Chuyện những vị tướng tư lệnh

HỒNG VÂN 16/10/2015 08:46

Thành lập ngày 16.10.1945, đến nay, Lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã có 70 năm truyền thống. Trải qua thời gian, lực lượng vũ trang quân khu xuất hiện nhiều vị tướng tài ba, nhân cách cao đẹp, được đồng đội nhắc đến với tất cả sự trân trọng và tự hào.

Tư lệnh “không quân hàm”

Đồng chí Nguyễn Chánh - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Bí thư Liên khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5, quê Quảng Ngãi, cầm quân khi còn rất trẻ. Ông mất lúc chỉ mới 43 tuổi (24.9.1957) để lại bao thương tiếc về một tướng lĩnh có tài thao lược. Nguyễn Chánh là vị tướng không quân hàm, nhưng trong lòng đồng đội và nhân dân, ông luôn là một vị tướng tài ba, là danh tướng bất tử trong lòng hậu thế.

Đại tá Phạm Hương - thành viên Đội du kích Ba Tơ năm xưa, kể: “Nguyễn Chánh là người rất thông minh, có hiểu biết sâu rộng, tài ăn nói dễ thu hút người khác. Đội Du kích Ba Tơ thành lập, Nguyễn Chánh là Bí thư, Chính trị viên, anh đã bàn bạc với các đồng chí của mình đưa đội từ núi Cao Muôn về đồng bằng. Đây là một chủ trương rất sáng suốt, táo bạo, giúp đội du kích nhanh chóng phát triển mạnh mẽ”.

Thượng tướng Nguyễn Chơn (giữa) với Bộ Tư lệnh Quân khu 5.
Thượng tướng Nguyễn Chơn (giữa) với Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Thiếu tướng Trần Tiến Cung - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 kể: “Trong chiến dịch Át-lăng 1953 - 1954, tôi phụ trách đội trinh sát của Liên khu 5. Đồng chí Nguyễn Chánh lúc này là Tư lệnh Liên khu 5, tôi nhận thấy ông có 3 cái giỏi. Thứ nhất, quyết định đưa lực lượng chủ lực của ta từ đồng bằng lên Tây Nguyên, nơi Na-va tập trung một lực lượng cơ động chiến lược lớn đông hơn ta gấp 5 lần. Nhờ vậy ta đã giành chiến thắng vẻ vang. (Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, có một viên tướng người Pháp tên là De Beaufort nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông ta gặp bằng được người chỉ huy đánh bại chiến dịch Át-lăng. Viên tướng này đã không tin rằng ngồi trước mặt mình là Nguyễn Chánh “một vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường” - như hồi ký sau này ông ta đã thuật lại. Thứ hai, là sử dụng tối đa lực lượng trinh sát, quân báo. Khi Binh đoàn 100 bị đập tan, Pháp điều Binh đoàn 42 cứu viện. Để khỏi đổ thêm xương máu cho quân ta, Nguyễn Chánh đã dùng trinh sát kỹ thuật phát lệnh công khai (nghi binh) trên mạng thông tin của ta “tập trung đánh Sóc-canh”. Đại tá Sóc-canh nghe điện nghi binh đó, tưởng lực lượng ta rất mạnh nên đã dừng lại không đi chi viện nữa. Thứ ba, là bảo vệ toàn vẹn chiến lợi phẩm. Khi chiến thắng, ta thu hồi hàng trăm xe tăng, xe tải địch bỏ lại ngổn ngang, đồng chí Nguyễn Chánh kêu gọi lực lượng tù binh ai biết lái xe tăng, xe kéo pháo, xe tải ra đầu hàng sớm để cho về đồng bằng. Nhờ vậy cả đoàn xe mấy trăm chiếc được tù binh lái đưa về căn cứ an toàn. Nhiều chiếc đã được theo tàu tập kết ra Bắc…”.

Trung tướng Phan Hoan cùng đồng đội ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: HỒNG VÂN
Trung tướng Phan Hoan cùng đồng đội ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: HỒNG VÂN

Tướng “thét ra lửa” tìm nước cho bộ đội

Thượng tướng Nguyễn Chơn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, quê Đà Nẵng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nổi tiếng là vị tướng “thét ra lửa”. Đặc biệt khi ông chỉ huy Sư đoàn 2 lập nên những chiến công vang dội, nhất là ở chiến trường Quảng Nam với những trận đánh như Đồng Dương, Hiệp Đức, Việt An, Cấm Dơi, Nông Sơn… Theo ông, chuẩn bị tỉ mỉ cho một trận đánh, tránh thương vong là yêu cầu bắt buộc của người chỉ huy. Khi làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường K đánh Pôn Pốt, ông là người cầm quân cho trận cuối cùng đánh cao điểm 547 ở Prết-vi-hia trên cương vị Tư lệnh Quân khu 5.

