Chuyện ở địa đạo Kỳ Anh

XUÂN KHÁNH 15/07/2015 08:52

Gần 50 năm sau ngày hoàn thành địa đạo Kỳ Anh, những người từng trụ bám ở làng Thạch Tân, xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) vẫn nhớ như in thời gian khó mà hào hùng.

Khắp nơi là địa đạo

Nhà nằm cạnh đình làng Thạch Tân - “đầu não” của địa đạo Kỳ Anh, bà Trần Thị Thơ (71 tuổi) cho hay thời chiến tranh khắp làng Thạch Tân địa đạo giăng trong lòng đất. Nhưng khi hòa bình, ai nấy lo cuộc sống mới nên không để ý giữ những địa đạo riêng của gia đình. “Trách răng được, chiến tranh đau khổ triền miên, nên hòa bình ai lại nghĩ đến chuyện giữ địa đạo. Nhưng hư hỏng nặng nhất là do mưa lụt, nước ngập, giờ đâu nhà nào còn địa đạo. May mà địa đạo chính vẫn còn” - bà Thơ nói.

Điểm chính của địa đạo Kỳ Anh trước đây vốn nằm ở góc phải phía sau nhà bà Thơ, sau bị ngập nước và hư mới chuyển sang địa điểm bây giờ, khi ấy nơi này là hầm cứu thương và cất giấu lương thực. Theo lời bà Thơ, hồi đó hầu như nhà nào cũng đào địa đạo gia đình và nối thông với nhau để dễ bề tránh địch và hỗ trợ nhau. Địa đạo ở Tam Thăng nhiều, nhưng tập trung và hiệu quả nhất là ở làng Thạch Tân và Vĩnh Bình. Bà Thơ lý giải do 2 thôn này cây cối rậm rạp, lại có đình làng “ngụy trang”. Theo thời gian, đến nay hệ thống địa đạo còn lại chủ yếu ở làng Thạch Tân.

Đình Thạch Tân - điểm trọng yếu của Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đình Thạch Tân - điểm trọng yếu của Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bà Thơ kể, khi cả làng tiến hành đào địa đạo, bà mới tuổi mười chín, đôi mươi, tham gia du kích xã. Bà có nhiệm vụ thám thính tình hình càn quét, tuần tiễu của địch để thông báo cho mọi người biết tránh bị địch phát hiện. Do Thạch Tân cách đường 1 khoảng một cây số theo đường chim bay nên việc trinh thám địch hết sức quan trọng đối với việc đào địa đạo. Còn bà Huỳnh Thị Thuận (60 tuổi) kể: “Hồi đó cô và các bạn cùng lứa còn nhỏ không đủ sức để đào địa đạo nên được phân nhiệm vụ nắm tình hình địch. Lũ nhỏ bọn cô còn phụ giúp bằng cách mỗi người cầm cành lá, hễ cô chú nào gánh đất đi đổ là theo sau phủi xóa dấu vết, rồi tiếp lương thực, thuốc men cho các anh, các chú đào địa đạo”. Ngày đó địch cũng biết vùng này có địa đạo, nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm của người dân mà hệ thống địa đạo Kỳ Anh vẫn giữ được bí mật. Bà Trần Thị Loan (66 tuổi), người dân làng Thạch Tân cho hay: “Biết ở đây có địa đạo, nhưng không xác định chính xác là nơi nào nên Mỹ dồn dân sang Tam An, Mỹ Cang… nhằm tách dân, cô lập người trốn trong địa đạo. Bọn chúng nghĩ không có nhân dân, không được tiếp tế lương thực, nước uống thì người ở dưới địa đạo thế nào cũng phải “trồi” lên. Thế nhưng địch không ngờ rằng, trong thời gian chúng “phục” ở làng thì bọn cô giả vờ đi làm ruộng, ra ao giặt quần áo… để mang lương thực, thuốc men tiếp tế cho thanh niên, bộ đội. Chờ mãi không thấy động tĩnh gì, chúng đành bỏ cuộc”.

Đoàn viên thanh niên tìm hiểu về địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đoàn viên thanh niên tìm hiểu về địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chuyện của một thời

Những người trực tiếp đào và chiến đấu tại địa đạo Kỳ Anh còn sinh sống ở Thạch Tân bây giờ có ông Trần Hữu và Lê Khắc Phiến. Tiếc là ông Hữu tuổi cao, mắt mờ và trí nhớ kém. Còn ông Phiến (70 tuổi) kể rằng hồi đó người dân chờ đến đêm mới đào địa đạo, còn ban ngày tham gia chiến đấu, sản xuất. “Phải đào ban đêm vì gần đường 1 quá, nếu đào ban ngày dễ bị địch phát hiện. Trước khi đào, phải nhận được thông báo “an toàn” từ du kích thám thính tình hình đi tuần của địch. Chúng tôi chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm thường có 9 người, trong đó 3 người trực tiếp đào và hốt đất vào trạc, 3 người đưa đất lên và 3 người mang đi đổ. Dưới hầm đốt đèn cầy để làm nguồn sáng và làm luôn… đồng hồ, hết một cây đèn cầy thì thay người khác xuống đào”- ông Phiến nhớ lại.

Những người sống ở khu vực đình Thạch Tân như bà Thơ, bà Loan thường cùng nhau quét dọn khuôn viên di tích địa đạo. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Những người sống ở khu vực đình Thạch Tân như bà Thơ, bà Loan thường cùng nhau quét dọn khuôn viên di tích địa đạo. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Theo ông Phiến, vùng này tuy là đất cát nhưng ở độ sâu chừng 60 - 80cm đất rất cứng, có màu đen như bã cà phê. Lực lượng trực tiếp đào là thanh niên, nông dân, ở những đoạn địa đạo hẹp chỉ đủ một người chui lọt phải “trưng dụng” trẻ em. Địa đạo có chiều cao trung bình khoảng 80cm, rộng 60cm, trừ những đoạn cố ý đào hẹp. Ông bảo: “Năm 1966, do chưa có kinh nghiệm, bị địch phát hiện, không biết làm sao cho thoát được nên 11 đồng chí của tôi phải hy sinh. Sau này chúng tôi nối tiếp các đường hầm lại với nhau, bố trí vài chục mét là một đoạn hầm khá hẹp, chỉ vừa đủ chui qua. Những điểm hẹp này, nếu bị địch phát hiện, mình dễ dàng lấp đất lại mà chúng không biết. Từ đó về sau không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra, thậm chí là cứu thoát được người”. Ông Phiến kể, vào năm 1968, địch bắt được ông Nguyễn Tân, lấy dây cột lại rồi bảo xuống địa đạo kêu mọi người lên đầu hàng. Trực nhánh địa đạo ấy lúc này là ông Phiến và ông Nguyễn Đình. Ông Tân xuống đến nơi kể lại vụ việc. Mọi người bàn phương án rồi bảo ông Tân lên lại nói với địch là tối quá không thấy gì, phải nhờ con gái dẫn đường. Vì nếu ông Tân bỏ trốn lúc đó, con gái ông sẽ gặp nguy hiểm. Khi cha con ông Tân xuống đến nơi, mọi người mở trói rồi cùng trốn, tay vẫn cầm theo sợi dây kéo đi để địch không nghi ngờ. Ông Phiến còn kể thêm, dưới địa đạo luôn trữ lương thực và thuốc men phòng địch vây nhiều ngày. Khoảng 100m là địa đạo chạm giếng của các gia đình trong làng, do đó không lo bị khát. Hơn nữa, giếng nước là nơi liên lạc giữa cách mạng với dân. Nếu còn địch, dân múc nước đầy gàu rồi thả mạnh xuống mặt nước 3 cái, địch đã rút là 2 cái.

Gìn giữ địa đạo

Việc trông coi di tích địa đạo Kỳ Anh - cũng là đình làng Thạch Tân bây giờ do ông Huỳnh Kim Ta, 55 tuổi, đảm trách. Trước đó, công việc này là của ông Phiến, cuối năm 2013, do tuổi cao sức yếu nên nghỉ. Ông Phiến bảo, hồi còn trông coi địa đạo, ông gửi gắm tình cảm của mình vào đó nhiều. Bởi địa đạo là do ông cùng bao đồng đội, người làng chung tay đào nên, rồi trải qua không biết bao nhiêu cay đắng ngọt bùi lúc chiến đấu. Kẻ sống nhớ người mất, nên trân quý lắm.

Địa đạo Kỳ Anh được đào từ năm 1965 - 1967, dài khoảng 20km, có đóng góp rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hôm chúng tôi đến, ông Ta và các bà Thơ, Loan, Thuận đang cùng nhau quét dọn khuôn viên di tích địa đạo ở đình làng Thạch Tân. Ông Ta bảo, đó là công việc của ông, nhưng các cô, các chị ấy lần nào cũng giúp sức. “Tôi dù gì cũng là lớp sau, không tham gia đào địa đạo vì lúc ấy còn rất nhỏ. Còn với các cô, các chị, đó là một phần xương máu, nên vài ba hôm là cùng tôi dọn dẹp khuôn viên di tích địa đạo, họ xem đây như nhà của mình”.

Bà Loan cho hay, trước đây đình làng chỉ là mấy miếng gạch, đến năm 1974 mới có người đứng ra quyên góp xây dựng lại, rồi qua nhiều lần trùng tu mới được như bây giờ. “Trước đó, năm Mậu Thân 1968, Mỹ có dùng xe xích kéo cột đình mà không được nên đốt. Bấy giờ có ông Võ Dũng là du kích, thấy đình bị đốt nên chạy ra xa bắn mấy phát súng để thu hút địch. Quả nhiên, nghe tiếng súng, bọn chúng lo đuổi theo bắt du kích nên mọi người mới có cơ hội dùng nước dập lửa cứu đình” - bà Loan kể. Rồi bà Loan chia sẻ tâm tư: “Đấy, anh em tôi sống chết để giữ địa đạo, giữ đình làng, thì chúng tôi cũng phải chăm lo gìn giữ. Vừa là tri ân, vừa là để con cháu sau này biết đến thời hào hùng của làng mình”.

XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện ở địa đạo Kỳ Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO