1. Cuối năm 1971 Mỹ rút hết quân ở các căn cứ Quế Sơn, thay chân đóng giữ là các trung đoàn chủ lực của ngụy. Bước sang năm 1972, để tiêu diệt Cấm Dơi, Quân khu 5 chỉ đạo đánh 2 chốt điểm Gò Đá - Quế Thuận và đồn An Xuân - Quế Mỹ (nay là Phú Thọ) để cắt đứt chi viện. Đầu tháng 4.1972 sau khi chuẩn bị chiến trường, Trung đoàn 31 điều động Tiểu đoàn 8 và tăng cường hòa lực mạnh DKZ cối 82, cối 120 cùng lực lượng bộ đội địa phương huyện và du kích các xã dọc đường 105 tiêu diệt đồn An Xuân và Gò Đá.
Theo giờ “G” đã định, 4 giờ sáng 16.4.1972 các cánh quân áp sát rừng cấm An Xuân 200m. Hơn 30 phút sau, pháo hiệu phát lệnh khai hỏa, ta tấn công như bão lửa, quân địch hoảng loạn tháo chạy về phía đông, các cánh quân của ta xuất kích vây chặn. Thuộc cánh quân của Đại đội 1 huyện Quế Sơn, Trung đội trưởng Mai Thịnh cùng 3 chiến sĩ xuất kích theo hướng tây bắc. Trên đường truy bắt tàn quân đang tháo chạy, các ông bắt gặp một lính ngụy bị thương nặng đang quằn quại, máu me đầy người giơ hai tay đầu hàng và xin tha. Trung đội trưởng Mai Thịnh bình tĩnh kiểm tra, thấy người này bị viên đạn bắn từ phía sau lưng, chứng tỏ không phải loại chống trả. Trong lúc chiến trường khói đạn mù mịt, lương tâm Trung đội trưởng Mai Thịnh vẫn nhớ lời Bác Hồ dạy: “Đối với địch phải kiên quyết nhưng tù hàng binh thì khoan dung”. Trung đội trưởng Mai Thịnh lệnh cho một chiến sĩ phụ mình băng bó vết thương, hai người còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới.
Lúc bấy giờ Trung đội trưởng Mai Thịnh lấy từ thắt lưng cuộn băng cá nhân và băng bó cho binh sĩ ngụy. Trong lúc băng bó, người lính gọi tên “anh Thịnh” một cách trìu mến như đã quen biết từ lâu và xin cho nước để uống. Khi Trung đội trưởng Mai Thịnh hỏi sao biết tên, người này bảo đã nghe chiến sĩ đi cùng gọi tên 2 lần. Trung đội trưởng Mai Thịnh cho người này uống một nắp bình đông nước và nói: “Uống một nắp thôi chứ uống nhiều sẽ mất mạng”. Lúc này hai đồng đội cảnh giới thúc giục: “Bọn địch đang giăng hàng ngang từ phía đường sắt, phía sau có cả xe tăng đang triển khai đội hình tái chiếm, ta phải sớm rút khỏi khu vực này”. Trước khi rút đi, Trung đội trưởng Mai Thịnh còn lấy chiếc áo phủ lên người lính ngụy để che cái nắng giữa trời tháng 4 như đổ lửa. Sau đó cả đội men theo bờ đất lách qua phía bắc đường 105, theo sườn núi rút về thôn Đồng Lùng xã Sơn Trung (nay là xã Quế Hiệp) an toàn.
Từ ngày đó cho đến sau giải phóng 1975, Trung đội trưởng Mai Thịnh và các đồng đội may mắn còn sống, đi ra từ bom đạn trở về với cuộc sống hòa bình, lập gia đình và sinh sống tại quê hương. Câu chuyện cứu binh sĩ ngụy ngày nào cũng theo thời gian đi vào quên lãng.
2. Tháng 8.2012, huyện Quế Sơn tổ chức kỷ niệm 40 năm giải phóng Cấm Dơi, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam. Tại Quảng Ngãi, có một người đàn ông tên Huỳnh Tấn Thảo khi xem phim tài liệu về chiến thắng Cấm Dơi trong chương trình kỷ niệm đã nhớ đến anh Giải phóng quân từng cứu mình năm xưa và thôi thúc ông quyết tâm đi tìm ân nhân.
Cuối tháng 8.2012 ông Thảo lên đường đi tìm “anh Thịnh”. Với hành trang gọn nhẹ, đi bằng xe máy, từ huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi ông ra Quảng Nam, đến ngã ba Hương An hỏi đường lên An Xuân, trên đường đi ông được dân địa phương chỉ dẫn tận tình. Người binh sĩ ngụy năm xưa âm thầm đi tìm lại chiến trường nhưng giờ đã đổi thay đất nhiều, ngày xưa chỉ là đồi đất trọc, xóm làng xơ xác, giờ thì rừng tràm bạt ngàn, nhà cửa bên đường khang trang. Ông gặp nhiều người trạc 60 - 70 tuổi để hỏi thăm anh bộ đội tên Thịnh, ai cũng lắc đầu và bảo “ông đi tìm kim đáy bể, biết bao giờ cho được”. Lần đầu tiên đi tìm anh Giải phóng quân không thành công, ông đành quay về quê nhà. Sau đó, từ năm 2013 đến năm 2018, ông Thảo đã hơn chục lần trở lại Quế Sơn, đi khắp làng xã để hỏi thăm vẫn không tìm được tin tức gì.
Tháng 4.2019, ông Thảo lại đi tìm “anh Thịnh”. Đến ngã ba Hương An, ông tạc vào quán cà phê ngay ngã ba ngồi nghỉ và hỏi thăm với hy vọng may ra có người biết. Ông ngồi cùng một số người lớn tuổi và kể câu chuyện đi tìm “anh Thịnh” đã cứu giúp trong chiến tranh cách đây 47 năm trên đất Quế Sơn này. Câu chuyện ông kể tóm tắt nhưng đầy cảm xúc được nhiều người quan tâm. Nghe chuyện, ông Nguyễn Văn Thơi (quê ở Hương An) ngồi bàn bên cạnh bảo: “Trước 1975 tôi là bộ đội huyện, nghe câu chuyện anh kể vô cùng cảm động. Tôi có người bạn thân tên Thịnh là bộ đội huyện cùng thời, hiện sống tại xã Quế Phong nhưng không biết có đúng người anh tìm không. Tôi cho anh số điện thoại liên lạc, may ra có duyên sẽ tìm được”.
3. Hôm đó, gần 9 giờ sáng, đang ở nhà, ông Thịnh thấy số điện thoại lạ gọi đến, nghe từ đầu dây bên kia giọng run run, ngập ngừng: “Em xin lỗi anh, anh có phải là anh Thịnh không?”. “Tôi là Thịnh đây”. “Xin làm phiền anh đôi chút, anh còn nhớ năm 1972, trận đánh rừng cấm An Xuân lính Trung đoàn 56 chạy toán loạn, các anh truy kích rồi gặp một lính ngụy bị thương, anh băng bó cho họ trên đầu hay dưới chân?”. “Câu chuyện mấy chục năm rồi sao nhớ nổi ngày tháng. Tôi chỉ nhớ có một lính ngụy bị thương vùng bụng, tôi băng bó cho họ chứ không băng ở đầu và chân. Nhưng không chắc anh ấy sống nổi với vết thương quá nặng”.
Từ đầu dây bên kia, giọng vang lên như muốn nói to hơn: “Nó còn sống đây, còn sống đây... Em là Huỳnh Tấn Thảo, lính ngụy Trung đoàn 56 đây. Xin lỗi anh, em nói là bị thương đầu hay chân để xem anh có nhớ và đúng người em tìm không, chứ việc băng bó vùng bụng chắc anh sẽ khó quên được... Dù người em nửa tỉnh nửa mê nhưng cái tên “anh Thịnh” em không thể nào quên, gần chục năm nay em lội khắp làng quê Quế Sơn đi tìm người anh tên Thịnh. Vậy trời không phụ lòng tốt con người, em sẽ hỏi đường đến nhà anh ngay”...
Cắt điện thoại, ông Thảo vội vàng chào hỏi mọi người, cảm ơn rối rít. Ai cũng sững sờ, không nghĩ lại may mắn như vậy. Mọi người nhiệt tình chỉ đường và sau hơn 1 giờ đồng hồ ông đã tìm đến xã Quế Phong. Qua khỏi nghĩa trang liệt sĩ, qua cầu Khe Mốc khoảng 200m, ông Thảo đã thấy có người đàn ông đứng đón. Ông Thịnh thấy người lạ và hỏi: “Có phải đang tìm tôi Thịnh đây”. Người lạ ấy reo lên: “Em là Thảo đây anh”. Ông Thảo ôm chầm ân nhân của mình như người anh em ruột thịt bao năm xa cách. Ông Thảo nghẹn ngào, nước mắt cứ tuôn trào: “Dạ em bị thương vào bụng, từ sau ra trước, vết mổ còn nguyên”. Ông Thảo đã cởi áo ngoài và chỉ vào vết thương. Ông Thịnh lặng người: “Đúng rồi, đây là người tôi đã băng bó, cho nước uống cách đây 47 năm”. Ông Thảo kể, từ khi ra viện đến cuối 1972, ông an dưỡng tại nhà, xuất ngũ tháng 2.1973. Những người lính cùng thời nghe ông kể lại câu chuyện, họ cảm động biết bao. Nhiều người đã hướng về cội nguồn, nghĩ đến dòng máu con Hồng cháu Lạc nên vứt bỏ vũ khí, trang phục về với nhân dân.