Thế hệ trẻ viếng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh. Ảnh: HỒNG VÂN
Thế hệ trẻ viếng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh. Ảnh: HỒNG VÂN

Trung tướng Lê An - nguyên Giám đốc Học viện Lục quân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 ở chiến trường Campuchia kể:

Đầu năm 1984, sau khi nhận chức Tư lệnh, Trung tướng Nguyễn Chơn đã cùng chỉ huy Mặt trận 579 đi thị sát thực địa. Quân khu 5 tập trung lớn lực lượng quyết tâm tiêu diệt căn cứ 547 mở màn cho chiến dịch tiêu diệt toàn bộ tập đoàn quân Pôn Pốt ở vùng biên giới đông bắc Campuchia. Lực lượng quân khu sử dụng bao gồm: Sư đoàn 307, Sư đoàn 2 thiếu (gồm Trung đoàn 1 và Trung đoàn 143 của Sư đoàn 315), một trung đoàn pháo, một trung đoàn cao xạ, một tiểu đoàn xe tăng, một tiểu đoàn xe bọc thép, cùng một số đơn vị kỹ thuật khác do Trung tướng Nguyễn Chơn trực tiếp chỉ huy. Rút kinh nghiệm từ 3 lần ta đánh giằng co địch ở vị trí then chốt này và tổn thất khá lớn, Tư lệnh Chơn chú trọng khâu hậu cần, đặc biệt là nước. Đi đôi với việc chuẩn bị chiến trường như tổ chức lực lượng trinh sát chặt chẽ từ trung đoàn, sư đoàn đến mặt trận, đặt các đài quan sát..., ông chỉ đạo các bộ phận chuẩn bị đầy đủ nước uống cho bộ đội, cụ thể như tổ chức một đội xe chở nước gồm 30 chiếc, trong đó có 10 xe bọc thép hộ tống chuyển nước đến trạm tiếp nước của các trung đoàn sát với trận địa để phục vụ bộ đội. Ngoài bi đông cá nhân, bộ phận hậu cần còn mua hàng nghìn chiếc can nhựa, bao ny lon có sức chứa 20 - 30 lít trang bị cho các tiểu đội, trung đội. Nhờ bảo đảm đầy đủ nước uống nên cán bộ, chiến sĩ rất yên tâm bước vào trận đánh và kết thúc thắng lợi. Toàn bộ sở chỉ huy căn cứ 547 của địch bị xóa sổ. Nhiều người nói rằng, không dứt điểm cao điểm 547, máu xương chiến sĩ còn đổ.

Ở tuổi 88, dẫu nay sức khỏe đã yếu, Thượng tướng Nguyễn Chơn vẫn rất minh mẫn, thường xuyên truyền đạt những kinh nghiệm quý báu trong chỉ huy cho lớp cán bộ trẻ đến thăm ông hàng ngày và trong các dịp lễ, tết.

Học giỏi, cầm quân tài

Trung tướng Phan Hoan, quê Quảng Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2012 trên cương vị Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà với những quyết sách táo bạo, sáng suốt, góp phần xứng đáng vào ngày toàn thắng của đất nước. Ông mất năm 2014 sau thời gian bạo bệnh kéo dài, trong sự chăm sóc đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ Tư lệnh Quân khu.
Tư lệnh Phan Hoan là một trong những tướng lĩnh của Quân khu 5 được đào tạo bài bản nhất và cả cuộc đời ông là một tấm gương học tập. Không phải ngẫu nhiên mà ông là người đảm trách Tư lệnh Quân khu lâu nhất, với 10 năm. Thời thiếu niên bị áp bức bất công, đói khổ, ông vẫn xin cha mẹ được đi học rồi sau đỗ primaire. Vào quân đội, ông được học ở trường Lục quân Khu 5, sau đó được cử sang Liên Xô học ở Học viện Thông tin. Ông học rất giỏi, năm nào cũng là học viên xuất sắc, được treo bảng vàng ở nhà trường nước bạn. Nhưng năm làm Chủ nhiệm Thông tin ở Học viện Quân sự, trước khi trở lại vào Nam tham gia Mặt trận Tây Nguyên, giữa sục sôi của cuộc kháng chiến, ông vẫn “cắp cặp” đi học, kiên trì làm luận văn tiến sĩ. Khi ông chuẩn bị bảo vệ trước hội đồng là những chuyên gia Nga thì đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc (1965), việc hoàn thành học vấn tiến sĩ bị gián đoạn, nhưng những kiến thức quân sự được trau dồi vẫn theo ông đi suốt cuộc đời binh nghiệp. Học chính quy chưa đủ, ông học “trường đời”, học thực tiễn. Có ý chí học hỏi không ngừng không chỉ về quân sự, chính trị mà trong mọi lĩnh vực nên Trung tướng Phan Hoan là người chỉ huy có kiến thức khá toàn diện. Sau này khi về hưu ông viết hồi ký “Những năm tháng đời tôi” thì hồi ký này cũng đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trao giải thưởng “Sách hay nhất”...

Còn nhiều Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 5 đã để lại kỷ niệm sâu nặng trong lòng đồng đội. Họ đều giống nhau ở lý tưởng cách mạng cháy bỏng, dấn thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, có nhân cách cao đẹp, thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện những vị tướng tư lệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO