Nhớ lại năm 2010, Sáu Còi về tìm hiểu thực tế mô hình khu thực hành an toàn giao thông (ATGT) do Ban ATGT tỉnh hỗ trợ kinh phí thiết lập trong khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu (xã Đại An, Đại Lộc). Lúc bấy giờ, thầy Huỳnh Văn Bình - Hiệu trưởng nhà trường rất vui mừng, ông còn chia sẻ về những ý tưởng cũng như hiệu quả mà mô hình này mang lại, học sinh sẽ được thực hành thay vì nghe lý thuyết suông, tạo cho các em sự hứng thú khi tìm hiểu và ghi nhớ tại chỗ.
Ví dụ, qua thực hành trực quan trên mô hình, học sinh sẽ biết đi bên tay phải là đi sát lề đường theo chiều đi của mình. Rồi trong giờ thực hành, lợi ích và quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm (MBH) được nhà trường phổ biến, tuyên truyền cho các em một cách dễ nhớ, dễ áp dụng một khi ngồi trên mô tô, xe máy điện, xe đạp điện; giúp rèn luyện tốt kỹ năng ứng xử, cùng kinh nghiệm ATGT cần thiết. Thầy Bình còn trải lòng về ích lợi của quy định bắt buộc đội MBH với người điều khiển, người ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông...
Đến bây giờ đã qua hơn 10 năm, khắp nơi trong tỉnh, chuyện người điều khiển, người ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông không chấp hành quy định bắt buộc đội MBH vẫn còn nhan nhản.
Theo chuyên gia về ATGT, có 5 yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có hành vi không đội MBH. Việc không sử dụng MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện sẽ tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Với trường hợp có đội MBH nguy cơ tử vong sẽ giảm, nguy cơ bị tàn phế suốt đời cũng giảm đến 85% so với người không đội MBH khi chẳng may gặp tai nạn.
Để nâng cao ý thức và bảo vệ tính mạng của người dân, pháp luật quy định bắt buộc đội MBH. Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng đối với người đi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô, tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội MBH, hoặc đội mà không cài quai đúng quy cách.
Có thể nói, với nhiều người, đội MBH tưởng chừng là chuyện nhỏ, là không quan trọng nhưng thực chất chúng chính là vật bảo vệ tính mạng của họ khi xảy ra tai nạn giao thông. Quy định của pháp luật và xử phạt hành chính chỉ là một phần nhỏ trong biện pháp chế tài dành cho người vi phạm không đội MBH.
Tuy nhiên, nhận thức của mỗi cá nhân mới là quan trọng, phải thấy đội MBH là tự giác chấp hành pháp luật, là không muốn lạc lõng giữa cộng đồng, có như vậy sẽ hành động đúng đắn, tạo nét đẹp “văn hóa giao thông” đáng quý.