Bùi Huy Tín là một doanh nhân, nghị viên dân biểu Bắc kỳ, nhưng sự nghiệp của ông lại có nhiều thành công gắn liền với vùng đất miền Trung, từ xứ Thanh, xứ Nghệ vô tới xứ Quảng, xứ Trầm Hương.
Mua lại nhà máy nước của người Pháp
Khởi đầu bởi việc đấu thầu thành công gói thi công tuyến đường sắt Vinh - Đông Hà mà từ năm 1919, ông Bùi Huy Tín đến Huế làm ăn, mở nhà in Đắc Lập rồi mở rộng dần doanh nghiệp vào Nam. Đến đâu ông cũng hình thành các dự án công nghiệp nổi tiếng, còn đến ngày nay, tiêu biểu như nhà máy nước Vĩnh Điện (Quảng Nam) và nhà máy nước khoáng Vĩnh Hảo (Nha Trang). Đáng chú ý là từ công trình nhà máy nước Vĩnh Điện đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư của ông Bùi Huy Tín trên đất Quảng Nam (Công báo Trung kỳ, số 16/1923, tr. 1.048 - 1.051).
Vùng lưu vực châu thổ sông Thu Bồn có tiềm năng nông nghiệp dồi dào nên vấn đề thủy nông trước nay luôn được coi trọng đặc biệt. Khu vực nhà máy nước này, từ năm 1923 - 1924 thuộc sở hữu của hai thương gia người Pháp là Buttier và Daurelle, đặc biệt liên quan tới Nhà máy thủy nông Tân Mỹ (Công báo Trung kỳ, số 12/1923; số 5/1924).
Đáng tiếc là trong quá trình vận hành, giữa chủ nhà máy nước và các chủ ruộng thiếu thống nhất trong nhiều điểm “không hạp nhau” nên nhà máy hoạt động kém hiệu quả, các chủ trước đành đồng ý bán lại cho ông Bùi Huy Tín. Ông mua lại và đầu tư vào nhà máy nước ở Vĩnh Điện với khát vọng mở mang canh nông giúp bà con phát triển vùng đất này.
Tiếp nhận cơ ngơi này, ông Bùi Huy Tín bắt đầu điều đình lại với các điền chủ, lấy sự hòa hợp đối thoại trao đổi để đạt được thuận tình trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên. Nhờ vậy nên chỉ vài năm mà công việc nhà máy đã đem lại hiệu quả tốt đẹp.
Từ đó, ông tiếp tục cho đầu tư xây dựng thêm một nhà máy nước lớn tương tự nữa để giúp bà con có thể tưới thêm nhiều đồng ruộng vốn thiếu nước ở trong vùng. Trên nhiều khoảnh đất khô ở vùng Vĩnh Điện, người dân sống nghèo khó, ông Bùi Huy Tín mong muốn cho sinh kế của bà con thêm phần khởi sắc, sớm xây dựng nơi đây trở nên một khu phố thị lớn.
Xây thêm nhà máy nước hiện đại
Nhờ sự thân thiện và sự quản trị giỏi của ông Bùi Huy Tín mà quá trình xây dựng khu nhà máy nước thứ hai tại Vĩnh Điện được xúc tiến quyết liệt, để đến ngày 28.1.1928 (mùng 6 tết), đã diễn ra lễ khánh thành nhà máy trên sông Vĩnh Điện.
Đó là một khu vực có mấy tòa nhà gạch, tường vôi trắng xóa, mái ngói đỏ tươi, lại thêm một cái ống khói trổ qua nóc nhà vót thẳng lên trời xanh, cờ xí trang hoàng la liệt, án hương bái vọng khắp đường, người người qua lại tấp nập, với sự góp mặt của đông đảo quan dân.
Đặc biệt buổi lễ có sự hiện diện của cả quan Khâm sứ Trung kỳ Friès, các quan Cơ mật Viện đại thần, Công sứ Hội An Colombon, quan tỉnh Quảng Nam, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ Huỳnh Thúc Kháng cùng các nhà thương mại người Việt, người Pháp.
