Chuyện nhà báo viết văn hay nhà văn viết báo vốn không là chuyện lạ lâu nay, song đội ngũ viết văn kiêm viết báo trụ được với cả hai nghề và để lại dấu ấn lại không nhiều. Thế kỷ XX, Phan Khôi (1887 - 1959) xuất hiện và làm mưa làm gió trên văn đàn, đồng thời ông còn là một nhà báo hết sức tài năng, tên tuổi và sự nghiệp hết sức xán lạn. Có thể nói, Phan Khôi là nhà văn - nhà báo đầu tiên của Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung và là người tiên phong, có nhiều cách tân, làm phong phú nền văn học và báo chí Việt Nam.
Thế kỷ XX, đất Quảng lại sản sinh ra một thế hệ nhà văn - nhà báo nổi tiếng như: Nguyên Ngọc, Vũ Đức Sao Biển, Chu Cẩm Phong (1941 - 1971), Lê Minh Quốc… Đội ngũ những người cầm bút trụ được với cả hai nghề văn - báo còn có thể kể tới Hồ Duy Lệ, Nguyễn Tam Mỹ, Lê Anh Dũng, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Hữu Đổng, Phan Chín… Đó cũng là những gương mặt có đóng góp vào sự nghiệp phát triển của báo chí đất Quảng. Chuyện nhà báo viết văn hay nhà văn viết báo kể ra thì cũng dài dòng, lắm điều để nói. Có người còn ví nhà báo viết văn như “con đò chạy giữa hai dòng”.
Tác giả Vũ Đức Sao Biển tặng sách cho bạn đọc. |
Vũ Đức Sao Biển là một trong số những người tạo được dấu ấn với cả hai mảng văn - báo. Không chỉ thành công trên lĩnh vực âm nhạc, báo chí, dịch thuật, Vũ Đức Sao Biển còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học tạo được sự chú ý của dư luận. Trong đó, tác phẩm “Sách từ những bài báo” vốn được in từ những bài báo của ông lại là những tác phẩm bán khá chạy. Đó là những tập “Oan khuất AQ”, “Kim Dung giữa đời tôi”, “Án lạ phương Nam”, “Dân gian kỳ cục án”… Tiểu thuyết dài tập “Sông lạc đường về” đang được một hãng phim truyện chuyển thể thành kịch bản phim. Mới đây ông lại cho in 2 cuốn tạp văn “Dài và to”, “Xuân dược” vốn là những bài phiếm luận thâm thúy, giàu chất văn. Đề cập về câu chuyện văn - báo, Vũ Đức Sao Biển quan niệm rằng, văn chương trong tác phẩm văn học là thứ văn chương bay bổng, lãng mạn, còn văn chương báo chí là văn chương rất hiện thực, gắn liền với thực tế cuộc sống mà nhà báo cần phản ánh. Nếu tác phẩm văn học kén chọn người đọc thì tác phẩm báo chí lại phải đáp ứng nhiều trình độ khác nhau của nhiều người đọc. Nghĩa là nhà báo viết thế nào mà một người học ít cũng hiểu được và một ông tiến sĩ cũng có thể chấp nhận được… Ông cũng cho rằng, nhiều nhà báo trưởng thành từ công việc viết văn và từ địa hạt viết văn chuyển sang và ngược lại; bản thân ông không là ngoại lệ. Văn hay báo, vấn đề là ở kỹ năng diễn đạt.
Trong khi đó, nhà báo - nhà văn Nguyễn Tam Mỹ lại quan niệm, đối với ông hai nghề văn - báo vốn hỗ trợ cho nhau chứ không “đá” nhau. Khi làm báo, ông có điều kiện thâm nhập thực tế, vốn sống từ trải nghiệm là nguồn tư liệu, chất liệu dồi dào để những tác phẩm văn học của ông ra đời. Tuy nhiên, làn ranh giữa báo - văn cũng rất mỏng manh. Viết báo - đòi hỏi hình thành cấu trúc bài viết làm sao để độc giả hiểu được, đọc được và hiểu đúng. Còn tác phẩm văn học đòi hỏi phải có tư duy trừu tượng, tổng hợp, ngôn ngữ giàu hình tượng, văn vẻ, hư cấu cộng với niềm đam mê, trí tưởng tượng, cảm xúc bay bổng. Để viết văn và thoát khỏi sự “ảnh hưởng” của báo, ông phải mất 5 năm để tập viết văn. Truyện ngắn đầu tiên ra đời, ông tự nghiệm tác phẩm chứa 50% chất văn và 50% chất báo. Rồi phải mất cả chục năm sau đó, cứ viết rồi lại bỏ, cuối cùng thì tập sách văn học hẳn hoi đã ra đời - truyện ngắn “Ma và người” từng đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần I. Đối với ông, người viết báo cần trái tim nóng và cái đầu lạnh, nhưng với anh viết văn, cần cả trái tim nóng và cái đầu nóng… Vì vậy, để thoát khỏi làn ranh mỏng manh giữa văn - báo, ông phải phân thân thành một con người khác khi viết văn và ngược lại… “Nghề báo, nghề văn hỗ trợ cho nhau, đồng hành với nhau, nhưng đôi khi chính anh nhà báo lại giết chết chị nhà văn nếu không tự phân thân thành hai con người khác” - nhà báo, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ nói. Được biết, Nguyễn Tam Mỹ hiện là tác giả của hàng chục truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ và bút ký.
Là người con gốc Quảng, Lê Minh Quốc hiện là tác giả của hơn 30 đầu sách đa thể loại: thơ, tiểu thuyết lịch sử, khảo luận. Gần đây nhất, anh lại cho ra đời một số tác phẩm gây sự chú ý của dư luận như: tập bút ký “Gái đẹp trong tôi”, tùy bút “Tôi và đàn bà”, tập tiểu luận “Khi tổ ấm nhảy Lambada”, tiểu thuyết hoạt kê, trào phúng “Đời, thế mà vui”… Lê Minh Quốc được nhiều người gọi đùa là người Quảng Nam “chính hiệu”. Không biết có phải do anh là người con đất Quảng hay không, chỉ biết qua các trang viết về quê nhà, dễ nhận thấy một Lê Minh Quốc am hiểu sâu sắc về lịch sử vùng đất, văn hóa, ẩm thực xứ Quảng. Bản tính “Quảng Nam hay cãi” nhiều phen vận vào Lê Minh Quốc và chính anh cũng tự thú nhận: “Bản chất người Quảng vốn “ăn cục nói hòn”, “nghĩ sao nói vậy”, không giỏi mồm mép, không “mồm mép đỡ chân tay”; họ ghét những kẻ “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”!... Tham gia công tác tại Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh từ năm 1988, đến nay anh giữ chức vụ Thư ký tòa soạn của báo, là tác giả của hàng trăm bài báo và hàng ngàn bài viết trên các báo, tập chí, website www.leminhquoc.vn...
HOÀNG LIÊN