(QNO) - Nhiều sinh viên Mỹ đón nhận tin vui khi chính quyền Tổng thống Barack Obama vừa tuyên bố kế hoạch giảm nợ chi phí đại học cho sinh viên.
Để có tấm bằng đại học, nhiều sinh viên Mỹ ngập trong nợ nần. Ảnh: PBS |
Những năm gần đây, câu chuyện nợ tiền học phí trong giới sinh viên Mỹ trở thành đề tài được quan tâm đặc biệt tại đất nước có nền kinh tế số một thế giới. Cách đây khoảng 3 - 4 năm, nhiều gia đình người Mỹ còn có thể xoay xở tiền bạc để thanh toán học phí giáo dục đại học cho con em. Nay học phí đại học tăng theo cấp số nhân, khiến nhiều sinh viên ngập trong nợ nần, chủ yếu thuộc gia đình tầng lớp thấp và trung lưu với mức thu nhập vẫn không mấy thay đổi.
Được biết, học phí và các loại phí khác trong các trường đại học Mỹ tăng 6 lần trong 40 năm qua. Theo tổ chức quản lý tiền nợ của sinh viên Sally Mae, mỗi sinh viên Mỹ mượn tiền đi học nợ trung bình khoảng 30.000 USD và tính đến nay, tổng số nợ trong sinh viên Mỹ lên tới 1,2 nghìn tỷ USD. Như giới trẻ tại nhiều quốc gia, tấm bằng đại học vẫn được xem là công cụ quý giá về tương lai tương sáng hơn sau này.
Tổ chức Sally Mae thống kê hiện có hơn 40 triệu người Mỹ dù đã ra trường nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, vẫn mang trên mình gánh nợ từ thời sinh viên. Cứ gần 70% sinh viên tốt nghiệp nhận bằng cử nhân rời khỏi trường đại học đều mắc nợ nần không nhiều thì ít. Mức hoàn trả tín dụng sinh viên trung bình của những người tốt nghiệp đại học trong độ tuổi 20 đến 30 là 351 USD/tháng. Còn tạp chí Forbes cho hay, trung bình mỗi sinh viên ra trường, phải mất tới 20 năm, mới có thể trả hết nợ trong khi nhiều người trong số họ ra trường vẫn chưa kiếm được việc làm hoặc phải chi phí nhiều trong cuộc sống và không đủ trả nợ. Nhiều sinh viên vì khó tiếp cận với các khoản vay liên bang nên tìm đến các công ty tư nhân để vay tiền với lãi suất thường rất cao, có thể gấp 2 - 3 lần lãi suất vay của Chính phủ Mỹ. Trên thực tế, để con em không rơi vào cảnh nợ nần sau khi ra trường, nhiều phụ huynh Mỹ khuyến khích con em tìm nguồn hỗ trợ học phí, học bổng, dựa vào các chế độ của gia đình, các ngành học như quân đội. Tuy nhiên, suất hỗ trợ cho các đối tượng này không quá dồi dào hoặc còn phải dựa vào kết quả học tập của các em.
Vào cuối tháng 11 vừa qua, Văn phòng kiểm toán của Chính phủ Mỹ công bố kế hoạch sẽ miễn nợ cho sinh viên với tổng số tiền ít nhất là 108 tỷ USD, thông qua hình thức giảm dần khoản tiền trả mỗi tháng, dựa vào mức độ tiền lương. Chính phủ sẽ xóa nợ cho bất kỳ khoản vay nào sau 10 - 20 năm chi trả mà người vay phải thực hiện nghiêm chỉnh khoản chi trả hàng tháng. Ngoài ra kế hoạch còn bao gồm thêm khoảng 29 tỷ USD trong tiền nợ sinh viên sẽ được xóa sổ vì người vay nợ đã qua đời hay bị phế tật. Theo luật pháp Mỹ, bất kỳ sinh viên bị hạn chế bởi khiếm khuyết cơ thể và đáp ứng những điều kiện của luật pháp thì sẽ được chính phủ hỗ trợ cho vay để thanh toán tiền học phí. Kế hoạch vừa tiết lộ trên được đánh giá là một trong những nỗ lực cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama nhằm giúp giảm gánh nặng cho sinh viên sau khi ra trường và khuyến khích các sinh viên nỗ lực vươn lên học cao hơn. Đây quả là một tin rất vui cho các sinh viên Mỹ. Song nhiều ý kiến vẫn lo ngại kế hoạch này có thể bị thay đổi dưới thời của Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump sau khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20.1.2017.
NAM VIỆT