Trong diễn văn nhấn mạnh công nghiệp ông Bùi Huy Tín, Công sứ Hội An Colombon cho biết nhà máy nước thứ hai này có công suất tưới được 1.000 mẫu, bổ sung cho nhà máy thứ nhất cũng tưới được hơn 1.000 mẫu, thiết thực giúp cho người dân trong vùng làm ăn phát đạt.
Ngoài ý nghĩa dân sinh, Công sứ Colombon đặc biệt nhấn mạnh tới sự nghiệp, đóng góp của ông Bùi Huy Tín, như việc công ích thì làm đường hỏa xa, làm cầu cống, đường sá; việc công nghệ thì mở nhà in sách, lập nhà báo chương, việc canh nông thì khai phá ruộng hoang ở Phú Thọ, Bỉm Sơn, Hương Khê...
Với tư cách ủy viên Phòng Thương mại, Ủy viên Thành phố Hà Nội và Thơ ký Viện Dân biểu Bắc kỳ, ông đã mở mang hoạt động vào miền Trung, cụ thể như ở công trình nhà máy nước Vĩnh Điện, sau này là ở cả Duy Xuyên, Nam Ô; khai thác cát ở Quảng Nam (Công báo Trung kỳ, số 16/1932; số 20/1933; số 24/1934).
Tại buổi lễ trên, quan Khâm sứ và quan Cơ Mật viện đại thần ban thưởng Kim tiền cho ông Quản lý nhà máy nước là Lê Hà Hoành, Long bội tinh cho ông Đại lý hội máy nước Nguyễn Khoa Đồng, hai đồng ngân tiền cho hai người làm máy.
Động cơ nhà máy nước Vĩnh Điện chạy bằng máy phát điện được đốt bằng củi hoặc than, công suất 120 mã lực, mỗi giờ bơm được 4.000m3 nước. Điểm nổi bật ở đây là toàn bộ công nhân trong nhà máy đều là người Việt và họ vận hành các bộ phận cũng rất thông thạo, lành nghề. Ông Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ Huỳnh Thúc Kháng phát biểu chúc cho hội máy nước phát đạt, ước ao nhà nước săn sóc và tán thành cho công việc kỹ nghệ ở trong nước luôn phát triển.
Buổi lễ khánh thành đặc biệt long trọng nhờ sự có mặt của 41 vị khách đặc biệt tham dự buổi tiệc, cùng hàng vạn dân chúng đến xem. Đêm hôm ấy, ông Bùi Huy Tín còn mở tiệc mời thân hào, các nhà thương mại, tòng sự ở các công sở, ban trưởng phú thương người Hoa ở Hội An và Đà Nẵng đến dự.
Sau cùng, như lệ thường là buổi hát tuồng cho đại biểu và dân chúng đến xem, thực sự là một tiệc lễ rất long trọng hiếm có trong vùng (Nhân Đình, 1928, “Quảng Nam: lạc thành nhà máy Dẫn thủy nhập điền ở Vĩnh Điện”, Huế: Thần Kinh tạp chí, số 9 [2/1928], tr. 634-637).
*
* *
Sự nghiệp của ông Bùi Huy Tín là một tấm gương sáng, đặc biệt là trong tinh thần tiến thủ của người Việt đầu thế kỷ 20 trong môi trường kinh tế đầy cạnh tranh với người Pháp, người Hoa. Yếu tố “nội hóa” luôn gắn liền lòng tự hào, cùng khát vọng mở mang, đem lại sự phồn thịnh của người Việt, như là một yếu tố mang tính nền tảng căn bản cho xã hội. Về sau, trên đất Quảng Nam lần lượt mọc lên nhiều nhà máy thủy nông quan trọng, thiết thực phát triển nông nghiệp trên vùng lưu vực sông Thu Bồn nói riêng và khắp xứ Quảng nói chung.