Chuyện người nữ chiến sĩ Tà Riềng

HỨA CHUNG 12/04/2013 07:51

Cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nay tuổi gần 70, bà Zơrâm Thị Nhoi - người nữ chiến sĩ dân tộc Tà Riềng năm xưa (ở thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) vẫn tận tâm tiếp sức cho học sinh về trung tâm huyện trọ học…

Bà Zơrâm Thị Nhoi bên những tấm ảnh kỷ niệm cùng đồng đội từng một thời vào sinh ra tử.  Ảnh: HỨA CHUNG
Bà Zơrâm Thị Nhoi bên những tấm ảnh kỷ niệm cùng đồng đội từng một thời vào sinh ra tử. Ảnh: HỨA CHUNG

Những năm tháng không quên

Chúng tôi đến nhà bà Zơrâm Thị Nhoi vào một chiều đầu tháng Tư. Trong gian phòng khách của căn nhà nhỏ, trên vách treo kín Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen khác... ghi nhận công lao, thành tích của bà. Đã gần 70 tuổi, nhưng những ký ức một thời khói lửa năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong câu chuyện kể của bà.

Năm 1962, cô gái Tà Riềng Zơrâm Thị Nhoi vừa tròn 17 tuổi, tạm biệt xóm La La (nay là thôn Đắc Tờ Vâng, xã La Dêê, Nam Giang) tham gia lực lượng thanh niên xung phong rồi xin đi bộ đội. Với sự nhanh nhẹn, mưu trí, năm 1968, Zơrâm Thị Nhoi được cấp trên tin tưởng giao giữ chức vụ Chính trị viên phó đơn vị C13, Tiểu đoàn Bình Sơn thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5. Đây cũng là năm chiến trường miền núi này diễn ra ác liệt. Và ngày 28.8.1968 là ngày không bao giờ quên trong ký ức của bà, ngày người đàn ông bà yêu thương vĩnh viễn nằm lại tại chiến trường. “Lúc đó trời vẫn chưa sáng tỏ, bất chợt chúng tôi nghe thấy ai đó hô to như ra lệnh “B52 đấy, tất cả trung đội xuống hầm nhanh!”. Ngay sau đó tôi bị thương và mê man không biết gì nữa” - bà Nhoi kể. Đợt đó, trung đội của bà có 5 người hy sinh, 5 người bị thương nặng. Hầm trú ẩn của bà có 4 người thì 2 người hy sinh, bà và một nữ y tá là bà Pơloong Thị Tú (hiện ở tổ 7, thôn Dung) bị thương phải chuyển về điều trị tại Bệnh viện B46 (đóng trên đất Lào). Các bác sĩ cho bà hay, trên ngực bà có 4 mảnh bom bi và 1 mảnh bom găm vào phổi, nhưng không lấy ra được, vì phần ngực đã có quá nhiều vết thương, không thể phẫu thuật được nữa. Một nỗi đau khác giằng xé bà sau trận mưa bom đó là người đàn ông đã cùng bà hẹn ước “chờ ngày đất nước thống nhất, ông sẽ mang chiêng ché về quê bà hỏi bà làm vợ” cũng đã hy sinh. Chính ông là người đã lấy thân mình che chở cho bà, không để bà bị thương nhiều hơn…

Biến đau thương thành sức mạnh, bà quyết tâm điều trị để sớm hồi phục quay trở lại chiến trường phục vụ kháng chiến. Sau một tháng nằm viện B46, bà được chuyển ra Bệnh viện Kim Bảng (tỉnh Nam Hà cũ) để tiếp tục điều trị. Ngay khi hồi phục, bà tham gia làm đường tại xã Đức Bồng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Đến tháng 3.1972 bà trở về chiến trường Quảng Đà.

Sau ngày quê hương giải phóng, bà về công tác tại trường Văn hóa Hạ sĩ quan thuộc Tỉnh đội Quảng Nam đóng tại Hội An. Tháng 8.1977, bà được chuyển ngành về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang) và nghỉ hưu vào năm 1986.

Đến nay, những mảnh bom bi vẫn còn nằm lại trong cơ thể, mỗi khi trái gió trở trời, chúng lại hành hạ bà. Nỗi đau đó cũng đã khiến bà không thể quên được ông - người bạn, đồng đội, đồng chí đã bảo vệ bà trong trận bom tháng 8.1968. Và bà đã thủy chung một đời với mối tình ấy…

Tiếp sức học trò

Thôn Dung từ lâu đã được biết đến với những câu chuyện dựng lều trọ học của học sinh vùng cao xuống trung tâm huyện học chữ. Ắt hẳn giấc mơ với con chữ của các em sẽ bội phần khó khăn nếu như không có sự giúp đỡ của những tấm lòng thảo thơm - những chủ nhà nơi các em được ở trọ miễn phí. Và bà Nhoi là một trong những tấm lòng thảo thơm đó.

Mặc dù sống một mình, nhưng trong nhà bà Nhoi có đến 3 chiếc giường. Bà cũng không nhớ mình đã nuôi học sinh các xã vùng sâu, vùng cao xuống trọ học từ năm nào. Chỉ biết là từ khi có trường cấp 2, 3 của huyện, hàng năm ít nhất có từ 5 - 8  học sinh ở các bản làng xa xôi về huyện theo học bậc THPT ở trọ nhà bà. Hầu hết học sinh trọ học nhà bà có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không có khả năng chu cấp cho con ăn học. Thương các em ham học, thế là bà tần tảo sớm hôm nương rẫy cùng với đồng lương hưu chắt bóp nuôi các em bằng bữa cơm đơn sơ mỗi ngày. Không ít lần hàng xóm bảo bà “dại”, đi nuôi người dưng, sau này chúng trưởng thành có còn nhớ đến bà chăng? Bà cười trả lời: “Nhớ hay không là tấm lòng của các cháu, còn bây giờ các cháu cần được giúp đỡ để học tập. Tôi chỉ mong các cháu học tập đến nơi đến chốn, trưởng thành về giúp đỡ quê hương là tốt rồi”.

Hôm chúng tôi đến cũng là ngày Zơrâm Lanh được nghỉ hè về thăm người bà đã nuôi mình ăn học. Zơrâm Lanh đang học ngành nông - lâm trường Đại học Tây Nguyên. Gia đình Lanh rất nghèo, nếu không có sự giúp đỡ của bà Nhoi thì có lẽ cô gái này bây giờ đã tay bế tay bồng và lam lũ trên nương rẫy. Lanh chia sẻ: “Nhà đông anh em, bố mẹ chỉ làm nương rẫy nên tôi không nghĩ là mình có thể tiếp tục được đi học. Hồi còn học phổ thông, cả học kỳ bố mẹ chỉ cho tôi 100 nghìn đồng. Mọi ăn uống, sinh hoạt may có bà Nhoi giúp đỡ. Không chỉ có tôi, các bạn khác cũng được bà Nhoi giúp đỡ tận tình khi xuống thị trấn trọ học”.

Xa nhà nên những lúc các em đau ốm, một mình bà Nhoi phải chạy đôn chạy đáo lo thuốc thang, cơm nước. Lứa học trò trước chưa xong, lứa sau đã tới, bà đều hết mình giúp đỡ. Giờ đây đã có rất nhiều học sinh ngày trước trọ học ở nhà bà đã là bác sĩ, giáo viên… Họ vẫn thường về thăm, hỏi han, lo lắng cho sức khỏe của bà, hỗ trợ chăm lo cho các lứa học sinh đàn em. Với bà Nhoi, việc trả ơn của lớp lớp học sinh chẳng mong gì nhiều, chỉ cần có thế.

HỨA CHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện người nữ chiến sĩ Tà Riềng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO