Người máy Sophia vừa đến Việt Nam dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0.
Ngoài phát biểu đã được lập trình về cách mạng công nghệ 4.0, nàng Sophia còn có thể trả lời phỏng vấn, thể hiện những cảm xúc trên khuôn mặt. Nếu chỉ nhìn nụ cười với hàm răng trắng bóng, những cú liếc mắt, cái nhếch môi… thấy rất giống con người. Hình ảnh ấy khiến cho nhiều khán thính giả bày tỏ sự thán phục và cả những nỗi lo sợ mơ hồ do phim ảnh đã từng gợi lên. Bởi cách đây ít năm khi Sophia trả lời phỏng vấn đã nói đùa rằng “tôi sẽ hủy diệt con người”. Điện ảnh Mỹ cũng gieo rắc ám ảnh từ sự tưởng tượng một ngày người máy nổi loạn sẽ không ai kiểm soát được. Với trí thông minh nhân tạo, người máy có thể ứng phó nhiều tình huống bằng sự chính xác đến lạnh lùng, vô cảm, do vậy nếu cài đặt những mã lệnh “độc” thì sức tàn phá rất lớn (như trong phim Kẻ hủy diệt – Terminator). Không ăn uống, không nghỉ ngơi, không thổn thức, không đau khổ… người máy sẽ tạo ra một thế giới không có nhu cầu dinh dưỡng, không trái tim. Và mặc dù đã được cấp quyền công dân ở Ả rập Xê út, Sophia có thể nhân bản ra cả thế giới. Lúc đó cộng đồng người máy hình thành sẽ thống trị trở lại con người.
Đúng là sức tưởng tượng của phim ảnh có thể gieo rắc hoài nghi về sự mất kiểm soát trí thông minh nhân tạo, thành tựu của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, nàng Sophia đã nói (chắc cũng do lập trình sẵn) là nàng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con người, làm cho đời sống con người an toàn hơn. Rồi đây những người máy như nàng Sophia có thể lao động trong môi trường độc hại hay ở nơi nguy hiểm mà sức con người không chịu đựng được. Các nàng có thể đi vào nhà máy công nghiệp làm việc mà không xả ra một chút chất thải nào làm hại môi trường. Robot có thể làm cô giáo mang trong mình cả khối lượng tư liệu, dữ liệu đồ sộ mà không con người nào đủ thời gian để tìm kiếm kiến thức từ các thư viện và mang theo mình. Các nàng Sophia có thể làm tiếp viên nhà hàng, khách sạn giúp du khách tiết kiệm chi phí, thời gian tìm kiếm dịch vụ thích hợp, mà không tốn thêm một đồng “bo” nào; hoặc có thể làm bác sĩ phẫu thuật với kỹ năng thao tác chính xác mà không có gì phải hồi hộp, lo sợ. Và, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để xây dựng mạng lưới giao thông thông minh, thành phố thông minh hay cánh đồng thông minh…
Như vậy, bất cứ thành tựu công nghệ nào cũng có hai mặt tốt và xấu tùy theo sự lựa chọn của con người cho mục đích gì. Như trước đây, công nghệ hạt nhân có ích cho nhiều ngành lĩnh vực, nhưng khi làm bom hạt nhân thì tự con người cài bẫy nguy hiểm cho chính mình. Những robot thông minh được chế tạo để làm công cụ, phương tiện sản xuất ra của cải nhiều hơn cho con người. Còn biến nó thành vũ khí hủy diệt thì chỉ những kẻ tham tàn điên rồ mới nghĩ tới. Đó cũng là hai mặt mâu thuẫn như ánh sáng và bóng tối trong sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Do vậy, sản phẩm trí tuệ nhân tạo cần có hành lang pháp lý và công cụ kỹ thuật khác điều chỉnh, kiểm soát, ít ra là có một cái công tắc để giữ bộ điều khiển khi vận hành.
Thành tựu của công nghệ, với trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần rất lớn cho cuộc sống con người ở tương lai. Chuyện rất gần, như các chuyên gia dự báo là ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ rộng khắp từ năm 2030 trở đi. Phải chăng lúc đó nhiều người sẽ mất việc, hoặc không có việc làm? Có khả năng như vậy với những ngành thâm dụng lao động mà công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Còn những sáng tạo thì chỉ có con người mới có. Nàng Sophia có thể làm kỹ thuật viên trong các tòa báo, có thể làm diễn viên đóng thế trong các pha nguy hiểm của phim ảnh, nhưng làm sao có thể thay con người trong vô vàn tình huống cần sự rung cảm của nghệ thuật đến từ trái tim, từ sáng tạo.
Khởi nghiệp sáng tạo khiến cho xã hội phát triển không ngừng mà “không có ai bị bỏ lại phía sau”.
ĐĂNG QUANG