Chuyện người chiến sĩ công binh

NGUYỄN QUANG VIỆT 15/03/2014 08:07

Ông Lữ Tấn Xa (80 tuổi) kể chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về quãng đời hoạt động cách mạng của mình. Với ý chí kiên cường, anh dũng, năng động, cựu chiến sĩ công binh này đã lập được nhiều chiến công hiển hách năm xưa...

Chúng tôi đến nhà ông Lữ Tấn Xa sau bao ngả đường quanh co qua thôn Hiền Lương, xã Bình Giang (Thăng Bình) vào một ngày đầu tháng 3. Mới gặp, rất khó tin được cụ ông có vóc dáng nhỏ, hơi gầy lại là một chiến sĩ công binh từng được vinh danh bằng nhiều huân chương, chiến công. Nhấp nháy đôi mắt tinh anh ông bảo: “Lớn lên trong hoàn cảnh quê hương bị giặc tàn phá nặng nề nên tôi tham gia hoạt động cách mạng. Chỉ vậy thôi chứ có công trạng chi nhiều đâu”. Vậy mà, ngồi với chúng tôi hàng giờ, ông đã kể nhiều câu chuyện đến ly kỳ.

Cựu chiến sĩ công binh đặc công Lữ Tấn Xa. Ảnh: Q.VIỆT
Cựu chiến sĩ công binh đặc công Lữ Tấn Xa. Ảnh: Q.VIỆT

Ông sinh năm 1930. Ngày 1.1.1948, ông nhập ngũ, được phiên vào Đại đội 11, Trung đoàn 108 (Liên khu 5). Ông kể, lúc ấy dù đã bước sang tuổi 18 nhưng ông vẫn còn thấp bé nhẹ cân, không đủ điều kiện nhập ngũ. Với tâm thế hừng hực cách mạng, quyết tâm đi bộ đội, ông đã lén bỏ đá vào trong trang phục để cân nặng đủ chuẩn tòng quân. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới tại Cẩm Khê (thuộc Tam Kỳ cũ), ông đề xuất cấp trên cho đi học công binh đặc công. Trở thành chiến sĩ công binh đặc công vào thời điểm bấy giờ đồng nghĩa với việc chấp nhận “hy sinh vì nghĩa lớn”, bởi rất nhiều người hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chú tâm rèn luyện, cùng với sự mưu trí của bản thân, sau khi hoàn thành khóa đào tạo công binh đặc công, ông đã trang bị cho mình các kỹ năng đánh giặc “xuất quỷ nhập thần”.

Năm 1949, tình hình chiến trường có những diễn biến ác liệt. Riêng tại Liên khu 5, thực dân Pháp thiết lập hệ thống tháp canh kiên cố để tăng cường kiểm soát. Lúc này, ông được Đại đội 120, Trung đoàn 108 (Liên khu 5) tin tưởng giao nhiệm vụ điều tra các mục tiêu của địch tại khu vực Nam Ô (Xuân Thiều, TP.Đà Nẵng bây giờ). Trong lúc thi hành nhiệm vụ, ông nhận thấy giặc đang khẩn trương chuẩn bị vận chuyển binh lính, vũ khí từ Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng. Lúc này chiến lược của ta là chủ động chia cắt giao thông, ngăn chặn nguồn tiếp tế của địch, tạo thuận lợi để ta tiêu diệt sinh lực địch. Sau khi khảo sát nắm kỹ tình hình, ông đề xuất với cấp trên bí mật tiêu diệt địch khi chúng đang vận chuyển quân và vũ khí từ Huế vào chi viện Đà Nẵng. Và nhiệm vụ này cũng được giao cho ông. Để thực hiện nhiệm vụ, ông chọn thời điểm khuya khoắt, trời mưa to, đưa thuốc nổ TNT, C4H2, dây cháy chậm, tiếp cận mục tiêu. Sau khi đột nhập, ông cài 60kg thuốc nổ vào 2 đầu máy và lô cốt của địch... Tiếng nổ vang trời cùng quả cầu lửa bùng lên phá nát lô cốt địch, làm hỏng hoàn toàn 2 đầu máy kéo và tiêu diệt 6 tên địch. Chiến công đầu tiên này đến nay vẫn ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc đời ông. Trận đánh gây tiếng vang rất lớn vì đã góp phần quan trọng làm hỏng hoàn toàn kế hoạch chi viện cho chiến trường Đà Nẵng của địch. Trong khi đó, với đà thắng lợi, ta tiêu diệt thêm nhiều cứ điểm quan trọng của địch tại đây. Sau chiến công này, Lữ Tấn Xa được đề nghị tặng Huân chương Chiến sĩ giết giặc hạng Nhì và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng (ngày 10.7.1949).

Trong thời gian hoạt động cách mạng, ông Lữ Tấn Xa đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Giải phóng các hạng Nhất Nhì Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba; Chiến sĩ giết giặc hạng Nhất cùng hơn 20 bằng khen, giấy khen.

Đầu những năm 1950, với cương vị Tiểu đội trưởng công binh, ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đánh lô cốt Gò Ông Tự (Hòa Liên, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng ngày nay) của địch. Nhận nhiệm vụ, ông phối hợp với Xã đội Hòa Liên nắm kỹ tình hình, chủ động lựa chọn phương án tác chiến phù hợp. Mang theo 30kg thuốc nổ, ông nhanh chóng luồn lách vượt qua các lớp rào tiếp cận lô cốt của địch, nép mình chờ thời cơ. Đến khoảng 2 giờ đêm, trời mưa lạnh, địch mất cảnh giác, ông thêm một lần nữa lập chiến công sau khi phá hủy lô cốt của địch và tiêu diệt được 9 tên địch. “Thêm một chiến tích là thêm một bài học kinh nghiệm. Tôi nhận ra rằng, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao thì phải thấu suốt tình hình, trinh sát kỹ, xác định cách đánh phù hợp nhất. Khi hành động thì phải nhanh chóng, khéo léo, quả cảm. Đó chính là tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vậy!” - ông dừng câu chuyện, bảo.

Sang những năm 1951 - 1954, ông được tổ chức phân công chỉ huy và tham gia các trận đánh lớn từ Quảng Đà cho đến Khánh Hòa. Trong thời gian này, chiến sĩ đặc công Lữ Tấn Xa đã tham gia và chỉ huy hơn 40 trận đánh, riêng bản thân tiêu diệt hơn 30 tên địch. Với các thành tích xuất sắc đó, ông vinh dự được đơn vị cử ra Hà Nội gặp Bác Hồ và dự lễ tuyên dương được tổ chức năm 1954.

Sau năm 1954, ông được phân công ra miền Bắc học tập. Cuối năm 1960, sau khi được đào tạo pháo binh, ông về công tác tại Tiểu đoàn Pháo binh đứng chân trên địa bàn Gia Lai - Kon Tum, chức vụ Đại đội trưởng. Thời gian này, ông đã trực tiếp chỉ huy quân ta tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích ngụy tại Biển Hồ. Đến năm 1962, ông chỉ huy đánh trận Đăk Tô, tiêu diệt 1 trung đội ngụy quân. Sau trận này, ông vinh dự được Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tặng danh hiệu “Chiến sĩ giết giặc hạng Nhất”. Từ những năm 1966 cho đến ngày đất nước giải phóng, ông trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn trong Tết Mậu Thân (1968) và chiến trường Đông Nam Bộ. Sau giải phóng, ông về công tác tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 389, Quân khu 5 rồi về nghỉ hưu tại địa phương.

Ngồi trong căn phòng nhỏ, kể lại những tháng ngày chiến đấu, đôi khi ánh mắt ông hoài niệm đượm buồn. Ông nhớ nhiều đồng đội đã hiên ngang ngã xuống: “Chiến tranh. Đại cuộc thì có thể vin vào lẽ phải, chính nghĩa mà nhận định còn - mất, chứ mỗi cá nhân mà lại là lính đặc công thì không ai biết trước được điều gì. Nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống khi đang thực hiện nhiệm vụ mà trên môi như vẫn nở nụ cười”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện người chiến sĩ công binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO