính chuyên nghiệp” (của đại biểu Quốc hội). Những con số tỷ lệ chuyên trách 35%, 40%, 50% đang chịu sự thách thức của một số % khác: 100% tính chuyên nghiệp. Đây là một trở ngại có thật, chính Quốc hội cũng thừa nhận rằng có nhiều đại biểu suốt nhiệm kỳ “rất ngại phát biểu” ở các cuộc thảo luận hội trường và cả trong tổ, nhóm.
Phải thừa nhận rằng, để một đại biểu Quốc hội thực thi vai trò của mình một cách chuyên nghiệp, vị đại biểu đó trước hết phải được giải trừ khỏi các trách nhiệm khác không liên quan, có khi còn xung đột với vai trò đại biểu của mình (thậm chí đại biểu Quốc hội còn được miễn trừ tư pháp đối với mọi phát biểu nghị trường nữa kia mà!). Không thể nói một cách duy ý chí rằng đại biểu phải “tự trang bị”, “rèn luyện” cho mình một tinh thần chuyên nghiệp để bước vào nghị trường, theo kiểu như những phong trào thi đua xã hội. Không ai dạy được một vị đại biểu Quốc hội phải như thế nào cả. Vị ấy chỉ cần tham vấn khi cần thiết, vậy thôi. Bởi chắc chắn một người còn phải hí húi đi học những tác phong kỹ năng…, thì chưa đủ tư cách để bước vào cơ quan quyền lực tối cao đó.
Có thể giải thích một phần nào sự “ngại phát biểu” của một số đại biểu - không phải vì cả thẹn, chắc chắn vậy - mà bởi sự xung đột vai trò trong mỗi người. Cái hình thức đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm lâu nay, thực sự là một oái oăm của cơ cấu. Khi một người kiêm nhiệm đứng lên trong nghị trường, vị ấy sẽ phải phát biểu trên lập trường nào? Một đại biểu của dân, một quan chức chính quyền, hay một quan chức Đảng? Cái xác suất nào cho điều lý tưởng rằng tất cả vai trò sẽ trùng khít với nhau không xung đột, đồng thuận hảo hợp, lợi ích đề huề… để cùng đưa ra một lời phát biểu dõng dạc, chí công vô tư? Rất khó.
Bởi vậy, chung quy của những mổ xẻ đáng quý trên Quốc hội mấy hôm nay, vẫn là “quyền tự do” của đại biểu Quốc hội. Còn lại những vấn đề khác, cơ cấu thành phần, kỹ năng chuyên môn, bản lĩnh chính trị, tinh thần chuyên nghiệp... tất cả, cũng không phải là quá nan giải. Hãy giao trách nhiệm đó lại cho những lá phiếu cử tri. Bầu lên những đại diện cho mình, ký thác quyền lực của mình vào các vị đại biểu, người dân cũng phải có trách nhiệm bỏ phiếu cho chín chắn. Còn ai làm thay cho được chuyện đó chứ?