Cuộc sống thường ngày

Chuyện những người khuyết tật ở Quảng Nam vượt qua nghịch cảnh

BÍCH LIÊN 03/12/2024 08:00

Từ trong nghịch cảnh, nhiều người khuyết tật ở Quảng Nam đã vượt qua rào cản của sự mặc cảm, tự ti của bản thân, của số phận, vươn lên hòa nhập cộng đồng, là chỗ dựa của gia đình, đóng góp cho xã hội.

nguyen hoang linh 2
Chị Nguyễn Hoàng Linh kể câu chuyện cuộc đời mình, truyền cảm hứng cho bao NKT. Ảnh: BÍCH LIÊN

Trên đất Quảng Nam, từ sự tiếp sức của Hội Người khuyết tật (NKT) và gia đình, xã hội, nhiều NKT đã nỗ lực vươn lên trong đời sống.

Như tấm gương của chàng trai Nguyễn Hữu Khoa (SN1993, trú thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) bị khuyết tật vận động từ nhỏ, song với ý chí, nghị lực phi thường, Khoa đã theo đuổi giấc mơ trên giảng đường đại học, trở thành kỹ sư, hiệp sĩ công nghệ thông tin.

Từ nhỏ, con đường đến trường của Khoa hết sức gian nan bởi việc đi lại, di chuyển có phần khó khăn. Tuổi thơ của Khoa cũng không trọn vẹn như bao bạn bè đồng trang lứa nhưng cậu không hề nản lòng, bỏ cuộc, buông xuôi theo số phận. Khoa nuôi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, có thể làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân và sống có ích cho xã hội.

Miệt mài đèn sách, 12 năm với sự hỗ trợ của mẹ, của cha, Khoa đến lớp đều đặn, bao giọt mồ hôi đẫm ướt song nụ cười chưa bao giờ tắt. Cậu luôn có thành tích tốt trong học tập khiến bạn bè, thầy cô cảm phục. Rồi Khoa cũng đã chinh phục giảng đường đại học, tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin ở Đà Lạt.

Việc học đại học đối với NKT vốn đã khó, tốt nghiệp đại học, tìm việc làm phù hợp lại càng gian nan. Cầm tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin trên tay, song để được một công ty nào đó nhận vào làm việc thì khuyết tật của cơ thể là trở ngại lớn.

“Thật sự khi đi học đại học, mình cứ nghĩ học xong sẽ có một công ty, tổ chức nào đó sẽ tạo điều kiện làm việc, nhưng sự thực không hề như vậy. Nhiều công ty đã từ chối bởi họ lo rằng việc nhận một NKT vào làm việc sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất lao động và hiệu quả công việc chung. Có một công ty cũng nhận mình vào làm việc nhưng công ty này lại ở tầng 6, mà mình lại gặp khó khi di chuyển lên cao nên cũng đành nghỉ việc” - Khoa tâm sự.

khoa 3
Một trang tiktok của Nguyễn Hữu Khoa có lượt follow cao. Ảnh: BÍCH LIÊN

Về quê nhà Thăng Bình, sống với cha mẹ, Khoa có gần 2 năm làm việc ở Hội NKT huyện. Anh cho biết, gần 2 năm công tác ở hội, mức lương khá thấp, song bản thân đã có nhiều trải nghiệm.

Thời điểm năm 2015 - 2016, Hội NKT huyện Thăng Bình sáp nhập với Hội Người mù huyện, Khoa lại mất việc. Tự tạo việc làm cho mình, Khoa đã mày mò nghiên cứu, giới thiệu và nhận được các đặt hàng thiết kế giao diện website, chăm sóc website, anh còn được nhận làm quản trị mạng cho một trang việc làm có uy tín.

Phát huy sở trường chuyên môn, anh kết nối làm còn cộng tác với một kênh truyền hình chuyên về bán hàng ở Mỹ để đăng tải hình ảnh quảng cáo sản phẩm, đồ dùng gia đình cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo, bán hàng.

Khoa còn thành lập các trang mạng xã hội chia sẻ kiến thức về công nghệ thông tin, kỹ thuật thiết kế, kỹ thuật đồ họa... cho cộng đồng, dạy học qua mạng... Các tài khoản của Khoa như TikTok với 80 nghìn người theo dõi, một group 127.000 thành viên, một fanpage Facebook 620.000 thành viên...

Khoa đã truyền cảm hứng đến NKT và cộng đồng về nghị lực vượt khó. Khoa còn hỗ trợ một NKT ở Bình Sa cũng từng học về công nghệ thông tin ở Đà Nẵng, giới thiệu khách hàng, công việc để giúp người này vươn lên trong cuộc sống. Từ các nguồn thu nhập chủ động và thụ động, mỗi tháng, Nguyễn Hữu Khoa có thu nhập hàng chục triệu đồng, đủ sức lo cho bản thân, là trụ cột của cha mẹ lúc sức yếu tuổi già...

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Lãnh (quê Thăng Bình) có chồng mất sớm, một NKT như chị lại trở thành điểm tựa của 2 con đang tuổi ăn học cũng đầy xúc động.

Chị Lãnh từng phải trải qua phẫu thuật thay khớp háng, cuộc sống 3 mẹ con từng bế tắc. Song chị quyết tâm làm việc để làm chỗ dựa cho 2 con. Ba mẹ con chị đến thị trấn Hà Lam thuê nhà, mở quán bán mỳ, bún buổi sáng để kiếm sống.

Mỗi ngày, lượng khách đến quán cũng tương đối, một phần vì bàn tay khéo léo của chị, một phần thì cũng thấu hiểu hoàn cảnh vất vả, khó khăn của 3 mẹ con. Nhờ có thu nhập, sau khi trừ các khoản tiền thuê nhà, mấy mẹ con chị Lãnh có thể sống qua ngày, các con chị không phải bỏ học. Hay như anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Trường An, xã Bình Tú, Thăng Bình) bị khuyết tật vận động nhưng cũng đã nỗ lực học nghề sửa chữa ti vi, thiết bị điện tử kiếm sống và mong muốn dạy nghề cho NKT.

Chị Phạm Thị Thúy - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Thăng Bình cũng là một gương NKT vượt khó, tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Chị Thúy từng có thời gian giảng dạy tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thăng Bình), rồi sau công tác ở xã, là một cán bộ hội năng nổ, nhiệt huyết với phong trào...

Tại Đại Lộc, nhiều người cảm phục trước tấm gương vượt khó của chị Nguyễn Hoàng Linh (quê xã Đại An). Chị Linh bị khuyết tật vận động ở đôi chân song đã nỗ lực học nghề may, có thể may được nhiều loại sản phẩm may mặc, gia dụng, nhận may gia công tại nhà, đào tạo nghề và giải quyết việc làm thời vụ cho một số chị em khuyết tật.

Linh còn học cách bán hàng qua mạng, chủ động làm các loại bánh, thực phẩm nhà làm, bán sản phẩm OCOP... Với đôi tay khéo léo, ăn nói lưu loát, có cảm tình, chị Linh cũng chốt được nhiều đơn hàng mỗi ngày... Với sự nỗ lực tự thân, sự hậu thuẫn từ gia đình, vợ chồng chị Linh cũng xây được căn nhà gác lửng kiên cố...

Có thể thấy, ở những NKT nói trên có cùng một điểm chung, đó là những con người tự tin, vượt qua rào cản của sự mặc cảm, tự tin, vượt lên số phận để sống có ích. Họ đã tiếp thêm động lực sống, niềm tin và khát vọng cho bao NKT khác trong cộng đồng, xã hội.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện những người khuyết tật ở Quảng Nam vượt qua nghịch cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO